Theo đó, phía trước khu nhà của dân là công trình đường, cầu vượt Phong Châu do Ban quản lý (BQL) Dự án các công trình giao thông thủy lợi làm chủ đầu tư; phía sau là dự án đô thị mới VCN do Công ty CP Đầu tư VCN làm chủ đầu tư.
Bức tường nứt toác ở nhà bà Lê Thị Kim Anh. (ảnh M.K)
Bà Lê Thị Kim Anh (số nhà 44 Phong Châu) bức xúc: “Từ khi khởi công các dự án này, gia đình tôi luôn sống trong cảnh lo âu vì nhà nứt liên tục. Đến nay, phía sau nhà 2 bức tường bị nứt toác thấy cả mặt trời, đặt cả bàn tay vào được. Gia đình tôi phải dùng thép ống gia cố, hàn thành khung đỡ để nhà khỏi sập. Ngoài ra, cao độ của tuyến đường Phong Châu mới cao hơn đường cũ tới 2,5m, khiến nhà dân như đang ở dưới hầm”.
Nhà bà Nguyễn Thị Sự ở sát cạnh nhà bà Anh cũng lâm vào tình cảnh tương tự, nhà mới xây được hơn 1 năm nhưng tường nứt từ nóc xuống gần đến móng, dài 3-4m. “Chúng tôi đã kiến nghị 2 chủ đầu tư các công trình trên nhưng chưa thấy họ trả lời” – bà Sự nói.
Ông Nguyễn Nhậm - Chủ tịch UBND phường Phước Hải, TP.Nha Trang cho rằng, nguyên nhân khiến nhà nứt một phần là do các đơn vị thi công đã sử dụng các thiết bị cơ giới hạng nặng.
Trong khi đó, cán bộ đại diện BQL Dự án các công trình giao thông thủy lợi tỉnh Khánh Hòa - ông Nguyễn Thiết Trương cho rằng tuyến đường này có rất nhiều đơn vị thi công dùng xe tải 45 tấn nên không thể đổ lỗi hết cho BQL được. BQL dùng máy cọc xây cầu là cọc ép không gây ra rung chấn; những vết nứt chủ yếu nằm phía sau nhà, khu vực này gần công trình của VCN đang hoạt động…
Ngược lại, ông Đinh Khắc Lâm - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP VCN thì trả lời rằng, phần nứt nằm ở phía trước sát với đường Phong Châu đang có đơn vị khác ép cọc móng trụ cầu. Phần tiếp giáp phía sau công trình của VCN đã làm hàng rào với nhà dân, có hào giảm rung chấn. Thực tế tường rào không bị nứt. Nguyên nhân gây nứt nhà (nếu có) không thuộc trách nhiệm của công ty...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.