Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Danh xưng Hoa hậu giờ "nhạt" quá!
Sự bức xúc của dư luận dường như đã lên tới cao trào vào những ngày gần đây, khi hai cuộc thi Miss Grand Vietnam 2024 và Hoa hậu Du lịch Việt Nam 2024 cùng tìm ra người chiến thắng. 2 Hoa hậu, 6 Á hậu được trình làng trong một đêm, kéo dài danh sách các cô gái đội vương miện.
Chia sẻ với PV Dân Việt về việc một loạt cuộc thi nhan sắc ra đời, Hoa hậu Việt Nam 2010 Ngọc Hân từng khẳng định đó đơn giản là xu thế của thị trường, đáp ứng quy luật cung – cầu hiện có. "Tại một đất nước mà người dân ưa chuộng các cuộc thi nhan sắc, ắt hẳn sẽ có những người kinh doanh, phát triển thị trường này. Có thể trên truyền thông hay mạng xã hội, chúng ta hay nói về việc nở rộ các cuộc thi Hoa hậu. Nhưng nếu không ai quan tâm thì những cuộc thi đó liệu có xuất hiện và tồn tại?".
Đồng ý với những quan điểm trên, chuyên gia truyền thông Nguyễn Tuyết Nhung cho rằng, các sân chơi nhan sắc nở rộ bởi chúng vẫn thu hút một lượng khán giả và thí sinh rất lớn, hấp dẫn đơn vị tổ chức và các nhà tài trợ. "Trong khi rất nhiều cô gái mong muốn mang trên mình vương miện Hoa hậu để đổi đời, những người phụ nữ thành đạt lại ao ước biến giấc mơ thanh xuân thành hiện thực, bởi họ không có cơ hội làm điều đó trong quá khứ. Thị trường thi Hoa hậu "trăm hoa đua nở" cũng bởi công chúng vẫn xôn xao, bàn luận và tranh cãi mỗi khi có chủ nhân chiếc vương miện mới xuất hiện".
Trò chuyện với PV Dân Việt, Hoa hậu Đông Nam Á 2014 Phan Hoàng Thu bày tỏ cảm xúc "khó tả": "Ngày xưa, khi nhắc đến 2 từ "Hoa hậu", người ta thường trầm trồ, ngưỡng mộ, nhưng giờ mỗi khi có một Hoa hậu nữa ra đời, người ta lại bĩu môi, rồi thì bàn tán "1 mét vuông lại có một Hoa hậu"… Với một người từng đội vương miện vào 10 năm trước, đôi khi tôi cũng cảm thấy "ngại ngùng" khi giờ đây người ta gọi tôi bằng danh xưng Hoa hậu. Không phải vì tôi đã làm gì đó sai trái mà bởi vì nhiều cuộc thi Hoa hậu sau này bị thương mại hoá quá nhiều, ai cũng coi đó là một cơ hội kinh doanh, nhà nhà, người người tổ chức cuộc thi, ý nghĩa và giá trị mà một cuộc thi Hoa hậu mang lại không còn được như xưa nữa.
Đồng ý rằng ai cũng cần phải kiếm tiền, BTC của các cuộc thi cũng vậy, nhưng bất chấp tất cả để tới nỗi một cuộc thi lớn bị các nhà tài trợ bất bình, giám khảo ngạc nhiên và khán giả la ó vì kết quả của cuộc thì theo tôi thấy cũng nên cần xem lại. Liệu rằng BTC có đang thao túng kết quả và cuộc thi Hoa hậu giờ chỉ còn là một show giải trí kiếm tiền?".
Phan Hoàng Thu nói thêm: "Tôi đã từng rất tự hào khi mình có được danh hiệu Hoa hậu, nhưng giờ tôi chỉ mong mọi người nhớ đến mình là Phan Hoàng Thu thôi chứ chẳng phải Hoa hậu gì cả. Bởi danh xưng này giờ nó nhạt quá, thương mại hoá đồng nghĩa với việc quá dễ để có được, dễ tổ chức cuộc thi, dễ có một vương miện Hoa hậu".
Theo quy định tại Nghị định số 144/2020/NĐ-CP, ngày 14/12/2020 của Chính phủ quy định về hoạt động biểu diễn, có hiệu lực thi hành ngày 01/02/2021thì việc cấp phép các hoạt động nghệ thuật, biểu diễn được phân quyền cho các địa phương, cụ thể các Sở Văn hóa, Thể thao, Du lịch hoặc Sở Văn hóa, Thể thao tỉnh, thành phố là đơn vị cấp phép. Đây cũng chính là lý do nhiều đơn vị nghệ thuật, tổ chức, các ngành, địa phương… xin được giấy phép để tổ chức các thi Hoa hậu tại địa phương dự kiến diễn ra cuộc thi, tạo nên tình trạng nở rộ sân chơi dành cho nhan sắc Việt.
