Bốn giờ chiều một ngày đầu mùa hè, thuyền trưởng Bùi Văn Trí (42 tuổi) cùng năm thuyền viên từ bãi biển xã Tam Tiến (huyện Núi Thành, Quảng Nam) lên thuyền thúng. Họ chèo khoảng 10 phút ra đến tàu chụp mực neo đậu.
Tàu anh Trí cầm lái công suất 450CV, từng đợt sóng nhấp nhô dồn dập khiến tàu lắc lư. Sau gần hai giờ, tàu cách đất liền 12 hải lý - ngư trường thường đánh bắt được nhiều hải sản mà ngư dân đã đánh dấu tọa độ.
Những con mực dính câu. Ảnh: Đắc Thành.
Máy đo độ sâu báo hơn 70 m, tàu không thể thả dây neo, các thuyền viên bung dù. Đây là cách neo đặc biệt khi tấm dù xòe ra níu tàu trôi chậm lại quanh vùng đánh bắt.
Thuyền trưởng Trí tắt máy chính, máy phụ hoạt động phục vụ dàn đèn điện trên tàu thắp sáng cả một vùng biển dụ cá đến. Ánh sáng chiếu xuống, đứng trên tàu nhìn thấy từng đàn cá bé như ngón tay chao lượn. “Cá nhỏ vào càng nhiều thì mực, cá lớn đến càng đông, vì chúng tới săn mồi”, anh Bùi Văn Ký giải thích.
Bữa cơm được mọi người mang theo dọn ra. Tàu lắc lư theo con sóng, nhưng ngư dân ăn một cách ngon lành. Thức ăn chủ yếu là hải sản họ đánh bắt được từ chuyến biển hôm trước để lại.
Trong lúc chờ thả lưới, mỗi thuyền viên ngồi bên mạn tàu tay cầm ống nhựa vòng tròn cuốn dây cước và một đoạn cần dài gần một mét. Phía đầu cuộn dây được gắn mồi giả - gọi là đum mực - thả xuống nước.
“Cách câu mực rất đơn giản, mình chỉ thả xuống nước và giật liên tục để dụ mực cắn câu. Khi kéo dây tay có cảm giác nặng, dây cước giật thì mực đã dính câu”, thuyền viên trẻ nhất tàu Trần Văn Thuận chia sẻ.
Thuận 27 tuổi, gắn bó nghề đi biển bảy năm. Ban đầu Thuận đi làm thuê trên tàu cá đánh bắt gần bờ có, xa bờ có. Sau ngần ấy thời gian, có chút vốn, Thuận cùng mọi người mua được con tàu cũ ở Quảng Bình đưa về sữa chữa, cải hoán hành nghề chụp mực, đánh bắt hải sản nước nổi, cách đây ba năm.
Theo Thuận, biển bữa được bữa không nhưng không thể bỏ, thế hệ cha ông bám biển mưu sinh, giờ con cháu theo nghiệp. “Nghề biển đem lại khoản thu nhập đã đành, cũng góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo. Cứ lên bờ kiếm việc khác làm hết thì còn ai đi biển, giữ gìn chủ quyền đất nước”, Thuận bày tỏ.
Việc câu mực như tàu của Thuận chỉ là giai đoạn "đốt thời gian" bởi công việc chính là thả lưới chụp mực. Tuy nhiên, việc câu mực cho thu nhập thêm, đêm gặp may mỗi người câu được vài kg.
Các thuyền viên tàu QNa 90361 thả lưới vây bắt hải sản. Ảnh: Đắc Thành.
20 giờ, cả năm thuyền viên đang say sưa câu mực thì máy dò cá báo hiệu xuất hiện hải sản. Anh Trí hô hào thu dọn cần câu để tập trung cất mẻ lưới lớn. Hệ thống lưới chụp được thiết kế bốn góc con tàu có bốn cần sắt dài gần chục mét vươn ra. Dây thừng vây quanh tạo thành một bộ khung vững chắc để giữ lưới trên không.
