Đã đến lúc không nên "phóng đại" danh xưng Hoa hậu?
Đã đến lúc không nên "phóng đại" danh xưng Hoa hậu?
Yến Thanh
Thứ ba, ngày 06/08/2024 14:00 PM (GMT+7)
Những tranh cãi xung quanh Võ Lê Quế Anh (cô gái vừa đăng quang Miss Grand Vietnam 2024) và loạt Hoa hậu, Á hậu mới giành vương miện khiến công chúng một lần nữa đặt câu hỏi: Việt Nam đang quá "bội thực" cuộc thi nhan sắc?
Trong một danh sách không chính thức được lan truyền trên mạng xã hội, có tới 134 cuộc thi Hoa hậu đã được tổ chức tại Việt Nam những năm qua. Bên cạnh một số cái tên quen thuộc như: Hoa hậu Việt Nam, Hoa hậu Hoàn Vũ Việt Nam, Hoa hậu Thế giới Việt Nam… đa phần những sân chơi khác đều xa lạ với công chúng.
Trong khi khán giả chưa kịp "làm quen" với nàng hậu này, họ đã nhanh chóng chứng kiến phút giây đăng quang những nàng hậu khác. Tối 3/8, có tới 2 Hoa hậu và 6 Á hậu mới xuất hiện sau đêm chung kết của hai cuộc thi khác nhau. Không chỉ vậy, hàng loạt cô gái mang trên mình những danh xưng mỹ nhiều như: Người đẹp được yêu thích nhất; Người đẹp tài năng; Người đẹp có gương mặt khả ái; Người đẹp dạ hội; Người đẹp hình thể; Người đẹp áo dài; Người đẹp thời trang… cũng rầm rộ và nhanh chóng trình làng.
Chia sẻ với PV Dân Việt, ông Dương Xuân Nam - "cha đẻ" của cuộc thi Hoa hậu Việt Nam thừa nhận, tình trạng "bội thực hoa hậu", "ra ngõ gặp hoa hậu": "Trong quy chế cuộc thi Hoa hậu đầu tiên ở Việt Nam do tôi soạn thảo năm 1989, được Bộ Văn hóa - Thông tin ban hành, nêu rõ: Chỉ có một vài cuộc thi tầm cỡ quốc gia được gọi tên là cuộc thi Hoa hậu, còn lại được gọi là cuộc thi người đẹp, danh hiệu Hoa khôi, dành cho người đẹp ngành, địa phương. Thú thực, trên cương vị là người tiên phong khởi xướng và tổ chức cuộc thi sắc đẹp danh tiếng dành cho phụ nữ Việt Nam, tôi rất bất ngờ trước cách tổ chức và danh xưng của các cuộc thi sắc đẹp như hiện nay. Ở đó, nhiều cuộc thi không rõ mục đích và quy mô tổ chức nhưng vẫn dùng danh xưng Hoa hậu".
Khi Hoa hậu không còn là biểu tượng
Thực tế cho thấy, chuyện "loạn Hoa hậu" không phải ngày một ngày hai mà đã kéo dài âm ỉ trong vài năm qua. Sự chỉ trích của công chúng càng tăng mạnh khi những nàng hậu mới xuất hiện, bị cho rằng không xứng đáng về ngoại hình hoặc trình độ ứng xử, văn hóa. Điển hình lớn nhất là loạt phát ngôn gây tranh cãi của Hoa hậu Huỳnh Trần Ý Nhi (Miss World Vietnam 2023), phần thi ứng xử của Hoa hậu Võ Lê Quế Anh - người vừa đăng quang tại Miss Grand Vietnam 2024 mới đây.
Theo Tiến sĩ Văn hóa học, chuyên gia về giới Hồ Lâm Giang, đối với đa số người Việt, Hoa hậu vẫn luôn được cho là biểu tượng sắc đẹp của phụ nữ. "Bên cạnh vẻ đẹp về hình thể, cô gái ấy cần đảm bảo vẻ đẹp từ trong nhân cách, tâm hồn. Cũng bởi vậy, sau mỗi đêm chung kết, vẻ đẹp ngoại hình, câu trả lời của thí sinh luôn được đưa ra "mổ xẻ". Rất dễ hiểu bởi cách ứng xử của mỗi người đẹp đều thể hiện thế giới quan, nhân sinh quan, tri thức của cô ấy trước những vấn đề của đời sống".
Những năm qua, không ít Hoa hậu của Việt Nam đã đáp ứng mong đợi của phần đông công chúng khi hội tụ vẻ đẹp ngoại hình, tri thức và lòng nhân ái, có thể kể tới Hoa hậu Việt Nam 1998 Bùi Bích Phương, Hoa hậu Việt Nam 1990 Nguyễn Diệu Hoa, Hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên (Top 8 Hoa hậu Việt Nam 2018, Miss Grand 2021)… Thế nhưng, ở phía ngược lại, cũng có rất nhiều Hoa hậu bị chỉ trích ngay sau đêm đăng quang, hoặc sau thời điểm đăng quang một thời gian ngắn. Dù lên ngôi ở những cuộc thi uy tín bậc nhất, Nguyễn Cao Kỳ Duyên (Hoa hậu Việt Nam 2014), Lưu Thị Diễm Hương (Hoa hậu Thế giới người Việt 2010), Nguyễn Thị Thuỳ Dung (Hoa hậu Việt Nam 2008)… đều từng bị đề nghị tước vương miện với loạt ồn ào không đáng có. Đáng buồn hơn, không ít cô gái dù từng mang trên mình danh hiệu nhưng không hề được nhớ mặt biết tên, thậm chí có những người đẹp thi 4,5 cuộc khác nhau, chỉ để tìm chỗ đứng cho mình.
Sự tràn lan của các cuộc thi Hoa hậu, theo chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long nhận định, đó là hệ quả của một thị trường chuộng các cuộc thi nhan sắc. "Ngành công nghiệp sắc đẹp đang phát triển tại Việt Nam theo đúng quy luật cung – cầu, đó là việc bình thường, không có gì đáng buồn bã hay lo ngại. Đương nhiên, mỗi ngành sẽ có những giai đoạn phát triển khác nhau. Cũng như âm nhạc, đã có thời gian chúng ta phải nghe "nhạc chợ", "nhạc rác", sau một thời gian "thanh lọc", giờ những thứ như vậy đã trôi vào quên lãng".
Ở một góc nhìn khác, việc Việt Nam tràn ngập các cuộc thi Hoa hậu trong những năm qua có phần bởi ngôi vị này được đặt lên quá tầm so với ý nghĩa thực tế. Trong khi đó, tại nhiều nước, những sân chơi nhan sắc chỉ còn là một gameshow giải trí đơn thuần. Tại đó, người thắng cuộc là người xuất sắc nhất trong cuộc chơi, không phải là biểu tượng cho vẻ đẹp phụ nữ của một quốc gia hay một khu vực.
Khán giả là người quyết định chất lượng Hoa hậu
Chia sẻ với PV Dân Việt, ông Nguyễn Ngọc Long cho rằng, những năm qua, vẫn có những Hoa hậu được công chúng đón nhận như Thùy Tiên, H'Hen Niê, chứng minh giá trị của sân chơi này không hề suy giảm, quan trọng là người đăng quang có chứng minh được vai trò, tầm ảnh hưởng của họ. "Theo tôi, đây sẽ là ngành công nghiệp dần được xã hội hóa hoàn toàn, tại đó nhà nước không cần điều phối, mà nó sẽ hoạt động theo quy luật của thị trường, dần loại bỏ những gì không cần thiết".
Để nâng cao "chất lượng Hoa hậu", theo ông Nguyễn Ngọc Long, khán giả chính là người "cầm trịch". "Do đây là hoạt động đáp ứng nhu cầu thị trường, điều gì khán giả mong muốn sẽ được BTC đáp ứng. Khi cộng đồng đòi hỏi Hoa hậu có văn hóa, trí thức, thực hiện các dự án xã hội, cộng đồng, BTC sẽ đẩy những yếu tố đó lên phục vụ họ. Ở phía cơ quan chức năng, điều cần làm là luật hóa rõ ràng những sân chơi Hoa hậu: Các cuộc thi này có tiêu chí gì? Điều gì Hoa hậu không thể vi phạm? Bên cạnh đó, những cơ quan truyền thông cũng cần tích cực lên án những hành vi ứng xử không đẹp, phi thẩm mỹ, đề cao giá trị văn hóa, truyền thống trong xã hội".
Trong khi đó, Tiến sĩ Hồ Lâm Giang cho rằng, chính từ sự thay đổi của xã hội mà hiện nay rất nhiều người trêu nhau "hồng nhan bạc tỷ", "người đẹp mới có quà". Các cuộc thi Hoa hậu phần nào khiến các cô gái ngày càng quan trọng vẻ bề ngoài, cơ sở thẩm mỹ, hiệu ứng làm đẹp bùng nổ. "Việc những Hoa hậu không chỉ quá nhiều, mà còn gây tranh cãi về nhan sắc và về văn hoá ứng xử, đã khiến tiêu chí về Hoa hậu trong đời sống trở nên "bình dân hóa", "đại trà hóa" thậm chí "tầm thường hóa". Bởi lẽ, ai cũng có thể trở thành Hoa hậu, ai cũng có thể giống như Hoa hậu. Hiện tượng một số người đẹp đăng quang Hoa hậu khiến dư luận tranh cãi gần đây, xét về mặt tiêu chí cả hình thức tới nhân cách, lối sống, ứng xử… còn thua kém rất nhiều cô gái trong xã hội. Do vậy, việc dư luận chỉ trích, "ném đá" cả Hoa hậu lẫn ban tổ chức trong các cuộc thi Hoa hậu dính "lùm xùm" gần đây, là khó tránh khỏi".
Cũng theo bà Giang, đã tới lúc các cơ quan ban ngành liên quan, nên có một sự quan tâm và giám sát thấu đáo tới vấn đề này, có sự chặt chẽ hơn trong các tiêu chí tổ chức và đánh giá về cuộc thi sắc đẹp, bởi "dù gì tại Việt Nam, Hoa hậu cũng không chỉ là danh xưng, mà họ có tầm ảnh hưởng tới quan niệm về cái đẹp của người phụ nữ trong xã hội".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.