Các đại gia sở hữu tiền mặt "khủng", gửi ngân hàng cũng kiếm ngàn tỷ đồng

Quang Sơn Thứ sáu, ngày 19/04/2019 11:25 AM (GMT+7)
Sở hữu lượng tiền mặt lớn, những doanh nghiệp này được ví như "ông vua" tiền mặt trên sàn chứng khoán.
Bình luận 0

Theo thống kê, một số doanh nghiệp đang niêm yết trên sàn chứng khoán có khoản mục tiền và tương đương tiền rủng rỉnh lên tới cả chục ngàn tỷ đồng. Riêng lượng tiền lãi từ gửi ngân hàng cũng đóng góp đáng kể vào lợi nhuận của các công ty này trong năm 2018.

Trên thực tế, lượng tiền mặt của mỗi doanh nghiệp phụ thuộc vào kết quả kinh doanh, đặc thù của ngành nghề, nhu cầu đầu tư, kiểm soát dòng tiền để phục vụ hoạt động sản xuất một cách hợp lý nhất. Ở đây, lượng tiền mặt được thống kê bao gồm tiền, các khoản đương tiền tại quỹ và các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn dưới 1 năm tại báo cáo tài chính năm 2018. Thống kê dưới đây cũng không xét đến các doanh nghiệp thuộc nhóm định chế tài chính như ngân hàng, bảo hiểm hay công ty chứng khoán, bởi đây là ngành nghề đòi hỏi số dư tiền mặt, cũng như luân chuyển dòng tiền cao.

10 đại gia tiền mặt đang niêm yết trên sàn chứng khoán

Dẫn đầu về lượng tiền mặt và tiền gửi đang sở hữu trong nhiều năm qua, Tổng công ty Khí Việt Nam (GAS) đang nắm 28.300 tỷ đồng. Đứng thứ hai là Tổng công ty cổ phần Cảng hàng không (ACV) với 24.370 tỷ đồng. Vị trí thứ ba thuộc về Tập đoàn Vingroup (VIC) với 15.508 tỷ đồng. Kế tiếp là Tập đoàn Xăng dầu (PLX) với 14.935 tỷ đồng, Tập đoàn địa ốc Novaland (NVL) nắm 12.422 tỷ đồng.

img

10 doanh nghiệp có lượng tiền mặt lớn nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Đơn vị: tỷ đồng

Doanh nghiệp nắm thị phần số một về bia tại Việt Nam Sabeco đang có hơn 12.000 tỷ đồng tiền mặt và khoản đầu tư tài chính ngắn hạn.

Bốn vị trí tiếp theo trong danh sách lần lượt là Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (GVR) với 10.634 tỷ đồng, CTCP Sữa Vinamilk (VNM) với 10.196 tỷ đồng, Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEA) nắm 9.991 tỷ đồng và CTCP FPT (FPT) nắm 9495 tỷ đồng.

Đi gửi ngân hàng thu lãi cả ngàn tỷ đồng

Theo thống kê, với lượng tiền mặt tiền gửi lớn, PVGAS, ACV và Vingroup là ba doanh nghiệp có khoản lãi tiền gửi đạt trên 1.000 tỷ đồng trong năm 2018. Trong đó, PVGas thu về lãi tiền gửi 1.444 tỷ đồng, ACV thu về 1.275 tỷ đồng và con số này ở Vingroup là 1.907 tỷ đồng.

img

Lãi tiền gửi của các doanh nghiệp niêm yết. Đơn vị: tỷ đồng

Tiền nhiều nhưng đi vay cũng nhiều

Mặc dù có lượng tiền mặt “khủng” nhưng không ít doanh nghiệp trong nhóm cũng đang ghi nhận những khoản vay lớn.

Kết thúc năm 2018, Tập đoàn Vingroup đang đi vay 80.886 tỷ đồng, chủ yếu là vay dài hạn và đến từ trái phiếu. Với một doanh nghiệp quy mô hàng đầu Việt Nam và đầu tư đa ngành, nhu cầu vốn và vay tài chính lớn của Vingroup cũng là điều dễ hiểu.

img

Vay nợ của các doanh nghiệp niêm yết. Đơn vị: tỷ đồng

Cũng đang vay nợ lớn là Tập đoàn Novaland với 27.908 tỷ đồng. ACV vay tổng cộng gần 15.200 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là vay dài hạn. ACV là doanh nghiệp đặc thù có khoản đầu tư xây dựng cơ bản lớn và đang lên kế hoạch đầu tư mạnh tay vào các cảng hàng không từ nay đến năm 2025. Petrolimex vay khoảng 14.700 tỷ đồng.

Trái lại, một số doanh nghiệp sở hữu lượng tiền mặt khủng và đi vay ít. Điển hình như VEA chỉ vay 500 tỷ đồng, Sabeco vay 611 tỷ đồng, Vinamilk vay 1276 tỷ đồng.

Điện mặt trời: cuộc đua đang “nóng” của các đại gia Việt

Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem