Cách bày mâm cúng giao thừa ngoài trời Tết Kỷ Hợi 2019 theo chuẩn cổ truyền

PV Thứ hai, ngày 04/02/2019 07:40 AM (GMT+7)
Mâm cỗ cúng giao thừa ngoài trời thường được các gia chủ bày biện, sắp lễ ngay thời điểm chuyển giao năm cũ sang năm mới Kỷ Hợi 2019. Cách bày mâm cúng giao thừa, làm lễ cúng giao thừa ngoài trời theo đúng chuẩn cổ truyền được thực hiện thế nào?
Bình luận 0

Ý nghĩa cúng giao thừa

Lễ cúng giao thừa (lễ trừ tịch) được các gia đình thực hiện vào đêm 30 tháng Chạp hàng năm. Theo quan niệm, đây là thời điểm tiễn các vị hành khiển năm cũ và đón vị hành khiển năm mới.

Mỗi năm có một vị, sau 12 năm thì các vị Hành khiển sẽ luân phiên trở lại. Mười hai vị Hành khiển và Phán quan gồm:

Năm Tý: Chu Vương Hành Khiển, Thiên Ôn Hành Binh chi Thần, Lý Tào Phán quan.

Năm Sửu: Triệu Vương Hành Khiển, Tam thập lục phương Hành Binh chi Thần, Khúc Tào Phán quan.

Năm Dần: Ngụy Vương Hành Khiển, Mộc Tinh chi Thần, Tiêu Tào Phán quan.

Năm Mão: Trịnh Vương Hành Khiển, Thạch Tinh chi Thần, Liêu Tào Phán quan.

Năm Thìn: Sở Vương Hành Khiển, Hỏa Tinh chi Thần, Biểu Tào Phán quan.

Năm Tỵ: Ngô Vương Hành Khiển, Thiên Hải chi Thần, Hứa Tào Phán quan.

Năm Ngọ: Tấn Vương Hành Khiển, Thiên Hao chi Thần, Nhân Tào Phán quan.

Năm Mùi: Tống Vương Hành Khiển, Ngũ Đạo chi Thần, Lâm Tào Phán quan.

Năm Thân: Tề Vương Hành Khiển, Ngũ Miếu chi Thần, Tống Tào Phán quan.

Năm Dậu: Lỗ Vương Hành Khiển, Ngũ Nhạc chi Thần, Cự Tào Phán quan.

Năm Tuất: Việt Vương Hành Khiển, Thiên Bá chi Thần, Thành Tào Phán quan.

Năm Hợi: Lưu Vương Hành Khiển, Ngũ Ôn chi Thần, Nguyễn Tào Phán quan.

img

Cúng giao thừa ngoài trời để tiễn vị Hành khiển năm cũ, đón vị Hành khiển năm mới. Ảnh IT.

Cách bày mâm cúng giao thừa ngoài trời Kỷ Hợi 2019

Theo nhà nghiên cứu phong thủy Kiều Hữu Thọ, gia chủ có thể bày biện mâm cỗ cúng giao thừa là cỗ mặn hay cỗ chay. Tùy theo vùng miền có thể có những món đồ lễ khác nhau để tiễn các vị quan Hành khiển năm cũ và đón vị năm mới.

Mâm lễ cúng giao thừa ngoài trời là cỗ mặn thường bao gồm thủ lợn hoặc gà trống tơ luộc, bánh chưng, đèn nến, vàng mã, hoa tươi, trầu cau, rượu và trà. Hoặc có thể biện một cặp bánh chưng, khoanh giò, gà trống tơ luộc, đĩa xôi gấc, bát canh. 

Theo các chuyên gia, cần lưu ý đến gà cúng. Nên chọn gà trống choai, mới tập gáy, khỏe mạnh, có mỏ vàng, mào cờ, chân vàng và đặc biệt là phải chưa từng đạp mái.

Ví dụ như ở khu vực miền Bắc, mâm cỗ thường tính theo bát, đĩa: 4 bát, 4 đĩa, cỗ lớn thì 6 bát, 6 đĩa hoặc 8 bát, 8 đĩa…

Bát gồm: Bát móng giò hầm măng lưỡi lợn, bát bóng nấu thập cẩm, bát miến nấu lòng gà, bát mọc.

Đĩa gồm: Đĩa xôi/bánh chưng, đĩa thịt gà luộc, đĩa thịt đông, đĩa giò lụa, đĩa giò xào, thêm đĩa nộm và đĩa dưa hành muối. 

Tùy theo hoàn cảnh gia chủ để bày biện mâm cỗ cúng giao thừa ngoài trời cho phù hợp. 


img

Tùy theo hoàn cảnh, mỗi gia chủ có thể bày lễ trên mâm cúng giao thừa ngoài trời cho phù hợp. IT

Thời gian và hướng cúng giao thừa ngoài trời Kỷ Hợi 2019

Mâm cỗ cúng thường được gia chủ đặt ở giữa sân. Ngày nay, nhiều gia đình ở chung cư có thể bày biện mâm cúng ngoài cửa chính, ban công rộng, sạch hoặc làm trên sân thượng. 

Sau đó, đặt mâm lễ theo hướng Bắc hoặc hướng Đông tùy theo từng gia đình. Trong đó, hướng Bắc để cúng Thượng Đế, hướng Đông để cúng Thiên Tử.

Theo phong tục truyền thống, trong lễ cúng giao thừa gia chủ phải chuẩn bị muối và rượu. Muối này được dùng để rắc xung quanh nhà và rót rượu để trừ tà ma.

Lễ cúng Giao thừa được tiến hành vào giờ Chính Tý, tức đúng 0h đêm hôm 30 tháng Chạp.

img

Lễ cúng giao thừa ngoài trời thường được tiến hành lúc 0h00 ngày 30 tháng Chạp. IT

Bài văn khấn cúng Giao thừa ngoài trời theo Văn khấn cổ truyền Việt Nam

“Nam mô a di Đà Phật!

Nam mô a di Đà Phật!

Nam mô a di Đà Phật!

Con lạy chín phương trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương.

Con kính lạy Đức Đương lai hạ sinh Di Lặc Tôn Phật.

Con kính lạy Hoàng Thiên, Hậu Thổ chư vị Tôn thần.

Con kính lạy Đương niên Thiên quan Lưu vương Hành khiển, Ngũ Ôn hành binh chi thần, Nguyễn Tào phán quan năm Kỷ Hợi 2019 (năm nào khấn danh vị của Hành khiển ấy), các ngài Ngũ phương, Ngũ thổ, Long Mạch, Táo quân, chư vị Tôn thần.

Nay là phút Giao thừa năm Kỷ Hợi.

Tín chủ Chúng con là:……………………………………………

Ngụ tại:……………………………………

Giao thừa chuyển năm

Năm cũ qua đi

Năm mới đã đến

Tam dương khai thái

Vạn tượng canh tân.

Ngài Thái Tuế Tôn thần trên vâng lệnh Thượng đế giám sát vạn dân, dưới bảo hộ sinh linh, tảo trừ yêu nghiệt.

Quan cũ về triều cửa khuyết, lưu phúc lưu ân. Quan mới xuống thay, thể đức hiếu sinh, ban tài tiếp lộc. Nhân ngày đầu xuân, tín chủ chúng con thành tâm sắm sửa hương hoa, phẩm vật dân lên trước án, cúng dân Phật thánh, dâng hiến Tôn thần, đốt nén hương thơm, thành tâm bái thỉnh.

Chúng con kính mời: Ngài Cựu niên đương cai, ngài Tân niên đương cai Thái tuế chí đức Tôn thần; ngài Bản cảnh Thành hoàng chư vị Đại vương, ngài Bản xứ Thần linh Thổ địa, Phúc đức chính thần, các ngài Ngũ phương, Ngũ Thổ, Long Mạch, Tài thần, các vị Bản gia Táo quân và các chư vị Thần linh cai quản ở trong xứ này. Cúi xin các vị giáng lâm trước án, thụ hưởng lễ vật, phù hộ cho gia đình chúng con luôn luôn mạnh khỏe, mọi sự bình an, vạn sự tốt lành, gia đình luôn hòa thuận, làm ăn phát đạt.

Chúng con lễ bạc tâm thành, cúi xin chứng giám phù hộ độ trì.

Nam mô a di Đà Phật!

Nam mô a di Đà Phật!

Nam mô a di Đà Phật!”

* Bài viết Cách bày mâm cúng giao thừa ngoài trời Tết Kỷ Hợi 2019 mang tính chất tham khảo.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem