Các ngân hàng trung ương châu Á thử nghiệm nền tảng tiền tệ kỹ thuật số xuyên biên giới
Các ngân hàng trung ương châu Á thử nghiệm nền tảng tiền tệ kỹ thuật số xuyên biên giới
Huỳnh Dũng
Thứ sáu, ngày 28/10/2022 08:03 AM (GMT+7)
Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) đã công bố chi tiết đầy đủ về dự án thí điểm mBridge của mình để sử dụng tiền tệ kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC) để trao đổi ngoại tệ.
Một loạt các ngân hàng trung ương châu Á đang đi tiên phong trong một nền tảng dựa trên blockchain, để giúp việc chuyển tiền kỹ thuật số xuyên biên giới trở nên dễ dàng hơn, khi các chính phủ đổ xô phát triển tiền ảo.
Một cuộc thử nghiệm nền tảng này, được gọi là mBridge, có sự tham gia của các ngân hàng trung ương từ Hồng Kông, Thái Lan, Trung Quốc và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Nó đã được phát triển bởi Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (Bank for International Settlements-BIS), tổ chức tài chính toàn cầu hoạt động để thúc đẩy hợp tác và hỗ trợ giữa các ngân hàng trung ương.
Theo một báo cáo của BIS vừa được công bố, tổng cộng 12 triệu đô la tiền tệ kỹ thuật số của các ngân hàng trung ương (CBDC) đã được phát hành trên nền tảng này.
Các chính phủ trên khắp thế giới đang phát triển CBDC - dạng kỹ thuật số của tiền tệ fiat của họ - bằng cách sử dụng blockchain, một dạng công nghệ thường được kết hợp với tiền điện tử như Bitcoin. Mục đích chính là thực hiện thanh toán hiệu quả hơn, đồng thời tránh sự biến động của tiền điện tử.
Ở khoảng thời gian sáu tuần trong tháng 8 và tháng 9, 20 ngân hàng thương mại, bao gồm HSBC, Ngân hàng Trung Quốc, Ngân hàng Bangkok và Ngân hàng First Abu Dhabi, đã điều phối 164 giao dịch thanh toán thành công và trao đổi ngoại tệ với tổng trị giá 22 triệu đô la thay mặt cho khách hàng doanh nghiệp trong một cuộc thử nghiệm sử dụng CBDC được phát hành trên mBridge.
Ở đây, mBridge tìm cách tận dụng sức mạnh của công nghệ blockchain trong việc tạo điều kiện cho các giao dịch và thanh toán FX trên một số quốc gia với tốc độ gần như tức thì, trái ngược với những gì có thể đạt được với các hệ thống chuyển tiền xuyên biên giới truyền thống.
"Bằng cách cung cấp một nền tảng chia sẻ mà trên đó những người tham gia thực hiện thanh toán ngang hàng trực tiếp để đảm bảo an toàn cho tiền của ngân hàng trung ương trên nhiều khu vực pháp lý, nền tảng thí điểm đã chứng minh thành công về khả năng của nền tảng trong việc cải thiện tốc độ và hiệu quả thanh toán xuyên biên giới, đồng thời giảm rủi ro thanh toán trong bối cảnh thế giới thực", BIS cho biết trong báo cáo.
Ba loại hình giao dịch đã được thử nghiệm trong quá trình thí điểm: phát hành CBDC giữa các ngân hàng trung ương và các ngân hàng thương mại trong nước, thanh toán biên mậu giữa các ngân hàng thương mại và ngoại hối xuyên biên giới giữa các ngân hàng thương mại. Nền tảng mBridge Ledger đã sử dụng cơ sở hạ tầng đơn nền tảng, truy cập trực tiếp để thực hiện các giao dịch ngang hàng, thời gian thực với cơ chế đồng thuận HotStuff +, giảm thời gian chuyển khoản xuyên biên giới từ 3-5 ngày xuống còn vài giây, giảm rủi ro thanh toán, cũng như hỗ trợ sử dụng nội tệ trong thanh toán quốc tế.
Các giao dịch trong quá trình thí điểm chủ yếu bao gồm các khoản thanh toán của doanh nghiệp cho các giao dịch thương mại quốc tế về hàng hóa và dịch vụ, sử dụng các phiên bản CBDC của đồng đô la Hồng Kông, nhân dân tệ của Trung Quốc, đồng baht Thái Lan và đồng dirham của UAE.
Dự án mBridge được xây dựng dựa trên các thí điểm trước đó cho phép các ngân hàng thương mại Hồng Kông và Thái Lan thực hiện chuyển tiền ngang hàng cơ bản.
Theo báo cáo, các ngân hàng thương mại tham gia vào cuộc thí điểm mới nhất cho thấy công nghệ mBridge đã nâng cao tốc độ và hiệu quả thanh toán, cải thiện tính minh bạch và giảm rủi ro thanh toán.
BIS cho biết mBridge sẽ cần được tinh chỉnh và cải thiện trước khi sẵn sàng triển khai trên quy mô toàn diện, đồng thời cho biết thêm rằng hai năm tới sẽ tập trung vào việc cải thiện các công cụ bảo mật dữ liệu và tích hợp các công cụ quản lý giao dịch và thanh khoản.
BIS cho biết các thay đổi về quy định và sự rõ ràng về luật pháp cũng sẽ được yêu cầu để cho phép áp dụng rộng rãi: "Việc mở rộng quyền truy cập trực tiếp vào tiền của ngân hàng trung ương cho những người tham gia nước ngoài và thực hiện các giao dịch trên một nền tảng blockchain dùng chung đòi hỏi phải khám phá thêm về chính sách, quyền riêng tư của dữ liệu và các cân nhắc về quản trị".
Các vấn đề thực tế sẽ được giải quyết vào năm 2023 và 2024 bao gồm luôn cả việc tích hợp quản lý thanh khoản và khám phá giá ngoại hối.
Tính đến tháng 7, đã có gần 100 dự án CBDC, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Mười quốc gia đã tung ra một loại tiền kỹ thuật số, với Trung Quốc sẽ mở rộng thí điểm đồng nhân dân tệ điện tử vào năm tới. Hàn Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ là một trong số các quốc gia đã đạt được những bước tiến trong năm nay, nhằm phát triển hoặc hoàn thành việc thử nghiệm tiền kỹ thuật số của riêng họ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.