Cụ thể, theo thông tin từ Hiệp hội Xuất khẩu và Chế biến Thủy sản Việt Nam (VASEP), tính đến nửa đầu tháng 10, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Malaysia đạt 34,18 triệu USD, tăng 23,6% so với cùng kỳ năm trước.
Được biết, đây là mức tăng khả quan nhất trong khu vực, ngoài ra, Malaysia cũng là thị trường nhập khẩu cá tra lớn thứ hai của Việt Nam tại khu vực ASEAN.
Cũng theo đánh giá của VASEP, sở dĩ kim ngạch xuất khẩu cá tra có bước tăng trưởng đột biến như trên là do các doanh nghiệp đã chủ động nhìn thấy được tiềm năng từ thị trường này.
Xuất khẩu cá tra được dự báo sẽ tăng mạnh vào các tháng cuối năm.
10 tháng đầu năm nay, gần 30 doanh nghiệp cá tra tăng cường xuất sang Malaysia hơn với các mặt hàng phile đông lạnh, steaks đông lạnh, bong bóng sấy,... với giá trung bình 1,5 - 7,5 USD/ kg.
Dự báo, với mức tăng trưởng đều đặn như vậy, quý IV, giá trị xuất khẩu cá tra sang Malaysia tiếp tục tăng trưởng dương. Năm 2019, tổng giá trị xuất cá tra sang thị trường ASEAN tăng khoảng 25% về giá trị so với năm 2018.
Không chỉ Malaysia, cá tra Việt còn đón nhận tin vui từ thị trường Mỹ, mới đây, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản cho biết, năng lực kiểm soát chất lượng, ATTP chuỗi sản xuất, chế biến xuất khẩu cá tra của Việt Nam đã đáp ứng những yêu cầu khắt khe nhất.
Do đó, Bộ Nông nghiệp Mỹ đã chính thức công nhận tương đương hệ thống kiểm soát ATTP cá da trơn của Việt Nam.
Ngoài ra, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) cũng ra đã thông báo quyết định sơ bộ của đợt rà soát thuế chống bán phá giá lần thứ 15 (POR15) cho giai đoạn từ ngày 1/8/2017 đến ngày 31/7/2018 đối với sản phẩm cá tra, cá basa của Việt Nam.
Theo nội dung quyết định trên, các Cty Vĩnh Hoàn, Biển Đông duy trì mức thuế suất là 0 USD/kg. Ngoài ra, 2 doanh nghiệp là Cty CP Thủy sản NTSF và Cty CP XNK Thủy sản Cần Thơ – CASEAMEX sẽ được xem xét áp dụng mức thuế suất 0 USD/kg dự kiến trong tháng 11/2019.
“Sắp tới có 4 doanh nghiệp Việt Nam được phép xuất khẩu cá tra vào Mỹ với thuế suất 0 USD/kg sẽ đẩy mạnh kim ngạch xuất khẩu cá tra vào thị trường này trong những tháng cuối năm 2019.” ông Tiệp cho hay.
Theo đánh giá của các chuyên gia, điều này giúp cá tra Việt Nam dễ dàng hơn trong việc tiếp cận và mở rộng thị trường xuất khẩu sang Mỹ. Cụ thể, Việt Nam đã được bổ sung thêm số lượng doanh nghiệp được đăng ký xuất khẩu cá tra vào Mỹ (hiện nay là 13 doanh nghiệp) và quan trọng hơn là tạo dựng được niềm tin cho nhà nhập khẩu Mỹ.
"Điều này giúp gia tăng sản lượng, giá trị xuất khẩu cá tra vào thị trường này trong những tháng cuối năm 2019. Đáp ứng yêu cầu công nhận tương đương của Mỹ sẽ góp phần chuyển mạnh ngành nuôi cá tra từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất lớn trên cơ sở kiểm soát có hệ thống từ con giống đến sản phẩm cuối cùng, đồng thời tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững của ngành thủy sản" - ông Tiệp nhấn mạnh thêm.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong lĩnh vực này vẫn được cảnh báo phải thận trọng, không được chủ quan. Theo quy định, sau khi công nhận tương đương, Bộ Nông nghiệp Mỹ tiếp tục giám sát, định kỳ thanh tra lại Hệ thống kiểm soát ATTP chuỗi sản xuất kinh doanh cá tra Việt Nam.
Do đó, muốn việc công nhận các tiêu chí ATTP xuất khẩu sang Mỹ và các thị trường khác được duy trì, Việt Nam cần tiếp tục tổ chức tốt việc thực thi Chương trình kiểm soát ATTP trong sản xuất kinh doanh cá tra tiêu dùng trong nước và khẩu.
Đáng chú ý, hiện nay, không ít thị trường đã đẩy mạnh nuôi cá tra, Việt Nam không còn giữ được thế “một mình một chợ”, thậm chí có khả năng bị cạnh tranh khốc trên thị trường xuất khẩu quốc tế. Đối thủ tiềm năng và “đáng gờm” nhất hiện nay đối với cá tra Việt Nam là Ấn Độ.
Cụ thể, sản lượng cá tra của Việt Nam hiện tại là 1,3 triệu tấn trong khi con số này tại Ấn Độ đã là 650.000 tấn, Bangladesh 450.000 tấn, Indonesia 110.000 tấn. Thậm chí, Trung Quốc thị trường xuất khẩu cá tra hàng đầu của Việt Nam cũng đã nuôi và thu hoạch 10.000 tấn cá tra ở Hải Nam.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.