Khu trung tâm thương mại của Singapore. Ảnh: Reuters.
"Quốc gia thông minh Singapore dành cho tất cả mọi người, không ai bị bỏ lại phía sau. Tất cả thành phần xã hội đều có thể hưởng lợi từ các giải pháp công nghệ, dù trẻ hay già", Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long viết trên Facebook năm 2017, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy "quốc gia thông minh" - sáng kiến được ông khởi động từ cuối năm 2014.
Sáng kiến này nhằm kết nối người dân với các doanh nghiệp và cơ quan chính phủ, để khuyến khích và phát triển các giải pháp thông qua những tiến bộ công nghệ nhằm giải quyết thách thức đô thị. Chính phủ Singapore vận hành 5 dự án cốt lõi để thực hiện được điều đó.
Nhận dạng số quốc gia (NDI)
NDI là cơ sở dữ liệu thống nhất lưu giữ thông tin công dân, được tích hợp với các hệ thống của chính phủ để cho phép dễ dàng truy cập và tương tác giữa các cơ quan, doanh nghiệp và công dân.
Cơ sở dữ liệu được cung cấp bởi SingPass và MyInfo - SingPass là một cổng thông tin trực tuyến bảo mật để truy cập các dịch vụ điện tử của chính phủ; MyInfo là nền tảng quản lý dữ liệu công dân.
Người dùng sẽ chỉ phải cung cấp thông tin cá nhân cho chính phủ một lần. Sau đó, họ có thể sử dụng thông tin đó với các cơ quan công quyền hay tư nhân được phê duyệt khác.
Thanh toán điện tử
PayNow là nền tảng hợp nhất cho thanh toán di động. Nền tảng này cho phép chuyển khoản ngang hàng chỉ với số điện thoại di động hoặc số thẻ căn cước. Một phiên bản doanh nghiệp cũng vừa được tung ra để chuyển tiền giữa các doanh nghiệp hoặc giữa người tiêu dùng với doanh nghiệp.
Mã QR thống nhất, được gọi là Mã phản ứng nhanh Singapore (SGQR) cũng sẽ được triển khai trên toàn quốc trong năm nay, cho phép người bán chấp nhận cả thanh toán trong nước và nước ngoài được thực hiện trên nhiều ví điện tử khác nhau.
Cảm biến thông minh quốc gia (SNSP)
SNSP là lớp cơ sở hạ tầng được sử dụng để thu thập dữ liệu theo dõi mọi thứ, từ giao thông cho đến chất lượng nước. Sử dụng một loạt các thiết bị cảm biến và thiết bị kết nối Internet, các cơ quan chính phủ có thể thu thập dữ liệu để thực hiện phân tích sâu. Điều này có nghĩa là họ có thể lập kế hoạch cải thiện tiện ích và dịch vụ công dựa trên hiểu biết thời gian thực.
Dự án đã được triển khai tại Yuhua, Quận Civic và đường Orchard - những nơi được lắp đặt CCTV và cảm biến môi trường. Singapore có kế hoạch tận dụng cột đèn cho giai đoạn thực hiện tiếp theo. Chính phủ năm ngoái cho biết nước này nhắm mục tiêu đưa tất cả 110.000 cột đèn vào mạng lưới cảm biến.
Di chuyển thông minh trong đô thị
Các nhà cung cấp phương tiện công cộng SBS Transit và SMRT được trang bị hệ thống quản lý thông minh, chuyển tiếp thông tin thời gian thực để cung cấp ước tính chính xác hơn về thời gian chạy của xe buýt. Điều này cho phép các nhà khai thác tối ưu hóa các tuyến xe buýt và lịch trình theo lượng người đi lại.
Các dịch vụ xe buýt theo yêu cầu cũng đang được thử nghiệm trong nỗ lực để làm cho hệ thống giao thông công cộng năng động hơn và đáp ứng nhu cầu đi lại tốt hơn. Một ví dụ là ứng dụng di động thu thập ý kiến Beeline, cho phép các nhà khai thác mở các tuyến mới theo nhu cầu hành khách.
Moments of Life
Nur Sooleezaa Saadon, bà mẹ hai con thường sử dụng ứng dụng Moments of Life. Ảnh: CNA.
Moments of Life là ứng dụng di động giúp chính phủ chuyển các dịch vụ phù hợp đến công dân một cách kịp thời. Với ứng dụng này, cha mẹ có thể đăng ký khai sinh cho con, xin trợ cấp sinh con, tìm kiếm trường mẫu giáo, truy cập hồ sơ y tế của trẻ và nhận thông tin về nuôi dạy con cái tùy theo địa phương.
Sẽ có thêm nhiều chức năng được bổ sung để phục vụ cho nhiều khía cạnh hơn trong cuộc sống, bao gồm các quy trình liên quan đến mua nhà. Điều này sẽ khiến các tổ chức tương tác với nhau tốt hơn, cũng như đảm bảo các cơ quan chính phủ chủ động trong việc cung cấp dịch vụ.
Thúc đẩy giáo dục về trí thông minh nhân tạo (AI)
Ngoài 5 dự án cốt lõi kể trên, Singapore còn đang triển khai chương trình cung cấp kiến thức cho người dân về AI. Họ tổ chức các buổi giới thiệu miễn phí về tiềm năng của công nghệ AI. Được gọi là "AI cho mọi người", dự án hướng tới 10.000 người, bao gồm học sinh trung học và người đang đi làm.
"AI cho ngành công nghiệp" hướng tới các chuyên viên có nhiều hiểu biết về công nghệ hơn. Dự án sẽ đào tạo khoảng 2.000 người với khóa học kéo dài ba tháng. Người tham dự sẽ nhận được chứng chỉ sau khi hoàn thành khóa học.
"Khi tất cả mọi thứ xung quanh chúng ta trở nên thông minh hơn và kết nối hơn, AI đang xuất hiện trong công việc hàng ngày mà chúng ta không nhận ra", Santhosh Viswanathan, giám đốc điều hành của Intel tại châu Á - Thái Bình Dương và Nhật Bản, một trong những bên xây dựng khóa học, cho biết.
"Để thúc đẩy ứng dụng chúng trong việc giải quyết những thách thức lớn nhất của thế giới, chúng ta cần những người có kỹ năng phù hợp".
Phương Vũ (Vnexpress)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.