Trước câu hỏi về việc một năm Việt Nam có hơn 30 cuộc thi Hoa hậu liệu có quá nhiều, nhà thơ Trần Hữu Việt, Trưởng ban Văn hóa - Văn nghệ báo Nhân Dân, người từng ngồi vị trí giám khảo không ít cuộc thi nhan sắc đưa ý kiến tán thành: "Quả thật số lượng này là quá nhiều so với những năm trước đây. Trong đó, có những cuộc thi vẫn duy trì được uy tín, cách tổ chức nghiêm túc, tìm ra các Hoa hậu xứng đáng. Tuy vậy, không thể phủ nhận một số cuộc thi tổ chức không tốt, để xảy ra những lùm xùm không đáng có, dẫn đến sự bức xúc của dư luận thông qua mạng xã hội và các cơ quan báo chí, truyền thông".
Theo ông Trần Hữu Việt, có hai vấn đề cần làm để các cuộc thi nhan sắc đi vào quy củ. Trước hết, các địa phương với vai trò là đơn vị cấp phép phải quản lý các hoạt động thi Hoa hậu, trong đó đặc biệt lưu ý đến cách thức tổ chức, chất lượng nghệ thuật, đối tượng dự thi… tuân thủ quy định về hoạt động văn hóa của Nhà nước và luật pháp; giữ gìn thuần phong mỹ tục, kiên quyết loại bỏ những hoạt động phản cảm, phản văn hóa gây ảnh hưởng đến nhận thức, thẩm mỹ của giới trẻ nói riêng và công chúng nói chung. Các đơn vị tổ chức cuộc thi Hoa hậu phải tổ chức đúng theo giấy phép quy định, tổ chức chương trình, hoạt động trong suốt thời gian diễn ra cuộc thi nghiêm túc, lan tỏa nét đẹp văn hóa, nghệ thuật tới công chúng; chọn chính xác người xứng đáng nhất vào vị trí Hoa hậu và các danh vị khác.
"Tóm lại, như tôi đã nói ở trên, không sợ có nhiều cuộc thi Hoa hậu mà hãy quản lý tốt các cuộc thi. Những cuộc thi uy tín sẽ tồn tại và phát triển. Những cuộc thi không có uy tín, sẽ tự rút lui hoặc không nhận được sự đón nhận của công chúng thì cũng sẽ thất bại. Vì vậy, "thắt chặt" ở đây không có nghĩa là giảm số lượng các cuộc thi mà là nâng cao chất lượng các cuộc thi đó" – ông Trần Hữu Việt chia sẻ với PV Dân Việt.
Là người gắn bó nhiều năm trong nghề, chuyên gia đào tạo Hoa hậu Phúc Nguyễn bày tỏ sự trân trọng và có phần luyến tiếc với quy định thời gian trước đó, khi mỗi năm chỉ được phép tổ chức hai cuộc thi nhan sắc. "Lúc ấy, thí sinh đông, người làm nghề trân trọng cơ hội, mỹ nhân đăng quang cũng tỏa sáng ngay lập tức và dễ dàng được các phương tiện truyền thông chú ý. Việc chỉ chọn ra 2 cô Hoa hậu và 4 Á hậu trong số hơn 1.000 thí sinh dự thi đương nhiên mang lại chất lượng tốt hơn hẳn so với việc chọn ra tới 30, 60 người mỗi năm như hiện tại, bởi đối tượng các bạn trẻ trong tuổi dự thi là tương tự".
Tuy nhiên, ông Phúc Nguyễn cho rằng, quy định mới cũng có "cái hay riêng", khi tạo ra một thị trường cạnh tranh công bằng: "Để đưa ra một quy định mới, các ban ngành đã có sự trao đổi, cân nhắc kỹ càng. Theo quy luật đào thải, những cuộc thi kém chất lượng sẽ bị tẩy chay. Khán giả sẽ là những "quan tòa" công tâm nhất, chọn lọc và tìm ra những cuộc thi Hoa hậu uy tín, chất lượng".
Trong khi đó, Hoa hậu Phan Hoàng Thu ủng hộ việc siết chặt các cuộc thi Hoa hậu và dành chỗ cho những sân chơi chất lượng, thí sinh chất lượng. "Thi nhan sắc không cần nhiều, chỉ cần chất. Rồi hai tiếng Hoa hậu sẽ có lại giá trị như xưa, tôi mong là như vậy..." - Phan Hoàng Thu chia sẻ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.