Dàn sao K-pop tạo "sóng" đọc sách "Text Hip"

Đinh Đang (Theo Herald) Thứ tư, ngày 06/11/2024 19:00 PM (GMT+7)
Các chuyên gia cho rằng, phong trào này được thúc đẩy nhờ các thần tượng K-pop và người nổi tiếng chia sẻ sở thích đọc sách của họ.
Bình luận 0

Bên trong quán bar Chaek Bar ở khu vực Mangwon-dong, quận Mapo, Seoul, các bức tường được phủ kín bởi những kệ sách đa dạng, từ sách bán đến sách đọc tại chỗ. Trên các bảng đen treo tường là những câu trích dẫn sâu sắc, đi kèm những dòng ghi chú viết tay và thực đơn cocktail được đặt tên theo các tác phẩm văn học kinh điển, thu hút ánh nhìn của thực khách. Giữa không gian nhẹ nhàng ấy, những người yêu sách thư thái đọc sách và nhâm nhi ly cocktail dưới ánh sáng mờ ảo.

Dàn sao K-pop tạo "sóng" đọc sách "Text Hip"- Ảnh 1.

Bên trong quán bar Chaek Bar tại Seoul. IG.

Chaek Bar đã nhanh chóng trở thành điểm đến phổ biến với những ai đam mê phong cách “Text Hip” – sự kết hợp giữa “text” (văn bản) và “hip” (thời thượng), mang ý nghĩa rằng, việc đọc sách đang trở nên sành điệu và cuốn hút. Khác với các quán bar thông thường, Chaek Bar là nơi mà mỗi người có thể thư giãn, đọc sách và thậm chí sáng tạo trong không gian tràn ngập văn hóa. 

Khách hàng chính của quán là những bạn trẻ từ 20-30 tuổi và sinh viên đại học, họ thuộc thế hệ đang tìm thấy ở “Text Hip” một biểu tượng văn hóa. Chung In-sung, chủ quán bar cho biết: “Trải nghiệm đọc sách tại đây bắt đầu ngay từ menu cocktail". Tại Chaek Bar, thực khách có thể thử món Moon and Sixpence lấy cảm hứng từ nhân vật trong tiểu thuyết của William Somerset Maugham, hay món The Stranger với rượu brandy Camus, gợi nhớ đến tiểu thuyết “Kẻ xa lạ” của Albert Camus.

Sự trở lại của văn hóa đọc giữa thời đại số hóa

Ngày nay, khi các nền tảng video như YouTube đang chiếm lĩnh, phong trào “Text Hip” lại nổi lên như một điểm nhấn độc đáo và thú vị, bất chấp thực tế rằng chỉ có 43% người trưởng thành tại Hàn Quốc đọc ít nhất một cuốn sách mỗi năm theo Khảo sát Đọc sách Quốc gia năm 2023. Các chuyên gia cho rằng, phong trào này được thúc đẩy nhờ các thần tượng K-pop và người nổi tiếng chia sẻ sở thích đọc sách của họ, làm dấy lên sự tò mò của người hâm mộ. 

Ví dụ, Minji - thành viên nhóm NewJeans đã xuất hiện trong video âm nhạc của ca khúc “Bubble Gum” với cuốn tiểu thuyết “Thời thơ ấu” của Edith Wharton. Còn Jang Won-young - thành viên nhóm IVE từng đề cập đến việc đọc “Luận ngữ” của Khổng Tử và các tác phẩm của triết gia Arthur Schopenhauer, từ đó khơi dậy sự quan tâm tới tri thức trong giới trẻ.

Dàn sao K-pop tạo "sóng" đọc sách "Text Hip"- Ảnh 2.

Minji - thành viên của nhóm NewJeans đang đọc tiểu thuyết kinh điển "The Age of Innocence" trong video ca nhạc "Bubble Gum". HYBE.

Nhà phê bình văn hóa Ha Jae-geun nhận định, hiện tượng “Text Hip” tương tự như trào lưu đăng tải các vật dụng hoài cổ như: máy cassette, máy CD và máy quay phim trên mạng xã hội. Việc khoe những vật phẩm này giúp người trẻ thể hiện cá tính và việc đọc sách cũng là một cách thể hiện bản thân độc đáo. Phong cách “Text Hip” đang lan tỏa mạnh mẽ trên các nền tảng như Instagram và X, nơi giới trẻ chia sẻ hình ảnh về những cuốn sách họ đang đọc hoặc đăng danh sách các tựa sách để “trông thật ngầu”. Một số ý kiến cho rằng, “Text Hip” chỉ là một trào lưu nhất thời và có phần khoe mẽ, tuy nhiên nhà văn nổi tiếng Hwang Sok-yong lại ủng hộ xu hướng này. Ông cho rằng, ngay cả khi có phần tự phụ, việc đọc sách vẫn tốt hơn việc sở hữu một chiếc túi Dior, vì đây là một hình thức thể hiện giá trị văn hóa.

Theo nhà phê bình văn học Kang Dong-ho, mặc dù có yếu tố “khoe mẽ” trong nhu cầu thể hiện bản thân qua sách nhưng việc này đóng góp vào sự mở rộng văn hóa và nâng cao nhận thức của giới trẻ. Ông cũng nhấn mạnh rằng, không như các mặt hàng xa xỉ, sách mang tính tiếp cận rộng rãi hơn và phù hợp với mọi tầng lớp, nhờ vào các thư viện công cộng. Văn hóa đọc sách không chỉ góp phần nâng cao kiến thức mà còn giúp hình thành nhân cách, tạo điều kiện để mọi người khám phá và bồi đắp giá trị cá nhân.

Tỷ lệ đọc sách cho thấy sự khác biệt rõ rệt giữa các thế hệ. Trong khi 74,5% người ở độ tuổi 20 thường xuyên đọc sách, tỷ lệ này giảm xuống còn 47,9% ở độ tuổi 40 và 36,9% ở độ tuổi 50. Han Ki-ho, giám đốc Viện Nghiên cứu Tiếp thị Xuất bản, nhấn mạnh rằng, cần có thêm nhiều cuốn sách “làm quen” để tạo thói quen đọc cho trẻ em từ sớm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem