Mới đây ngồi trò chuyện có người nhắc tới họa sĩ Nguyễn Sáng, tôi chợt nhớ lại ông với bức sơn dầu “Gióng”. Hồi đó bức tranh được bày ở 61 Tràng Tiền (Hà Nội). Hình như là bày để bán. Tranh không có khung, chỉ đóng nẹp bằng loại gỗ thông Liên Xô là thứ có sẵn trong thời gian chống Mỹ. Nó là bao bì hàng viện trợ.
Với Nguyễn Sáng, ông nghĩ “Gióng” là bức tường thành bảo vệ đất nước, nên hình ảnh Gióng và ngựa như những hòn gạch xếp chồng lên nhau như thành lũy. Bức tranh sau đó vào tay ai tôi không rõ. Lúc ấy tranh khó bán vô cùng, nhưng rồi cũng có người mượn bê đi treo đâu đó. Bây giờ hình như tranh “Gióng” của ông đang ở nước ngoài.
Nguyễn Tư Nghiêm, Gióng, sơn mài, 1982. Ảnh: Tạp chí Mỹ thuật Nhiếp ảnh
Nguyễn Tư Nghiêm thì nghĩ đến Thánh Gióng gần gũi hơn. Trên cái nền son đỏ sơn mài với rất nhiều họa tiết trống đồng, Gióng và ngựa sắt vàng rực hiện lên phía trước như đang bay trong không gian trong ánh sáng lộng lẫy ấy. Nguyễn Tư Nghiêm vẽ Gióng trên nền cảm xúc sức mạnh văn hóa của dân tộc là động lực sức mạnh kết tinh thành hình tượng Gióng để bảo vệ non sông đất nước.
Với nhà điêu khắc Nguyễn Hải thì Gióng và ngựa như một mũi tên đang lao vút vào quân thù với sức mạnh xuyên thấu. Bức tượng không lớn nhưng sức mạnh lao lên phía trước như tên bay ấy chứa chất trong nó như của vạn cây cung.
Khai thác hình tượng người anh hùng ở mỗi góc nhìn, người nghệ sĩ tìm thấy một hình tượng của mình và thể hiện theo cách của mình. Nghệ thuật tìm cảm hứng bằng cảm nhận, cũng là “nghiên cứu” nhưng không phải như làm khoa học chi ly mà bằng cảm xúc từ trái tim mình trước hình tượng nhân vật.
Nhân triển lãm toàn quốc đang diễn ra ở khu triển lãm Vân Hồ, 2 Hoa Lư, Hà Nội, bạn hãy bớt chút thì giờ đi xem để xem các họa sĩ trong 5 năm qua đã tạo dựng được những gì cho nền nghệ thuật nước nhà. Nhìn vào hôm nay để nhớ tới những gì các họa sĩ bậc đàn anh đã từng đạt được trong quá khứ, không khỏi thoáng buồn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.