Các Tiktoker kể chuyện hái vải lúc nửa đêm và chốt hơn 5.000 đơn bán vải thiều

Khương Lực Thứ bảy, ngày 01/07/2023 19:25 PM (GMT+7)
Trong 4 giờ livestream bán vải thiều tại thôn Kép 1, xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang, 40 Tiktoker đã chốt đơn hàng được khoảng 23 tấn vải thiều. Dù là kênh bán hàng hiệu quả, tiềm năng nhưng việc bán vải thiều tươi qua Tiktok đang bị hạn chế ở khâu vận chuyển và giao nhận.
Bình luận 0

Từ ngày 21-24/6, các nhà sáng tạo nội dung trên nền tảng mạng xã hội đã thực hiện 40 video quảng bá về Bắc Giang, đạt tổng số hơn 20 triệu lượt xem. Đáng chú ý, trong 4 giờ livestream, các Tiktoker đã thực hiện 26 phiên livestream, với gần 1,7 triệu lượt xem. Qua đó, bán được 5.182 đơn hàng với tổng doanh thu 1,2 tỷ đồng, giúp nông dân Lục Ngạn tiêu thụ khoảng 23 tấn vải thiều.

Livestream bán vải thiều trên Tiktok hiệu quả nhưng vướng khâu logistic - Ảnh 1.

Livestream bán vải thiều tươi qua Tiktok hiệu quả, nhưng mới chỉ mở đơn hàng ở 3 nơi: TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Bắc Giang. Ảnh: N. Thắng

Qua việc quảng bá, giới thiệu và livestream bán vải thiều, ông Mai Sơn – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang đánh giá, Tiktok là một kênh mạng xã hội bán vải thiều rất hiệu quả. Trong thời gian tới, tỉnh Bác Giang sẽ phối hợp cùng với Tiktok đào tạo một số người làm du lịch, người bán hàng… để họ trở thành Tiktoker bán hàng trên mạng xã hội này.

Tuy nhiên, hiệu quả bán vải thiều tươi từ mạng xã hội Tiktok chưa phát huy hết tiềm năng lợi thế do những hạn chế trong khâu logistic. "Bán hàng online thì phải có logistic đi theo, nhưng VN Post chỉ bán được tại các thành phố lớn, không đáp ứng được đến các tỉnh, địa bàn nhỏ lẻ, nhất là mặt hàng vải thiều" – ông Sơn chia sẻ.

Dù vậy, theo ông Sơn, Tiktok hơn các sàn giao dịch điện tử - người mua chỉ đặt lệnh mua, người bán thì đặt lệnh bán và nhận hàng, nhưng riêng Tiktok lại cho người mua trải nghiệm quá trình làm sản phẩm, trải nghiệm công đoạn thu hoạch như thế nào. Các Tiktoker giới thiệu trải nghiệm làm thế này, thế kia, người mua được trải nghiệm trong quá trình làm sẽ hấp dẫn hơn.

Nữ TikToker Huyền HuHo đánh giá, chuyến đi Bắc Giang lần này của nhóm Tiktoker là một kỳ tích và đầy thành công. Theo chia sẻ của TikToker Huyền HuHo, để chuẩn bị cho các buổi livestream bán vải thiều và các sản phẩm OCOP tỉnh Bắc Giang, cả đoàn đã ngồi lại tìm hiểu từng sản phẩm của các hợp tác xã.

Theo TikToker Huyền HuHo, khi nhóm học xong là gần 12 giờ đêm. Nhóm đã phải đi luôn từ thành phố Bắc Giang lên Lục Ngạn, gần 2 giờ đêm mới đến nơi. Tại vườn có hơn 20 KOL được chia thành các nhóm, mỗi nhóm sẽ ở một góc vườn khác nhau để livestream hỗ trợ bà con tiêu thụ vải thiều.

"Mặc dù mở đơn hàng ở 3 nơi: TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Bắc Giang nhưng là chương trình tụ họp nhiều cây KOL mang lại doanh số cao. Tụi em đã có 26 phiên live và ra được 5.182 đơn" - TikToker Huyền HuHo nói và cho biết dù chỉ là con số nhỏ, nhưng 3 miền Bắc, Trung, Nam chúng em hội tụ về đây cùng quảng bá được các sản phẩm OCOP cho bà con Bắc Giang.

Livestream bán vải thiều trên Tiktok hiệu quả nhưng vướng khâu logistic - Ảnh 3.

Đoàn viên, thanh niên nông thôn ở Bắc Giang tham gia buổi tập huấn livestream bán vải thiều. Ảnh: N.Thắng.

Trực tiếp trải nghiệm tại vườn vải thiều và khu vực phân loại, đóng gói xuất khẩu vải thiều, Tiktoker Thiện Nhân chia sẻ: "Ăn vải chứ đâu có biết vải phân ra nhiều loại. Vải bán ở chợ là loại 2, loại 3, còn vải loại 1 đóng thùng xốp xuất khẩu".

Theo chia sẻ của Tiktoker Thiện Nhân, bất kể trời mưa hay trời nắng, vải chín tới là phải hái. Qua 2-3 công đoạn, vải thiều mới được chuyển tới tay người tiêu dùng. Những trái vải loại 1 được thu hái, phân loại để xuất khẩu đi các nước như: Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia…

Chọn điểm livestream giữa vườn vải, ba nữ TikToker: Mai Tây Bắc, Hana Ban Mê, Huyền Phi đến từ ba miền của đất nước với chất giọng ngọt ngào giới thiệu về những trái vải thiều. Vượt hơn 1.300km từ Đăk Lăk ra "thủ phủ" vải Lục Ngạn, tỉnh bắc Giang, chị Hana Ban Mê nói: "Đây là lần đầu tiên được thưởng thức những trái vải thiều giữa vườn. Quả vải ngọt, mọng nước và rất tươi".

"Hana Ban Mê cùng bà con Lục Ngạn hái vải thiều trong mưa. Không đi thì không biết bà con huyện Lục Ngạn hái vải kỳ công như thế nào đâu, hái vải bắt đầu từ đêm khuya đến sáng, vải tươi ngon. 1-2h sáng, mắt còn sung húp mà thấy ánh đèn đã lấp ló trong vườn, thoắt cái là bà con đã hái xong từng cây rồi" - chị Hana Ban Mê nói và cho biết đây là một kỷ niệm đáng nhớ.

Tại buổi phát trực tiếp không chỉ có các nhà sáng tạo nội dung mà còn có một số doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đến tham quan, học tập kinh nghiệm bán hàng trên nền tảng số.

Ông Phạm Công Toản – Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang cho biết, trong những năm qua, tỉnh Bắc Giang đã ứng dụng triệt để chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại để tiêu thụ vải thiều. "Trong năm 2023 làm tốt hơn, đặc biệt huyện Lục Ngạn, Tân Yên ứng dụng rất cao chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại" – ông Toản nói.

Theo ông Toản, các phiên livestream quảng bá, tiêu thụ vải thiều đã thu hút hàng trăm triệu lượt view, có phiên livestream đạt hơn 20 triệu lượt view đem lại sự lan tỏa, sức hút rất lớn đối với sản phẩm vải thiều của tỉnh Bắc Giang.

Năm nay, sản lượng vải thiều của tỉnh Bắc Giang ước đạt 180.000 tấn. Đến thời điểm cuối tháng 7, tỉnh Bắc Giang đã tiêu thụ được hơn 150.000 tấn, trong đó xuất khẩu 84.000 tấn, thị trường trong nước tiêu thụ 66.000 tấn.  Giá vải thiều trung bình từ 10.000 - 30.000 đồng/kg tùy theo chất lượng.

Ông Toản cho biết, thời gian thu hoạch vải thiều sẽ kéo dài trong khoảng 1 tuần nữa, đây là thời gian thu hoạch vải thiều ở các xã vùng cao của huyện Lục Ngạn. "Vải thiều chín muộn có chất lượng ngon, giá cả sẽ tăng lên từng ngày chứ không có giá thấp hơn được" – ông Toản nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem