Thưa nhạc sĩ, nhiều người quan tâm rằng Liên hoan Ca trù toàn quốc 2014 sẽ có những điểm đổi mới nào để nhìn nhận, đánh giá lại một cách rõ ràng nhất về hành trình 5 năm qua sau khi ca trù được UNESCO vinh danh?
- Liên hoan Ca trù 2014 sẽ tập trung đánh giá các thế hệ nghệ nhân, nghệ sĩ kế cận. Cũng có nghĩa là liên hoan sẽ vắng bóng các nghệ nhân lão thành trên sân khấu và thay vào đó là một lực lượng hùng hậu, những nghệ sĩ, nghệ nhân trẻ. Theo tôi, điều này đã thực sự đánh dấu sự chuyển mình của ca trù từ không đến có. Vì nếu năm nay chúng ta lại tiếp tục tổ chức theo nguyên mẫu của những năm trước đó là nghệ nhân, không gian văn hóa cũ thì thật khó để đánh giá chính xác được sự phát triển, tồn tại của nghệ thuật ca trù trong cuộc sống hiện tại. Cũng vì mở rộng hướng tới lớp kế cận mà lần tổ chức này cũng dễ dàng hơn cho các địa phương khi có thể tập trung được đông đảo các nghệ nhân, nghệ sĩ tham gia.
Tôi rất tiếc là liên hoan lần này tổ chức chỉ có 3 ngày. Trong khi đó rất nhiều đoàn muốn tham gia trình diễn nhiều tiết mục, thậm chí tổ chức riêng một chương trình. Có thể thấy thông qua số lượng đăng ký thì khả năng của cộng đồng, cũng như lực lượng diễn viên trong ca trù hiện nay là khá đông đảo. Do hạn hẹp thời gian nên 26 đơn vị tham gia thì mỗi đoàn chỉ được có 30 phút cho phần trình diễn của mình. Đặc biệt, khác với các liên hoan trước thường chỉ trình diễn có 4 thể cách, thì lần này có đến 5 thể cách mới và vô cùng phức tạp, trong đó phải nói đến thể ngâm vọng. Bởi ngâm vọng hầu như đã chìm lắng trong đời sống ca trù khá lâu.
Ông đánh giá thế nào về công tác đào tạo lực lượng nghệ nhân kế cận trong 5 năm qua?
- Từ năm 2002, khi Quỹ Ford tài trợ cho chúng ta tổ chức các lớp dạy ca trù trong 3 tháng thì đây chính là lớp nghệ nhân ca trù đầu tiên được đào tạo chính thống. Sau 2 năm, những học viên của khóa học này đã tham gia và khẳng định mình tại 2 cuộc liên hoan ca trù lớn tại Hà Tĩnh và Hà Nội. Đánh giá về lớp học viên này, chính GS Trần Văn Khê đã phải thẳng thắn khẳng định: “Cây đã nảy mầm”.
Chúng ta chưa có một chế độ, chính sách, kế hoạch một cách dài hạn để bảo tồn các di sản. Trong khi đó năm nào chúng ta cũng xây dựng các bộ hồ sơ đệ trình di sản”.
Sau khi ca trù được UNESCO vinh danh, chúng ta mở một số lớp đào tạo ca trù và phát huy rất tốt trong việc truyền dạy. Rất nhiều học viên sau khi trở về địa phương đã làm công tác giảng dạy, truyền tải lại cho thế hệ sau rất tốt. Thời gian tới, chúng ta cần mở thêm nhiều lớp truyền dạy hơn nữa, chúng tôi gọi đó là các lớp giáo sinh vì qua đó chúng ta sẽ có một lực lượng kế cận hùng hậu không chỉ trong việc trình diễn mà còn trong công tác giảng dạy. Qua đó việc tuyên truyền sẽ hiệu quả và đưa nghệ thuật đến gần hơn vào trong đời sống. Không có họ thì không có ca trù trong thời điểm này.
Tuy nhiên, các lớp giáo sinh ca trù này mới được tổ chức trong thời gian ngắn chỉ 15 ngày. Theo tôi, các lớp đào tạo này nên tổ chức thường xuyên, chuyên sâu trong thời gian khoảng 3 tháng, khi đó chất lượng sẽ nâng lên cao hơn. Tôi biết, khả năng của các bạn trẻ hiện nay là rất tốt, họ rất thông minh, ngay cả việc nghe lại băng rồi trình diễn lại, họ đã thực hiện gần như giống 100%.
Mặc dù Bộ VHTTDL đã ban hành quy chế về việc phong tặng nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú, nhưng rõ ràng việc chăm lo đời sống cho nghệ nhân còn rất thiếu. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?
- Chúng tôi kiến nghị nhiều lần là cần phải có những chính sách hỗ trợ nghệ nhân. Trong hồ sơ đăng ký quốc gia có một nội dung đăng ký rất quan trọng là “Hỗ trợ đời sống nghệ nhân để nghệ nhân truyền dạy nghệ thuật của mình cho cộng đồng”. Chúng ta chưa có chính sách hỗ trợ cho nghệ nhân như trong cam kết tại hồ sơ quốc gia. Hỗ trợ ở đây không phải là trả lương, mà phải tổ chức nhiều lớp đào tạo để các nghệ nhân trở thành bậc thầy và nghệ nhân được hưởng những thù lao đào tạo. Đó mới chính là những hỗ trợ tích cực nhất.
Hiện nay, rất nhiều nghệ nhân cao tuổi sống vô cùng nghèo khó, không có bảo hiểm xã hội. Đây là trong những nhu cầu bức thiết. Hiện nay với nghệ thuật ca trù cũng chỉ còn 2 người là cụ Nguyễn Phú Đệ và Nguyễn Thị Khướu. Tại 22 tỉnh thành phố có lưu giữ nghệ thuật ca trù thì hầu như các Sở VHTTDL không quan tâm, thậm chí là lạnh nhạt. Thậm chí, nhiều nơi không công nhận nghệ thuật ca trù hiện đang có tại địa phương mình, cho dù lịch sử ca trù ở đó là vô cùng đồ sộ. Điều chưa làm tốt hiện nay với nghệ thuật ca trù- là mở các lớp thường xuyên để các nghệ nhân có thể truyền dạy và chưa có những chế độ để hỗ trợ các nghệ nhân có tuổi sắp xế bóng.
Ngay trước khi liên hoan khai mạc, với tư cách là tổng đạo diễn, ông thấy còn điều gì chưa hài lòng?
- Đó là việc 3 tỉnh Thái Bình, Nghệ An, Nam Định không tham gia. Đây là những tỉnh có truyền thống lịch sử về ca trù nổi tiếng nhất nhì trong cả nước. Từ liên hoan này chúng tôi hy vọng sẽ gửi những lời cảnh báo về việc bảo vệ di sản, là ý thức chung của cộng đồng, ý thức trong việc quản lý của các địa phương có di sản đấy. Tôi nghĩ rằng các tỉnh lớn không muốn tham gia liên hoan là khuyết điểm lớn về nhận thức giá trị của ca trù. Trong khi đó, chúng ta đang cố gắng nhận thức ca trù đã vượt qua tình trạng bảo vệ khẩn cấp chưa? Xin nói rằng đây là lỗi của người tổ chức văn hóa, không có lý do khó khăn. Bởi vì nó đã được UNESCO công nhận 5 năm rồi, nếu như suốt 5 năm nay mà không ai để ý thì thật là vô lý.
Xin cảm ơn ông!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.