Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Dự án nghìn tỷ sử dụng đường ống Trung Quốc
Hiện nay, nước sạch khu vực Hà Nội đang được cung cấp chính bởi 5 công ty: Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội (Hawacom); Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Đông; Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Kinh doanh nước sạch (Viwaco); Công ty CP nước mặt sông Đuống; và Công ty CP Đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco).
Sau bê bối nước sông Đà bị nhiễm dầu thải, mọi sự chú ý bắt đầu đổ dồn vào Công ty CP nước mặt sông Đuống. Đây là công ty con của Tập đoàn AquaOne do Shark Liên làm chủ tịch HĐQT. Mức đầu tư của công ty vào dự án này lên tới 5.000 tỷ đồng.
Dù mức đầu tư khổng lồ nhưng theo đánh giá của các chuyên gia, dự án này vẫn có không ít rủi ro về chất lượng nước.
Theo tìm hiểu của PV Dân Việt, dự án nhà máy nước mặt sông Đuống do Shark Liên làm chủ tịch HĐQT khởi công ngày 9/3/2017, khánh thành giai đoạn 1 và khởi công xây dựng giai đoạn 2 ngày 13/10/2018. Dự án xây dựng trên diện tích gần 61,5ha tại các xã Phù Đổng, Trung Mầu (huyện Gia Lâm, Hà Nội), do Công ty Cổ phần nước mặt sông Đuống làm chủ đầu tư.
Nhà máy nước mặt sông Đuống được sử dụng ống của một công ty Trung Quốc.
Đọc thông tin về dự án được biết, Nhà máy nước mặt sông Đuống được sử dụng ống của một công ty Trung Quốc. Đây chính là doanh nghiệp mà năm 2016 đã trúng thầu cung cấp ống nước cho đường ống nước sông Đà.
Như chúng ta biết, đường ống của công ty Trung Quốc lắp cho Dự án nước sông Đà đã bị dư luận lên tiếng lo ngại và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo dừng ký hợp đồng với nhà thầu Trung Quốc này.
Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, chỉ sau vài tháng sau chỉ đạo của Thủ tướng, hợp đồng cung cấp ống cho dự án nhà máy nước mặt sông Đuống vẫn được ký với chính nhà thầu Trung Quốc trên.
Chưa hết, như tên gọi, dự án nhà máy nước mặt sông Đuống sử dụng nguồn nước mặt ở sông Đuống để sản xuất nước sạch cung cấp cho người dân thủ đô. Sông Đuống bắt nguồn từ sông Hồng, đi qua các khu vực có nhiều nguy cơ ô nhiễm nguồn nước mặt, với nhiều nhà máy và khu công nghiệp tại thượng nguồn.
Tại phiên thảo luận của Quốc hội chiều 30/5/2019, Thiếu tướng Sùng Thìn Cò (Phó tư lệnh Quân khu 2) nêu ý kiến về vấn đề môi trường tại khu vực biên giới Việt - Trung. Thiếu tướng Sùng Thìn Cò cho rằng, vấn đề môi trường trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc đã tới lúc cần quan tâm. "Nhiều sông, suối ở biên giới đang bị ô nhiễm" – ông nói.
Trước đó, chiều 31/3/2019, cá trên sông Hồng đoạn cầu Cốc Lếu, thành phố Lào Cai (nối với Trung Quốc) đã chết hàng loạt, nghi do ô nhiễm nguồn nước. Còn từ gần 5 năm trước, vào tháng 8/2016, UBND tỉnh Lào Cai đã phải báo cáo Chính phủ về thực tế nước sông Hồng từ biên giới phía Trung Quốc đổ qua Lào Cai về xuôi ngày càng ô nhiễm. Và từ 4 năm trước thời điểm 2016, Sở TNMT Lào Cai cũng đã từng báo cáo tỉnh về việc các bãi cát, bờ sông Hồng đoạn biên giới với Trung Quốc đã "nhuốm vàng, bốc mùi hôi thối".
Những cảnh báo về một sông Hồng ô nhiễm ngay từ thượng nguồn, do thế, đã được phát đi từ hơn 10 năm trước. Tức là trước cả khi dự án nhà máy nước mặt sông Đuống - một nhánh của sông Hồng - được viết những dòng đầu tiên trên giấy. Nhưng nhà máy này vẫn được xây dựng và sử dụng nguồn nước mặt "nguyên liệu" có nguy cơ ô nhiễm rất cao, để sản xuất ra "nước sạch".
Còn đối với nguồn nước mặt sông Đà, theo thông tin từ Ban Quản lý quy hoạch lưu vực sông Hồng – Thái Bình (Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn), số liệu đo đạc trên tiểu lưu vực sông Đà ở những nơi có số liệu cho thấy nước sông Đà thuộc loại mềm, hàm lượng các chất hữu cơ nhìn chung thấp, các yếu tố vị lượng nhỏ, một số yếu tố cơ bản như pH, ô xy hoà tan trong giới hạn cho phép, có thể nói chất lượng nước sông Đà còn tốt song xu thế đang theo chiều giảm dần đáng lưu ý là các khu đô thị.
Theo một nghiên cứu của Trường Đại học Lâm nghiệp, đăng trên Tạp chí Bảo vệ Rừng và Môi trường tháng 5/2018, thì các yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng môi trường nước mặt sông Đà tại khu vực nghiên cứu là đoạn chảy qua TP Hòa Bình, gồm có nước thải công nghiệp, nước thải y tế, nước thải nông nghiệp, nước thải sinh hoạt 2 bờ sông Đà.
Kết quả nghiên cứu đánh giá chất lượng nước sông Đà đoạn chảy qua TP Hòa Bình cho thấy, tại điểm quan trắc lòng hồ Hòa Bình và cầu Cứng chất lượng nước nhìn chung đảm bảo yêu cầu cung cấp nước sinh hoạt nhưng cần xử lý. Điểm quan trắc cầu Đen, cảng Bến Ngọc hầu hết các chỉ tiêu đều vượt quá tiêu chuẩn cho phép QCVN 08-MT:2015/BTNMT từ 1- 10 lần.
Chỉ số WQI (Water Quality Index, theo hướng dẫn của Bộ TNMT, 2011) tại điểm quan trắc cầu Đen thể hiện bằng màu đỏ trong thời gian dài, nước ô nhiễm nặng, cần các biện pháp xử lý trong tương lai. Chỉ số WQI tại cảng Bến Ngọc thể hiện bằng màu vàng trong hầu hết thời gian quan trắc, chất lượng nước thấp chỉ phù hợp với mục đích tưới tiêu.
Những điểm quan trắc còn lại đều nằm trong giới hạn cho phép có chỉ số WQI tương đối cao và ổn định, thể hiện bằng màu xanh da trời, phù hợp cho mục đích cấp nước sinh hoạt nhưng cần các biện pháp xử lý phù hợp.
Bán nước lãi hàng trăm tỷ đồng
Mới đây, Viwasupco vừa công bố báo cáo tài chính quý III/2019 với doanh thu và lợi nhuận tăng mạnh, vượt khá nhiều so với kế hoạch lợi nhuận năm. Cụ thể, doanh thu tăng 17% so với cùng kỳ lên 138 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế tăng 28% lên 72 tỷ đồng.
Tính chung 9 tháng, doanh thu của Viwasupco tăng 21% lên hơn 400 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận sau thuế tăng 30% lên gần 200 tỷ đồng, vượt khá nhiều so với lợi nhuận đề ra cho cả năm là 75,5 tỷ đồng.
Tiền vào như nước sông Đà" - câu ví von dân gian dường như đúng với nguồn lợi lớn mà các ông chủ Viwasupco đã thu từ dự án đầu tư của mình.
Nước sạch Sông Đà có vốn điều lệ 750 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu khoảng 1 ngàn tỷ đồng. Với mức lãi 200 tỷ đồng trên doanh thu 400 tỷ đồng trong 9 tháng, tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp này là rất cao so với các doanh nghiệp có cổ phiếu khác niêm yết trên sàn chứng khoán. Nếu tính lợi nhuận gộp, doanh nghiệp này lãi 6 đồng trên 10 đồng doanh thu.
Trong năm 2018, mảng cung cấp nước mang về cho Nước sạch Sông Đà 469 tỷ đồng doanh thu cùng biên lãi gộp lên tới 57,1%, tỷ suất này cũng được duy trì ở mức 56,8% trong 6 tháng đầu năm nay.
Biên lãi gộp một số công ty nước sạch theo địa bàn
Ngoài Viwasupco, Công ty nước sạch Hà Nội (Hawacom) hai năm gần đây, mỗi năm doanh nghiệp này sản xuất tổng cộng 230 triệu m3, tương đương năng lực sản xuất một ngày đêm trên 650.000m3. Năm 2018, Hawacom đạt mức lãi ròng 356 tỉ đồng với tỉ suất lợi nhuận 19% trong năm 2018.
Tại khu vực miền Nam, nhóm công ty nước sạch tại TP.HCM hiện có biên lãi gộp khoảng 30%/năm. Trong đó, Cấp nước Nhà Bè năm 2018 ghi nhận 642 tỷ doanh thu, biên lãi gộp đạt 29,4% mang về 189 tỷ đồng lãi gộp. Công ty Cấp nước Thủ Đức cùng năm ghi nhận 760 tỷ doanh thu và biên lãi gộp 31,3%, tương tự là Cấp nước Gia Định với biên lãi gộp đạt 37,2%...
Độc quyền mang lại lợi nhuận khủng?Trao đổi với Etime, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, nước sạch là nhu cầu thiết yếu của người dân nên vấn đề tiêu thụ, đầu ra không thiếu. Vì vậy, lợi nhuận của ngành này luôn ổn định và có cơ hội tăng trưởng mạnh khi quá trình đô thị hóa ngày càng nhanh, nhu cầu nước sạch lớn.
Hình ảnh người dân Hà Nội xếp hàng lấy nước sạch phát miễn phí vì nước sông Đà nhiễm dầu thải.
"Ngoài ra, việc các công ty có lợi nhuận cao là vì tính độc quyền trong việc cấp nước. Ví dụ, với Viwasupco hiện là đầu mối cấp nước cho toàn bộ khu vực Tây Nam Hà Nội, ngoài ra, công ty này còn bán nước cho 13 khách hàng, trong đó 90% lượng nước bán cho 3 khách hàng lớn nhất là Viwaco, Hawaco và Nước sạch Hà Đông. Với tính độc quyền khu vực này, việc họ lãi hàng trăm tỷ đồng mỗi năm là điều dễ hiểu", ông Doanh nói.
Theo định hướng cấp nước Thủ đô đến năm 2030 tầm nhìn 2050, Hà Nội sẽ từng bước hạn chế sử dụng nước ngầm, triển khai xây dựng, nâng công suất các nhà máy sử dụng nước mặt: Nhà máy nước mặt sông Đà, Nhà máy nước mặt sông Đuống, Nhà máy sông Hồng.
Quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho thấy chỉ có 3 nhà máy nước mặt phục vụ cấp nước cho người dân Hà Nội. (Nguồn: Hawaco)
Hiện chưa có thông tin về việc hệ thống cấp nước mặt sông Đà và mặt sông Đuống đã đấu nối với nhau. Trên thực địa, hệ thống cấp nước của hai doanh nghiệp này cũng tách rời nhau, do cấp cho hai khu vực khác nhau của Hà Nội. Thông báo của công ty TNHH MTV nước sạch Hà Đông cũng không cho biết việc "mua tối đa nguồn từ nhà máy nước mặt sông Đuống" là mua qua hệ thống ống cấp nước hay mua bằng xe vận chuyển.
Trường hợp mua qua xe vận chuyển, với năng lực và số lượng xe chờ nước sạch của Hà Nội hiện nay, việc mua này là không khả thi, do chi phí mua, vận chuyển quá cao và cũng không giải quyết được nhu cầu tại các khu vực đang "khát nước".
Điều này đồng nghĩa với việc để giảm thiểu được rủi ro cấp nước sạch cho người dân Thủ đô là hoàn toàn phụ thuộc vào sự nhạy bén của cơ quan chức năng Tp. Hà Nội. Thực tế, sự độc quyền để đảm bảo an ninh nguồn nước là điều cần thiết, nhưng hệ thống pháp luật liệu đã đủ sức ép để các doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc?
Vui lòng nhập nội dung bình luận.