Đèn điện trên tàu được tắt dần để gom cá mực vào khu vực bỏ lưới, đến lúc còn một bóng đèn ở hông con tàu thì thuyền trưởng Trí hô lớn "một, hai, ba", cùng lúc mỗi người một góc mũi tàu giật dây thả tấm lưới rộng khoảng 50 m2 chìm nhanh xuống nước.
“Hàng trăm cục chì nặng đến vài tạ sẽ đưa lưới chìm rất nhanh, khi đến độ sâu vài chục mét, máy tời hoạt động gom lưới để cá mực nằm gọn phía trong”, anh Trí nói. Công việc đánh lưới dùng máy tời nên không mất sức nhiều, nhưng nghề này tiếp xúc với nước, mỗi thuyền viên phải mặc áo mưa để tránh ướt. Khi làm đổ mồ hôi thoát nước không được, cơ thể bị nóng nực.
Tấm lưới được máy tời kéo lên boong tàu, cá mực nằm gọn phía trong. Các thuyền viên đổ ra và phân loại cho vào hầm đá bảo quản. “Mẻ lưới này được khoảng 30 kg mực và một ít cá hố, bán được hơn 2 triệu đồng”, anh Trí ước chừng và thúc mọi người thu dọn để tiếp tục mẻ lưới mới.
Cá mực được anh em ngư phủ phân loại cho vào hầm bảo quản. Ảnh: Đắc Thành.
Các mẻ lưới sau được lặp lại, thời gian chong đèn dụ hải sản từ một đến ba giờ. Khi máy dò báo hiệu nhiều cá mực đến thì ngư dân thả lưới vây bắt.
Đến 3 giờ, tàu anh Trí được 4 mẻ, thu hơn một tạ mực và ít cá hố. Anh Trí cầm lái hướng con tàu vào bờ, các thuyền viên thu dọn ngư lưới cụ, lau chùi boong tàu. Sau 30 phút, công việc kết thúc, cơm nấu chín, mọi người đưa mực, cá chế biến làm thức ăn - đây là bữa ăn sáng. Rồi các thuyền nằm lăn ra ngủ trên đường tàu chạy vào bến.
Đúng 5h sáng, tàu cập bờ, các thuyền viên cho mực xuống thuyền thúng và đưa vào bãi biển bán. Hôm nay đến phiên thuyền trưởng Trí ở lại trông tàu, anh đánh một giấc ngon lành, bù cho đêm thức trắng.
Mực lớn được thương lái thu mua giá vài trăm nghìn đồng một kg, loại nhỏ vài chục nghìn. “Tổng tất cả bán được 7 triệu đồng, trừ chi phí hết 3 triệu đồng dầu, thức ăn, nước uống…, số tiền chia ra mỗi người được 500 nghìn đồng”, anh Ký nhẩm tính. Với anh, nghề biển thu nhập không ổn định, đêm gặp may thu gần 70 triệu đồng nhưng có đêm phải bù lỗ.
Khi chiều buông, họ lại lên tàu cho chuyến biển tiếp theo. “Mùa hè đánh mực nhiều nhất trong năm, nên chúng tôi đi liên tục không bỏ sót ngày nào. Đánh gần bờ không có thì chuyển qua đánh bắt xa bờ, mỗi chuyến đi nửa tháng”, anh Ký nói và hy vọng gặp đàn cá lớn, bán được vài chục triệu đồng.
Quảng Nam có chiều dài bờ biển trên 125 km, vùng đặc quyền kinh tế rộng hơn 40.000 km2, hình thành nhiều ngư trường với nguồn lợi hải sản phong phú. Hiện tỉnh có gần 4.000 tàu khai thác hải sản, trong đó đội tàu khai thác xa bờ hơn 700 chiếc. Sản lượng khai thác hàng năm khoảng 80.000 tấn. |
Đắc Thành (VnExpress)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.