Các doanh nhân, đại điền ở tỉnh Thái Bình bắt tay nhau sản xuất lớn

Mai Chiến Thứ năm, ngày 25/05/2023 19:00 PM (GMT+7)
Sáng ngày 25/5, Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed phối hợp với Báo Nông nghiệp Việt Nam, Câu lạc bộ đại điền Thái Bình tổ chức Hội nghị "Kết nối doanh nghiệp và đại điền".
Bình luận 0

Doanh nghiệp, đại điền hợp tác để cùng phát triển

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Lê Trọng Đảm, Phó Tổng biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam cho biết, đất đai nói chung, ruộng đất cho nông dân nói riêng luôn là một chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước.

Các chính sách pháp luật về ruộng đất có quan hệ hữu cơ, quyết định sự phát triển của sản xuất nông nghiệp nước ta. 

ThaiBinh Seed sẵn sàng hợp tác với những "người nông dân mới" - Ảnh 1.

Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần ThaiBinh Seed Trần Mạnh Báo phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Mai Chiến.

Hiện nay, việc tích tụ ruộng đất, tạo thành những cánh đồng lớn để đưa giống mới, máy móc, phương thức canh tác hiện đại vào sản xuất ngày càng đặt ra một cách kiến thiết; đòi hỏi sự thay đổi về chính sách pháp luật, tư duy của cơ quan quản lý Nhà nước, người sử dụng ruộng đất.

"Quá trình tích tụ ruộng đất hình thành các đại điền, họ chính là những nông dân mới, những người dẫn dắt, định hướng trong sản xuất nông nghiệp mới ở địa phương", ông Đảm cho hay.

Theo ông Đảm, Thái Bình là một trong những tỉnh có cơ chế khuyến khích, động viên kịp thời trong tích tụ ruộng đất; đang trở thành điểm sáng về tích tụ ruộng đất. Qua thống kê, Thái Bình có khoảng 1.700 hộ đã tích tụ ruộng đất từ 2 ha trở lên; có những hộ tích tụ được hàng chục ha ruộng để sản xuất nông nghiệp hàng hóa.

Trong tổng số hơn 1.700 hộ có diện tích hơn 2ha, riêng CLB đại điền đã quy tụ được hàng trăm thành viên ở các xã, huyện trong tỉnh tham gia, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nhau trong sản xuất.

Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần ThaiBinh Seed Trần Mạnh Báo chia sẻ, hiện nay sản xuất nông nghiệp ở nước ta vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ; điều này đã làm cản trở việc áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất. Từ đó không mang lại giá trị kinh tế cao.

Ông Báo cho rằng, việc canh tác manh mún tác động đến lối suy nghĩ và cách tư duy của người nông dân, đó là tư duy tiểu nông, khó có thể xây dựng một nền kinh tế nông nghiệp hiện đại, áp dụng khoa học kỹ thuật để tạo nên một nền nông nghiệp năng suất cao, chất lượng sản phẩm đồng đều.

ThaiBinh Seed sẵn sàng hợp tác với những "người nông dân mới" - Ảnh 2.

Đại diện Công ty Kinh doanh lương thực ThaiBinh Seed kí kết hợp tác với thành viên CLB đại điền. Ảnh: Mai Chiến.

"Gần đây ở một số địa phương trên cả nước đã xuất hiện việc liên kết giữa các hợp tác xã với nông dân để hình thành cánh đồng mẫu lớn, áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất. Đơn cử, như ở Nam Bộ đã xuất hiện các cánh đồng mẫu lớn, mang lại hiệu quả kinh tế cao và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người nông dân, đưa nông dân thực sự tiến vào thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá", ông Báo cho hay.

Theo ông Báo, để tạo ra chuỗi giá trị khép kín trong sản xuất nông nghiệp từ nghiên cứu cho đến sản xuất, kinh doanh và đưa sản phẩm đến được tay người tiêu dùng thì 1 đơn vị không thể đủ nguồn lực để thực hiện, mà cần có sự liên kết, hợp tác giữa các bên.

Bởi vậy, lãnh đạo Thaibinh Seed kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp, những người nông dân mới cùng chung tay, hợp tác để cùng phát triển.

"Nhận thấy xu thế tất yếu này, chúng tôi đã chủ động tìm hiểu, nghiên cứu, gặp gỡ những người nông dân mới, tiêu biểu là CLB đại điền để cùng nhau thảo luận, thống nhất các nội dung hợp tác", ông Báo thổ lộ.

Tại Hội nghị, ông Báo khẳng định: ThaiBinh Seed sẵn sàng là đơn vị tiên phong trong việc ký kết hợp tác với CLB đại điền để phát triển ngành nông nghiệp Thái Bình. Ngoài ra, đơn vị mong muốn được kết nối, hợp tác với tất cả các doanh nghiệp, những người nông dân mới để chung tay phát triển nông nghiệp Thái Bình nói riêng và cả nước nói chung lên tầm cao mới.

