Các nhà đầu tư nước ngoài đề xuất, kiến nghị gì đến Chính phủ Việt Nam?

O.L Thứ bảy, ngày 22/04/2023 11:37 AM (GMT+7)
Tại Hội nghị gặp mặt các nhà đầu tư nước ngoài sáng 22/4, đại diện các nhà đầu tư đã đưa ra nhiều đề xuất, kiến nghị "nóng" đến Chính phủ Việt Nam.
Bình luận 0

Mong muốn Việt Nam đẩy nhanh việc cấp giấy phép lưu hành (MA) cho các thiết bị y tế và dược phẩm

Sáng 22/4 tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và chủ trì Hội nghị gặp mặt các nhà đầu tư nước ngoài.

Tại hội nghị, ông Nitin Kapoor, đồng Chủ tịch Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF), Chủ tịch AstraZeneca Việt Nam cho biết, các thành viên VBF đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy FDI và đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Việt Nam với hơn 221.000 thành viên đến từ 14 Phòng Thương mại và 13 Nhóm công tác.

Ông Nitin Kapoor, VBF đã đầu tư vào 19/21 ngành kinh tế tại Việt Nam, góp phần tăng trưởng FDI mạnh mẽ. Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đến từ hơn 108 quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm các quốc gia hàng đầu và cũng là thành viên của VBF như: Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), châu Âu, Hoa Kỳ, Anh…

"Chúng tôi đánh giá cao sự điều hành quyết liệt, chủ động, sáng tạo, linh hoạt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong năm 2022 khi nền kinh tế Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch và nguy cơ suy thoái kinh tế thế giới. Việt Nam đã làm tốt trong ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và nhanh chóng thích ứng với kỷ nguyên chuyển đổi số mới".

Các nhà đầu tư nước ngoài đề xuất, kiến nghị gì đến Chính Phủ Việt Nam? - Ảnh 1.

Ông Nitin Kapoor, Đồng Chủ tịch Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF), Chủ tịch AstraZeneca Việt Nam:Ảnh: VGP

VBF đã đưa ra một số đề xuất: Thứ nhất, về vấn đề năng lượng, phần lớn đầu tư của quá trình chuyển đổi năng lượng phải đến từ khu vực tư nhân. Để đẩy nhanh hơn nữa cải cách quy định và chính sách, VBF đề xuất phân công đại diện VBF cho các nhóm công tác chuyển đổi năng lượng hiện nay như Ban thư ký của Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) và Ủy ban soạn thảo chính sách liên quan.

"Về lao động, chúng tôi cảm ơn Chính phủ đang rà soát chính sách visa; đồng thời đơn giản hóa bộ luật lao động. Đây là điều kiện tạo thuận lợi cho thủ tục giấy phép lao động cho người nước ngoài tại Việt Nam; thu hút những tài năng đến Việt Nam", Nitin Kapoor nói.

Về thuế, đại diện VBF cho rằng cần nghiên cứu tác động của thuế tối thiểu toàn cầu đến lợi ích của nhà đầu tư và môi trường kinh doanh tại Việt Nam, từ đó đưa ra các giải pháp thiết thực, hiệu quả và kịp thời để bảo đảm đầu tư, bù đắp lợi ích cho doanh nghiệp trong trường hợp ưu đãi thuế được giảm hoặc hủy bỏ do tác động của thuế tối thiểu toàn cầu.

Về dược phẩm, đại diện VBF mong muốn Việt Nam đẩy nhanh việc cấp giấy phép lưu hành (MA) cho các thiết bị y tế và dược phẩm. "Chúng tôi rất vui vì Luật Dược đang được sửa đổi để giải quyết các thách thức như hạn chế kho bãi và vận chuyển đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và loại bỏ các yêu cầu cụ thể của từng quốc gia để hài hòa các quy trình của Việt Nam với các tiêu chuẩn khu vực và toàn cầu", Nitin Kapoor nói.

Bên cạnh đó, VBF mong muốn Việt Nam có cơ chế mua sắm cụ thể đối với trang thiết bị, vật tư tiêu hao y tế trong Luật Đấu thầu (sửa đổi) và các văn bản liên quan.

Không nên áp dụng thuế TTĐB đối với các sản phẩm thiết yếu như sữa và thực phẩm bổ sung dinh dưỡng

Cũng tại hội nghị, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) Gabor Fluit cho biết, các mục tiêu đầy tham vọng của Việt Nam về chuyển đổi năng lượng xanh đã được ghi nhận rõ ràng và Việt Nam đã phát triển một chiến lược quốc gia toàn diện để đạt được các mục tiêu này. Tuy nhiên, việc thực hiện chiến lược này chưa đáp ứng được kỳ vọng. 

Thời gian qua, việc chưa đáp ứng được nhu cầu này đã khiến một số dự án đầu tư phải tạm ngưng mở rộng. Để đáp ứng nhu cầu năng lượng trong tương lai, chúng ta cần đẩy nhanh việc hoàn thiện và triển khai Quy hoạch phát triển điện VIII.

Việt Nam cũng nên có các hợp đồng mua bán điện trực tiếp để khuyến khích các nhà sản xuất năng lượng tái tạo, đặc biệt là các nhà máy trong KCN nên được phép tham gia hơp đồng mua bán điện trực tiếp. EuroCham đề nghị tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà máy có nhu cầu sử dụng năng lượng tái tạo để đáp ứng các yêu cầu tuân thủ từ EU.

Về chăm sóc sức khỏe, EuroCham nhấn mạnh đến việc cải thiện khả năng tiếp cận dược phẩm và thiết bị y tế thông qua các quy trình quản lý được tối ưu hóa cùng các thông lệ tốt nhất toàn cầu. Điều này đòi hỏi các chính sách mua sắm đấu thầu và tài chính dựa trên giá trị phải được sửa đổi bởi Luật Dược.

"Chúng tôi đánh giá cao việc triển khai Nghị định 07 và Nghị quyết 30 vừa qua đã góp phần khắc phục tình trạng thiếu vật tư y tế và gián đoạn xét nghiệm, chẩn đoán và điều trị tại các bệnh viện", Chủ tịch EuroCham nhấn mạnh.

EuroCham cũng ghi nhận những nỗ lực của Bộ Y tế trong việc phê duyệt cấp phép lưu hành cho các thiết bị y tế loại C và D còn tồn đọng và các thiết bị nộp mới, góp phần cải thiện khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cao với chi phí hợp lý.

Các nhà đầu tư nước ngoài đề xuất, kiến nghị gì đến Chính Phủ Việt Nam? - Ảnh 2.

Đại diện các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam tham dự hội nghị - Ảnh: VGP

Về thuế và phí, EuroCham hoan nghênh quyết định của Chính phủ về gia hạn nộp thuế và giảm thuế giá trị gia tăng. Điều này sẽ hỗ trợ phục hồi kinh doanh và kích thích nhu cầu của người tiêu dùng.

Việt Nam cũng cần xây dựng các chính sách ưu đãi phù hợp, cạnh tranh để thu hút đầu tư, đặc biệt là trước quy định thuế tối thiểu toàn cầu sắp được áp dụng. Ngoài ra, việc hài hòa hóa thủ tục hành chính và chính sách thuế là rất quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng thương mại trong khuôn khổ EVFTA.

"Theo hướng đó, chúng tôi khuyến nghị Chính phủ không nên sử dụng thuế tiêu thụ đặc biệt như một công cụ để bù lại việc việc xóa bỏ thuế nhập khẩu. Chính phủ có thể xem xét áp dụng hệ thống thuế thu nhập đặc biệt (TTĐB) hỗn hợp đối với rượu vang và rượu mạnh và không nên áp dụng thuế TTĐB đối với các sản phẩm thiết yếu như sữa và thực phẩm bổ sung dinh dưỡng. Chúng tôi cũng kiến nghị miễn hoặc giảm thuế TTĐB cho các sản phẩm công nghiệp thân thiện với môi trường, chẳng hạn như xe điện", ông Gabor Fluit đề xuất.

"Cuối cùng, số lượng các ca mắc Covid-19 tăng cao thời gian gần đây, nhưng chúng tôi mong muốn và đề xuất rằng Chính phủ Việt Nam sẽ đánh giá sự cần thiết của những biện pháp chống dịch và những biện pháp quá mức cẩn trọng, sẽ trở thành rào cản cho các hoạt động kinh doanh, đặc biệt là doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch, lưu trú", Chủ tịch EuroCham nói.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem