Trong báo cáo tổng kết năm 2024 và phương hướng nhiệm vụ năm 2025, Bộ Xây dựng ghi nhận tổng giá trị sản xuất kinh doanh các tổng công ty thuộc cơ quan này ước đạt 54.587,29 tỷ đồng, bằng 95,32% kế hoạch năm 2024. Doanh thu ước đạt 52.284,93 tỷ đồng, bằng 97,7% kế hoạch năm 2024. Lợi nhuận ước lãi 652,28 tỷ đồng, vượt xa kế hoạch đã đề ra là bị lỗ 4,43 tỷ đồng.
Cụ thể, Tổng Công ty Viglacera dẫn đầu với mức lợi nhuận ước đạt 1.500 tỷ đồng, trong đó công ty mẹ Viglacera đóng góp 1.400 tỷ đồng. Tổng Công ty HUD cũng đạt kết quả khả quan với lợi nhuận ước tính 386 tỷ đồng, riêng công ty mẹ đạt 312 tỷ đồng.
Tổng Công ty Hancorp đạt lợi nhuận 84 tỷ đồng, với công ty mẹ đóng góp 68 tỷ đồng. Tương tự, Tổng công ty Lilama lãi 70 tỷ đồng, trong đó công ty mẹ đóng góp 90 tỷ đồng. Tổng công ty Coma, dù quy mô nhỏ hơn, cũng đạt lãi hơn 14 tỷ đồng, với công ty mẹ đạt gần 17 tỷ đồng.
Điểm chung ở những doanh nghiệp trên đều ghi nhận lợi nhuận vượt xa kế hoạch năm.
Ở chiều ngược lại, Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) ghi nhận lỗ tới 1.402 tỷ đồng, mặc dù đã giảm lỗ 177,5 tỷ đồng so với kế hoạch ban đầu nhưng đây vẫn là năm thứ hai liên tiếp Vicem rơi vào tình trạng thua lỗ (năm 2023 lỗ hơn 1.100 tỷ đồng). Công ty mẹ Vicem lỗ gần 237 tỷ đồng trong năm 2024.
Bộ Xây dựng đã tinh giảm ra sao?
Thực hiện nghiêm chủ trương, chỉ đạo về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã giải thể 2 đơn vị hành chính trực thuộc Bộ, hiện chỉ còn 15 đơn vị hành chính trực thuộc Bộ. Thực hiện mạnh mẽ việc thu gọn đầu mối cấp phòng trong các đơn vị trực thuộc, đến nay đã giảm số lượng đầu mối cấp phòng thuộc Bộ từ 57 đơn vị xuống còn 41 đơn vị (tương ứng giảm 19,3%).
Bộ Xây dựng đã bàn giao nguyên trạng 18 đơn vị về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Đại học Quốc gia Hà Nội và địa phương quản lý; hoàn thành việc sáp nhập Viện Quy hoạch xây dựng miền Nam vào Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia.
Thống kê của Bộ Xây dựng, tăng trưởng của ngành xây dựng năm 2024 ước thực hiện 7,8 - 8,2%, vượt chỉ tiêu Chính phủ giao là 6,4 - 7,3%, đồng thời cũng ghi nhận tăng so với mức 7,3 - 7,75% của năm 2023. Đây cũng là kết quả cao nhất mà ngành xây dựng đạt được kể từ năm 2020 đến nay và trở thành động lực dẫn dắt cho tăng trưởng GDP chung của nền kinh tế.
Cùng đó, tỷ lệ đô thị hóa đạt 44,3%, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao là 43,7%. Tăng trưởng và tỷ lệ đô thị hóa cũng là 2 chỉ tiêu mà Bộ Xây dựng hoàn thành vượt kế hoạch.
Bước sang năm 2025 được Bộ Xây dựng xác định là giai đoạn tăng tốc toàn ngành để hoàn thành mục tiêu Nghị quyết Đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. Đây không chỉ là thời điểm kết thúc chặng đường cũ mà còn mở ra bước ngoặt, thể hiện quyết tâm mạnh mẽ đưa ngành xây dựng hòa mình vào kỷ nguyên phát triển mới, đồng hành cùng Đảng, Chính phủ trong khát vọng vươn mình của dân tộc.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.