Cả sào dưa bở bán chưa được 1 triệu đồng, dân Sóc Sơn ngao ngán

Nguyễn Quỳnh Thứ tư, ngày 30/05/2018 19:40 PM (GMT+7)
Giá dưa bở năm nay không cao bằng mọi năm, trong khi sản lượng lại giảm đáng kể khiến nông dân nhiều xã trên địa bàn huyện Sóc Sơn (TP.Hà Nội) khốn đốn vì thua lỗ.
Bình luận 0

img

Những hàng dưa nối dài ven tỉnh lộ 131địa bàn xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn, Hà Nội.

Những xe dưa bở, dưa lê màu vàng – xanh hấp dẫn từ lâu đã trở nên quen thuộc với cánh lái xe trên tỉnh lộ 131 qua địa bàn xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn. Những ngày cuối tháng 5, dưa đang vào đợt chín rộ nhưng niềm vui chẳng hiện hữu trên khuôn mặt của những người nông dân nơi đây.

Do ảnh hưởng của thời tiết, đợt mưa rét cuối tháng 3 khiến nhiệt độ giảm đột ngột, kết hợp với gió mạnh làm ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng phát triển của dưa, nhiều diện tích dưa bị rụng hoa và quả non làm cho năng suất giảm trầm trọng.

img

Thời tiết bất thuận khiến năng suất dưa bở vụ xuân 2018 trên địa bàn huyện Sóc Sơn giảm mạnh.

Không những mất mùa, giá dưa cũng không được như mọi năm. Thời gian thu hoạch dưa kéo dài khoảng 1 tháng, giá đầu vụ còn cao, sau đó giảm dần, hiện đang đứng ở mức 4.000 - 6.000 đồng/kg nhưng vẫn khó tiêu thụ.

Chị Nguyễn Thị Năm, một nông dân trồng dưa ở thôn Bắc Hạ, xã Quang Tiến chỉ vào xe dưa ở bên đường nói: “Gia đình tôi trồng 2 sào dưa bở, đến nay đã hái bán gần hết rồi mà ước tính mới thu được khoảng 1 triệu đồng/sào, nếu trừ chi phí giống và phân bón thì chỉ hòa thôi chứ không có lãi”.

Thôn Bắc Thượng (Quang Tiến) là vùng trồng dưa bở lớn nhất của huyện Sóc Sơn, nhiều nông dân ở đây cũng tỏ rõ sự ngao ngán khi nói về tình hình năng suất vụ dưa xuân năm nay.

img

Giá dưa ở mức 4.000 - 6.000 đ/kg cùng với năng suất thấp khiến nhiều hộ dân điêu đứng, không có lãi.

Gia đình chị Nguyễn Thị Lan ở thôn Bắc Thượng trồng 3 sào dưa, nếu như những vụ trước khi dưa chín rộ mỗi lần chị cắt được đầy một xe kéo thì năm nay chỉ được lưng xe. Những năm trước, thời tiết thuận lợi, năng suất dưa bở đạt trung bình gần 1 tấn/sào, với giá bán bình quân 4.000 - 6.000 đồng/kg, chị thu được 5 - 6 triệu đồng/sào, trừ chi phí lãi khoảng 4 triệu đồng, gấp 4 - 5 lần so với cấy lúa. Năm nay năng suất dưa giảm chỉ còn khoảng 1/5, sau khi “vét” hết dưa trong ruộng nhiều hộ cũng chỉ hòa, có hộ còn thua lỗ.

img

Chị Nguyễn Thị Lan đang chọn dưa cho khách.

“Nắng mưa là chuyện của trời, nhưng nếu nắng thì còn đỡ khổ chứ mưa xuống thì dưa đồng loạt nứt toác khiến bà con chúng tôi khốn đốn. Dưa chín rộ phải thu hoạch rất nhanh, cần bán gấp mà lại khó vận chuyển nên thương lái thường lợi dụng điều này để ép giá” – chị Lan than thở.

Một số người bán dưa cho biết, chưa bao giờ trồng dưa tiêu thụ khó khăn như năm nay. Mọi năm khi vào vụ thu hoạch là có xe tải về cân dưa chuyển đi nơi khác, nhưng năm nay rất ít xe đến thu mua khiến nông dân rất sốt ruột, đành đem dưa ra ven đường bán lẻ. Việc này lại ảnh hưởng đến quá  trình tham gia giao thông của người dân và các phương tiện, nguy hiểm đến tính mạng.

img

Đầu ra bấp bênh, người dân chỉ còn cách bày bán dưa bở, dưa lê dọc tỉnh lộ.

Dưa bở và dưa lê của huyện Sóc Sơn có hương vị thơm ngon, giá trị dinh dưỡng cao nên được nhiều người biết đến. Nhưng với tình hình sản xuất manh mún và giá cả bấp bênh, nhiều rủi ro như hiện tại thì cây dưa sẽ rất khó để trở thành cây trồng chủ lực giúp bà con nông dân nâng cao thu nhập.

Cho đến bây giờ những người trồng dưa ở Sóc Sơn vẫn đang phụ thuộc vào sự may rủi của thời tiết và bán tống bán tháo mồ hôi công sức của mình cho lái buôn.

img

Trái dưa Sóc Sơn thơm ngon và có giá trị dinh dưỡng cao nhưng chưa đem lại giá trị kinh tế cao cho nông dân.

Dưa bở từng là cây trồng tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho nông dân Sóc Sơn. Vậy nhưng xoay quanh những trái dưa ngọt mát cũng có không ít dư vị đắng chát.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem