Các tàu sân bay Trung Quốc lấy gì để đấu lại Mỹ, Anh?

Phương Đăng (theo BI) Thứ ba, ngày 25/04/2017 16:00 PM (GMT+7)
Tàu sân bay mới do chính Trung Quốc sản xuất sắp trình làng và sẽ phối hợp hoạt động cùng tàu sân bay đầu tiên của nước này là Liêu Ninh. Liệu khi có thêm thành viên, hạm đội tàu sân bay Trung Quốc có thể đấu lại hạm đội của các cường quốc như Mỹ, Anh?
Bình luận 0

img

Tàu sân bay Liêu Ninh Trung Quốc

Tàu sân bay nội địa nặng 70.000 tấn, dài 315 mét và rộng 75 mét của Trung Quốc  dự kiến hạ thủy tại Đại Liên, nơi nó được xây dựng.

Đến nay Trung Quốc vẫn giấu tên chính thức của tàu này. Con tàu mới rộng hơn tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc, Liêu Ninh một chút. Mặc dù việc hạ thủy và đưa vào hoạt động tàu sân bay thứ 2 chỉ ra những dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang làm chủ công nghệ hải quân, một số các nhà quan sát quân sự vẫn đánh giá rằng, Hải quân Trung Quốc vẫn kém xa so với Mỹ.

Tàu sân bay mới của Trung Quốc sẽ không thể hoạt động một mình trên biển. Tàu sân bay luôn hoạt động trong một hạm đội, với nó là trung tâm trong khi các tàu khác sẽ đóng vai trò bảo vệ và hậu cần.

Đội tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc gồm 3 tàu khu trục tên lửa dẫn đường, 3 khinh hạm, một tàu hậu cần và các chiến đấu cơ J-15 cùng một số trực thăng cất/hạ cánh trên tàu, theo Kyodo. Hồi đầu năm nay, hạm đội tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh đã tập trận ở Biển Đông.

Theo hãng thông tấn Trung Quốc Tân Hoa xã nhấn mạnh, cuộc tập trận mang lại những kinh nghiệm quan trọng để Trung Quốc xây dựng các khả năng chiến đấu của hạm đội tàu sân bay.

img

Mỹ có 10 tàu sân bay đang hoạt động và đã có 75 năm kinh nghiệm vận hành các hàng không mẫu hạm

So với Trung Quốc, Mỹ có tổng cộng 10 tàu sân bay đang hoạt động. Mỹ không chỉ là quân đội mạnh nhất thế giới, Hải quân Mỹ cũng đã có 75 năm kinh nghiệm vận hành các hàng không mẫu hạm.

Một nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ thường bao gồm một tàu sân bay với khoảng 7.500 thủy thủ, một tàu tuần dương tên lửa dẫn đường có khả năng tấn công tầm xa, một đội 6 đến 8 tàu khu trục hoặc khinh hạm có nhiệm vụ hộ vệ chống lại các cuộc tấn công từ trên không cũng như từ tàu ngầm và phá hủy các tàu ngầm, tàu chiến, tàu tiếp tế đạn dược của địch cộng thêm từ 65 đến 70 máy bay.

Tàu sân bay năng lượng hạt nhân 101.000 tấn USS Carl Vinson của Mỹ dài 333 mét hiện đang được điều tới bán đảo Triều Tiên trong bối cảnh căng thẳng trong khu vực leo thang.

Trong khi đó, Anh hiện không còn tàu sân bay nào đang hoạt động nhưng đang xây dựng mới 2 tàu. Tàu sân bay mang tên Nữ hoàng Elizabeth có trọng lượng 67.000 tấn là tàu lớn nhất mà Anh từng xây dựng. Tàu này dài 280 m và được hạ thủ năm 2014. Anh dự kiến hoàn thiện và đưa tàu này vào hoạt động vào năm 2021. Trong khi đó, tàu thứ 2 là Hoàng tử xứ Wales, được xây dựng sau tàu Nữ hoàng Elizabeth 2 năm.

Các tàu sân bay của Anh được thiết kế để chứa 36 chiến đấu cơ tàng hình F35B, 4 trực thăng Merlin và cũng có thể có một đội trực thăng chiến đấu hạng nặng Apache và Chinooks. Nhóm tác chiến của mỗi tàu sân bay cũng sẽ bao gồm các chiến đấu cơ tàng hình, các loại máy bay khác cùng các tàu khu trục, khinh hạm và có thể bao gồm cả một tàu ngầm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem