Các cầu thủ đình công đòi lương là thiếu chuyên nghiệp?

Thứ hai, ngày 12/11/2012 12:41 PM (GMT+7)
Dân Việt - Lúc này, tương lai của V.Ninh Bình vẫn chưa có lời đáp cuối cùng. Lãnh đạo đội bóng vẫn cho rằng việc cầu thủ đình công đòi lương là hành động rất thiếu chuyên nghiệp (?!)…
Bình luận 0

Để đi tìm câu trả lời khách quan cho vấn đề này, sáng 12.11, Dân Việt đã trao đổi với những người trong cuộc.

Từng là danh thủ một thời của Thể Công và sau này gắn bó hơn chục năm với bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam trong vai trò huấn luyện viên, ông Vương Tiến Dũng nói:

“Việc cầu thủ đình công đòi lương cũng là hành động bình thường thôi. Ở các nước bóng đá phát triển trên thế giới như Anh, Italia, Tây Ban Nha, khi cầu thủ bị nợ lương, họ cũng đình công đấy thôi. Chỉ khác là ở các nước đó, họ có Hiệp hội cầu thủ chuyên nghiệp đứng ra đại diện, đấu tranh với ban tổ chức giải để bảo vệ quyền lợi cho cầu thủ.

Còn ở Việt Nam, do chưa có Hiệp hội cầu thủ nên mọi thứ diễn ra tự phát. Và đó cũng là cái cớ để các ông chủ nắm vào chèn ép cầu thủ.

Theo tôi, chuyện cầu thủ V.Ninh Bình chấp nhận chịu phạt 1 tháng lương là họ đã chấp nhận lùi 1 bước rồi bởi ở đây ông chủ đã làm sai luật nợ lương của họ đến hơn 3 tháng cơ mà. Còn chuyện ông chủ dọa giải tán đội bóng, tôi không biết vai trò của VFF, VPF trong chuyện này nằm ở đâu? Đáng ra họ phải nắm bắt tình hình để giúp cầu thủ bảo vệ quyền lợi, thì đằng này tất cả đều im lặng, coi như không có chuyện gì xảy ra”.

img
Cựu HLV Vương Tiến Dũng cho rằng cầu thủ đình công khi bị nợ lương hơn 3 tháng là chuyện bình thường

Trong khi đó, ông Trần Duy Ly-Trưởng ban tổ chức V.League nói:

“Tôi nghĩ vấn đề nằm ở ý thức, nhận thức còn hạn chế, thiếu chuyên nghiệp của các cầu thủ. Bình thường, họ nghĩ đến lợi ích cá nhân nhiều quá, khi quyền lợi cá nhân bị ảnh hưởng thì mới bắt đầu phản ứng thái quá, không đúng luật. Tôi thử hỏi, cầu thủ Việt Nam có mấy ai chịu động tới quy chế bóng đá chuyên nghiệp để biết cách hành xử cho đúng?

Thực tế, VFF có Phòng pháp lý và tư cách cầu thủ để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho cầu thủ. Nhưng với việc tự ý đình công, họ đã làm mọi việc bị đẩy theo hướng khác, không có lợi cho mình.

Tại sao ngay từ đầu, cầu thủ V.Ninh Bình không cử đại diện làm việc với lãnh đạo câu lạc bộ để có câu trả lời về chuyện tiền nương? Khi đó, nếu lãnh đạo câu lạc bộ vẫn “lờ” đi thì họ có quyền làm văn bản gửi lên VFF để nhờ can thiệp cơ mà.

Tôi nghĩ, nếu có Hiệp hội cầu thủ chuyên nghiệp thì quá tốt, bởi tổ chức này sẽ đứng ra bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho cầu thủ. Nhưng ở Việt Nam, sẽ rất khó thành lập bởi điều này liên quan tới ý thức, nhận thức còn hạn chế của cầu thủ. Ít người nghĩ tới cả hệ thống, cái chung, mà thường chỉ lo cho cá nhân thôi”.

img
Ông Trần Duy Ly cho rằng cầu thủ đã thiếu hiểu biết luật dẫn tới hành xử không đúng mức

Về vấn đề này, một cầu thủ V.Ninh Bình lên tiếng: "Đại diện đội bóng đã nhiều lần gọi điện cho Giám đốc điều hành Phạm Văn Lệ để yêu cầu giải quyết lương cho anh em. Ông Lệ cũng nhiều lần hứa, rồi lại thất hứa. Vậy nên cuối cùng chúng tôi mới đình công".

Mục 6, Điều 12 quy chế bóng đá chuyên nghiệp do VFF ban hành ngày 25.4.2012 quy định về Tài chính có ghi rõ: “Câu lạc bộ có trách nhiệm mua bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội cho huấn luyện viên và cầu thủ theo quy định của pháp luật; thanh toán các khoản lương, phụ cấp, các khoản thưởng, chi trả các khoản tiền bồi dưỡng tập luyện cho huấn luyện viên, cầu thủ theo thỏa thuận tại hợp đồng

Mục 7 Điều 16 quy chế bóng đá chuyên nghiệp quy định về quyền lợi và trách nhiệm của cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp: Được quyền yêu cầu VFF bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp thông qua cơ chế giải quyết tranh chấp, khiếu nại trong trường hợp bị câu lạc bộ kỷ luật hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng trái quy định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem