Trong năm 2016, Đồng Nai tiếp tục dẫn đầu cả nước trong xây dựng nông thôn mới với 5 đơn vị cấp huyện và 104 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đồng thời có 7 xã về đích nông thôn mới nâng cao. Theo ông Huỳnh Thành Vinh – Phó giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đồng Nai, trong thành tích này, các cấp Hội Nông dân ở Đồng Nai đã phát huy được vai trò xây dựng nông thôn mới của tỉnh.
Đa dạng hóa các hình thức
Ông Lê Hữu Thiện – Phó chủ tịch thường trực Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai cho biết, xác định rõ vai trò trung tâm, nòng cốt trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, trong năm qua, Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo các cấp Hội tiếp tục bám sát các chủ trương của tỉnh và của từng địa phương, từ đó định hướng tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân cùng tham gia thực hiện có hiệu quả chương trình nông thôn mới.
Bà Nguyễn Hồng Lý với ông Đoàn Trung Ngọc - NDSXKIG tỉnh Đồng Nai tại Hội nghị tuyên dương NDSXKDG tỉnh Đồng Nai ngày 17.1.
“Để thực hiện tiêu chí bảo vệ môi trường nông thôn, chúng tôi tổ chức Hội thi “Nông dân với công tác bảo vệ môi trường”; để hỗ trợ vốn cho nông dân, chúng tôi xây dựng đề án “Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh”…”, ông Thiện nói.
Theo Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai, trong năm 2016, Hội nông dân các cấp đã vận động nông dân đóng góp hơn 81 tỷ đồng; hơn 41.000 m2 đất làm đường giao thông và xây dựng các công trình nông thôn; phát quang, dọn dẹp vệ sinh môi trường…
Trong khi đó, theo ông Đoàn Văn Thanh – Phó chủ tịch Hội Nông dân TP.HCM, để tăng thu nhập cho người dân nông thôn, các cấp Hội ở TP.HCM đã tăng cường thực hiện nhiều biện pháp để hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, góp phần thực hiện đạt tiêu chí thu nhập. “Trong năm qua, chúng tôi đã tăng cường công tác tập huấn, chuyển giao KHKT, kết hợp với công tác hỗ trợ vốn sản xuất, dạy nghề, xúc tiến thương mại nhằm thực hiện chuỗi giá trị sản xuất trên heo, sữa, rau và đang tiến triển thuận lợi”, ông Thanh cho biết.
Hiện, TP.HCM có 54/56 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 3/5 huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới.
Gỡ khó để “khoan sức dân”
Ngay từ đầu năm 2016, phong trào xây dựng nông thôn mới của tỉnh Đồng Nai đã đối mặt với nhiều khó khăn do những xã đăng ký thực hiện nông thôn mới trong năm nay có nhiều tiêu chí bị vướng hơn. Bên cạnh một số tiêu chí có yêu cầu cao hơn so với trước do tỉnh thực hiện bộ tiêu chí nâng cao, thì còn do khó khăn về đồng vốn. Những tiêu chí bị vướng chủ yếu là về đầu tư giao thông nông thôn, trường học, chợ, cơ sở văn hóa... Cụ thể, tiêu chí trường học cần thời gian và nguồn kinh phí lớn để đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia.
Trong 5 năm qua, khu vực nông thôn tỉnh Đồng Nai đóng góp 24.000 tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Làm đường nông thôn mới ở thị xã Long Khánh.
Tại Bình Phước, tình hình vận động người dân đóng góp xây dựng nông thôn mới thời gian qua còn gặp khó khăn nhiều hơn. Theo ông Nguyễn Văn Trơ – Phó chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bình Phước, nguyên nhân là do kinh tế người dân đang gặp khó khăn khi giá cao su, điều, tiêu đang rất bấp bênh. “Xuất phát điểm làm nông thôn mới, Bình Phước thấp nhất so với các tỉnh trong khu vực, giờ giá cả nông sản lại quá thấp khiến việc vận động nông dân đóng góp xây dựng nông thôn mới càng khó khăn”, ông Trơ chia sẻ.
Theo ông Vinh, để phong trào xây dựng nông thôn mới trong khu vực phát triển theo hướng đi bền vững và sâu về chất lượng, các cấp Hội nông dân cần phải lấy sản xuất làm đòn bẩy, không chỉ để thu hẹp dần khoảng cách giữa vùng nông thôn và thành thị mà còn nâng cao thu nhập cho người dân nhằm vận động nông dân đóng góp xây dựng nông thôn mới. “Cần có nhiều biện pháp hữu hiệu hỗ trợ sản xuất cho nông dân. Khi đời sống phát triển thì người dân mới có đủ sức đóng góp với nhà nước xây dựng nông thôn mới”, ông Vinh nói.
Phó chủ tịchTrung ương Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Hồng Lý cho rằng, để nâng cao vai trò của Hội Nông dân, nâng cao vai trò chủ thể của nông dân, và tiếp tục “khoan sức dân” trong xây dựng nông thôn mới, các cấp Hội cần phải xây dựng các mô hình, đề án sản xuất hiệu quả nhằm hỗ trợ nông dân phát triển đời sống vật chất và tinh thần.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.