Các đại điền sớm hình thành HTX để dễ tiếp cận chính sách

Hiện nay, CLB đại điền Thái Bình có khoảng hơn 300 thành viên tham gia. CLB được thành lập trên cơ sở tự nguyện; các thành viên giúp đỡ, hỗ trợ nhau trong sản xuất, chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay...

ThaiBinh Seed sẵn sàng hợp tác với những "người nông dân mới" - Ảnh 3.

Ông Đặng Ngọc Tân, thành viên CLB đại điền mong muốn được tiếp cận các chính sách để phát triển nông nghiệp. Ảnh: Mai Chiến.

Chủ tịch CLB đại điền Đỗ Văn Dân đánh giá, việc thành lập CLB đại điền đã góp phần giảm thiểu tình trạng bỏ ruộng, không gieo cấy. Nhờ sản xuất theo cánh đồng mẫu lớn, áp dụng cơ giới hóa đã giúp người nông dân giảm chi phí sản xuất, giảm ngày công lao động, tăng hiệu quả kinh tế…

Ông Đặng Ngọc Tân, thành viên CLB đại điền tâm sự, từ những mảnh ruộng gom nhỏ, dần dần các thành viên đã tích lũy được những mảnh ruộng lớn, có những thành viên đang sở hữu hàng chục ha.

Thế nhưng, trong bối cảnh vật tư nông nghiệp tăng cao, để sản xuất quy mô lớn thật sự khó khăn. Có nhiều hộ đã phải đi vay hàng tỷ đồng, trung bình mỗi vụ sản xuất phải "ném" ra ngoài đồng hàng trăm triệu đồng, song cuối cùng phải phụ thuộc vào thời tiết, thiên tai…

Ông Tân lấy ví dụ, nếu sản xuất khoảng 100 mẫu lúa thì phải đầu tư khoảng 5 tỷ đồng để mua đất làm nhà kho, nhà để máy móc, lò sấy, bãi làm mạ; tiền mua ruộng, thuê ruộng; tiền xây dựng cơ sở hạ tầng; tiền mua phương tiện sản xuất…

Tất cả số tiền này phải vay mượn bên ngoài, trong khi đó nông dân chỉ có tín chấp là chính. Trường hợp mất mùa, thì tất cả các đối tác lại lo sợ và không đầu tư vào vụ sau.

Do đó, để giữ vững tinh thần cho các thành viên trong CLB đại điền, ông Tân mong muốn, chính quyền các cấp trong tỉnh hỗ trợ, tạo điều kiện về đất đai để có quỹ đất xây dựng nhà kho, nhà chứa, lò sấy, bãi mạ; hỗ trợ kinh phí mua máy móc, phương tiện sản xuất…

Đặc biệt, ngành nông nghiệp tỉnh Thái Bính sớm nghiên cứu lại cơ chế 10 - 20 kg thóc đối với người cho thuê. Bởi, hiện nay người cho thuê đã được trả tiền theo hợp đồng, do đó phần hỗ trợ này phải dành cho người đi thuê.

Tại Hội nghị, ông Tân mong muốn được kết nối, hợp tác với các doanh nghiệp trong sản xuất nông nghiệp, bao tiêu sản phẩm.

ThaiBinh Seed sẵn sàng hợp tác với những "người nông dân mới" - Ảnh 4.

Các đại điền tỉnh Thái Bình tham quan khu vực khảo nghiệm trình diễn giống mới của ThaiBinh Seed. Ảnh: Mai Chiến.

Về phía doanh nghiệp, ông Lý Thái Hưng, đại diện Công ty Hưng Cúc nhấn mạnh, Công ty sẵn sàng hợp tác với các bà con nông dân, đại điền về việc hỗ trợ tập huấn, bao tiêu sản phẩm… cho bà con nông dân.

Chia sẻ về cơ chế chính sách, Giám đốc Sở NNPTNT Đinh Vĩnh Thụy tâm sự, hiện nay nhiều nông dân, đại điền đang có khát vọng, ý chí xây dựng cánh đồng mẫu lớn.

Tuy nhiên, các đại điền muốn hoạt động có hiệu quả, ông Thụy cho rằng, các đại điền nên hợp tác lại với nhau, thành lập HTX để dễ dàng tiếp cận các chính sách ưu đãi của Nhà nước, được tham gia tập huấn, hỗ trợ mọi mặt.

"Khi thành lập HTX, chắc chắc mọi người sẽ nhận được nhiều ưu đãi. Cụ thể, chi phí mua vật tư đầu vào giảm, đầu ra sản phẩm ổn định hơn. Đặc biệt, khi đã thành lập HTX, thì sẽ có nhiều doanh nghiệp sẵn sàng hợp tác, bao tiêu sản phẩm cho HTX, qua đó nâng cao giá trị kinh tế…", ông Thụy cho hay.

Tại Hội nghị đã diễn ra lễ ký kết giữa Tập đoàn ThaiBinh Seed và CLB đại điền; giữa Công ty Hưng Cúc và CLB đại điền; giữa Công ty Kinh doanh lương thực ThaiBinh Seed với thành viên CLB đại điền.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem