VARS "khuyên" người nghèo nên mở rộng nhu cầu mua nhà ra vùng ven trung tâm

Phương Thảo Thứ hai, ngày 16/12/2024 10:43 AM (GMT+7)
Nhu cầu nhà ở của đại đa số người dân, những người có thu nhập trung bình, thấp vẫn đang là một vấn đề nan giải. Đặc biệt trong bối cảnh quỹ đất ngày càng khan hiếm, nguồn cung không thể đáp ứng toàn bộ nhu cầu.
Bình luận 0

Theo dữ liệu của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) giá nhà ở đã tăng trưởng bình quân hai chữ số mỗi năm trong suốt thập kỷ qua. Trong khi nhu cầu về nhà ở không ngừng tăng, làm giá bất động sản tăng mạnh hơn, vượt xa tốc độ tăng trưởng thu nhập của người dân. Điều này khiến việc sở hữu nhà ở từ nguồn cung nhà ở thương mại trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

Trong bối cảnh đó, người dân có thu nhập trung bình, thu nhập thấp chỉ có thể kỳ vọng vào nhà ở xã hội. Tuy nhiên, mặc dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn theo dõi sát sao nhưng nhiều thành phố lớn vẫn hạn chế trong phát triển nhà ở xã hội vì thiếu quỹ đất, vướng giải phóng mặt bằng, thủ tục rườm rà khó thu hút nhà đầu tư.

Giá nhà có thể đi ngang hoặc giảm nhẹ, chắc chắn khó giảm sâu - Ảnh 1.

Giá nhà có thể đi ngang hoặc giảm nhẹ, chắc chắn khó giảm sâu. Ảnh: CTV

Vì vậy, với mặt bằng giá bất động sản hiện tại dù có giảm một nửa thì nhiều người thuộc nhóm thu nhập trung bình và thấp vẫn khó có khả năng mua nhà.

Trên thực tế, giá bất động sản nhà ở chỉ có thể đi ngang hoặc giảm nhẹ sau giai đoạn tăng trưởng nóng và chắc chắn khó giảm sâu.

Tích lũy bao nhiêu thì nên mua nhà?

Để giải quyết nhu cầu về nhà ở của đại đa số người dân, VARS nhận định, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và cộng đồng, để cân bằng cán cân cung - cầu.

Về phía cung, VARS cho rằng các giải pháp cần hướng đến việc tăng cường nguồn cung nhà ở giá rẻ, cải thiện hạ tầng vùng ven và xây dựng các chính sách tài chính hỗ trợ hiệu quả để thu hút các doanh nghiệp đầu tư, phát triển các dự án nhà ở.

Giá nhà có thể đi ngang hoặc giảm nhẹ, chắc chắn khó giảm sâu - Ảnh 2.

Ngay cả khi giá nhà giảm một nửa nhiều người lao động vẫn khó có khả năng mua nhà. Ảnh: HH

Riêng về phía nguồn cầu, người dân có nhu cầu nhà ở tại khu vực đô thị, cần có kế hoạch tài chính rõ ràng, tận dụng các chương trình hỗ trợ, và sẵn sàng linh hoạt trong việc lựa chọn nơi ở.

Thứ nhất, người dân cần giảm tiêu chuẩn không cần thiết, mở rộng khu vực tìm kiếm và ưu tiên giải pháp phù hợp với thu nhập.

Thứ hai, người dân cần sẵn sàng mở rộng nhu cầu ra vùng ven, nơi có giá thấp hơn.

Thứ ba, để giải quyết nhu cầu nhà ở, việc thuê nhà là một lựa chọn tạm thời phù hợp. Người dân có thể tìm các căn hộ hoặc nhà trọ với chi phí hợp lý tại khu vực ngoại ô hoặc vùng ven đô thị, tiết kiệm khoản dư để chuẩn bị cho việc mua nhà.

Việc bỏ ra khoảng không quá 1/3 thu nhập cho việc thuê nhà so với việc phải dành đến 2/3 thu nhập để trả nợ mua nhà là phương án tài chính phù hợp để cân bằng cuộc sống.

Giá nhà có thể đi ngang hoặc giảm nhẹ, chắc chắn khó giảm sâu - Ảnh 3.

Theo VARS, khi tích lũy khoảng 50% giá trị căn nhà là người dân nên lựa chọn vay mua nhà khi tìm thấy sản phẩm phù hợp. Ảnh: T.N

Cuối cùng, để sở hữu nhà, người dân cần tận dụng các chính sách hỗ trợ. Người dân có một khoản tích lũy, ước tính khoảng 50% giá trị, có thể lựa chọn vay mua nhà khi tìm thấy sản phẩm phù hợp. Hiện có rất nhiều dự án có chính sách thanh toán linh hoạt với thời gian ưu đãi dài, lãi suất cố định, để người dân không cần "thắt lưng buộc bụng" để trả nợ.

Mới đây, Bộ Xây dựng cho biết: Năm 2024, cả nước chỉ hoàn thành 21.000 căn nhà ở xã hội, thực hiện 16% kế hoạch đề ra (dự kiến 130.000 căn nhà ở xã hội).

Cụ thể, từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn cả nước có 644 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô 580.109 căn. Trong đó, số lượng dự án hoàn thành: 96 dự án với quy mô 57.652 căn; số lượng dự án đã khởi công xây dựng: 133 dự án với quy mô 110.217 căn; số lượng dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư: 415 dự án với quy mô 412.240 căn.

Ngoài ra, tỷ lệ giải ngân gói 120.000 tỷ cũng ghi nhận ở mức thấp do lãi suất cho vay mua nhà còn khá cao, thời gian ưu đãi thấp, khó tiếp cận với đúng tệp khách hàng.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia kinh tế cho rằng, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước nên xem xét trở lại với gói tín dụng như cách đây 10 năm. Đó là gói tín dụng cho vay 30.000 tỷ đồng với lãi suất 5%/năm, thời gian cho vay 20 năm để phù hợp đúng đối tượng.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem