Các trường chọn phương án thi ĐH-CĐ 2015: Đa số dùng kết quả kỳ thi quốc gia

Tùng Anh Thứ năm, ngày 16/10/2014 14:31 PM (GMT+7)
Ngày 15.10 là hạn chót các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) phải nộp đề án tuyển sinh riêng lên Bộ Giáo dục - Đào tạo (GDĐT). Thông tin từ bộ này cho biết, đa số các trường ĐH, CĐ chọn sử dụng kết quả của kỳ thi THPT quốc gia và có rất ít đề án tuyển sinh có sự khác biệt.
Bình luận 0

Vừa xét tuyển, vừa dùng chiêu

Ông Trần Văn Nghĩa – Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GDĐT cho biết: “Ban đầu, khi công bố phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia rất nhiều trường bày tỏ quan điểm không tin tưởng vào kết quả của kỳ thi này và có ý định sẽ có thi riêng. Tuy nhiên, sau khi Bộ GDĐT điều chỉnh việc tổ chức thi sẽ do các trường ĐH chủ trì và chỉ tổ chức thi cụm do Sở GDĐT chủ trì ở những vùng đặc biệt khó khăn, thì các trường đã yên tâm và tin tưởng sử dụng kết quả kỳ thi này vào xét tuyển”.

img Đa số các trường đăng ký sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia  năm 2015. 

 

Lãnh đạo một số trường ĐH tốp trên cũng cho biết sẽ không có thêm một vòng thi phụ nào mà dùng hoàn toàn kết quả thi chung để xét tuyển như ĐH Ngoại Thương, ĐH Quốc gia TP.Hồ Chí Minh, ĐH Hà Nội, Học viện Ngân hàng, ĐH Bách khoa Hà Nội… Thậm chí mới đây, trong hội nghị hiệu trưởng các trường ĐH Y – Dược, lãnh đạo khối trường này cũng đã đi đến thống nhất sử dụng kết quả của kỳ thi quốc gia làm cơ sở để xét tuyển.

Tuy nhiên, để đảm bảo nguồn đầu vào các trường này đã dùng “chiêu” là vòng sơ loại sớm để lọc hồ sơ. Bà Lê Thị Thu Thủy – Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngoại thương cho biết: “Năm nay trường có thêm điều kiện, thí sinh được nộp hồ sơ dự tuyển khi điểm trung bình chung học tập của mỗi năm học THPT phải đạt từ 6,5 trở lên và không nhận hồ sơ của thí sinh tham dự kỳ thi do Sở GDĐT tổ chức tại địa phương”.

Tương tự, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cũng có vòng sơ loại nhưng chỉ căn cứ vào điểm của các khối thi mà trường dự kiến thi chứ không căn cứ vào điểm trung bình chung. Phương pháp này cũng được ĐH Bách khoa áp dụng khá hiệu quả vào mùa tuyển sinh năm 2014.

Xét tuyển kết hợp điểm thi và học bạ

Trường ĐH Tài Chính – Marketing thì đưa ra 3 tiêu chí để xét tuyển: Thí sinh phải đạt điểm học bạ THPT trên 6,0 và hạnh kiểm xếp loại khá trở lên ở 3 năm học; tốt nghiệp THPT trở lên; tổng điểm theo tổ hợp 3 môn thi của ngành đăng ký xét tuyển phải đạt mức ngưỡng điểm xét tuyển tối thiểu do Bộ GDĐT công bố.

Trong khi đó, các trường tốp dưới lại có xu hướng sử dụng kết hợp kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia với xét tuyển kết quả học bạ THPT. Đây được đánh giá là phương án “an toàn” cho những trường thường xuyên gặp khó khăn trong việc tuyển đủ chỉ tiêu. Cụ thể, ĐH Bình Dương dành 70% chỉ tiêu để xét tuyển theo học bạ. Trong đó, điểm xét tuyển tối thiểu là 16,5 được tính bằng tổng điểm cuối năm các lớp 10, 11, 12 (điểm lớp 12 nhân hệ số 2) của từng môn học tương ứng với khối thi chia 4. Tương tự, ĐH Việt – Hung cũng dành 50% chỉ tiêu xét tuyển học bạ và 50% chỉ tiêu xét tuyển theo kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia.

  Thời điểm này chỉ có duy nhất ĐH Quốc gia Hà Nội là có đề án tuyển sinh riêng hoàn toàn khác. Cụ thể, trường này sẽ tuyển sinh qua các bài thi đánh giá năng lực của thí sinh với 140 câu hỏi trắc nghiệm tổng hợp các môn: Toán, Văn, Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội. Thí sinh phải thi bắt buộc các câu hỏi về toán, văn và được tự chọn 2 lĩnh vực còn lại. Trường này sẽ tổ chức 2 đợt thi vào tháng 4 và tháng 8.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem