Nguồn gốc xuất xứ của cam xoàn
Cam xoàn là loại cam có nguồn gốc xuất xứ từ một số tỉnh miền Tây Nam Bộ như An Giang, Tiền Giang, Hậu Giang, Bến Tre và Vĩnh Long. Trong đó, huyện Trà Ôn (tỉnh Vĩnh Long) và huyện Long Mỹ (tỉnh Hậu Giang) là hai trong những địa phương trồng nhiều giống cam này.
Hiện nay, diện tích trồng cam xoàn ở Trà Ôn đạt trên 30 ha, tập trung ở xã Thiện Mỹ, Tân Mỹ, Thới Hòa, Vĩnh Xuân. Còn tại huyện Long Mỹ có khoảng 100 ha cam xoàn, trong đó trên 50 ha đang cho trái, tập trung nhiều nhất tại 2 xã Long Trị và Long Trị A.
Cam xoàn chính gốc luôn có dấu tròn như hình đồng xu ở dưới đáy quả.
Cách chọn cam xoàn Việt chuẩn
Cam xoàn là cây cùng một họ với cam mật, dễ trồng hơn cam sành. Loại cam này được nhiều người yêu thích vì có vị ngọt đậm rất dễ ăn, đặc biệt tốt cho người già, trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai. Cây cam xoàn cũng cho trái sai quanh năm. Tuy nhiên hiện nay trên thị trường đã xuất hiện loại cam xoàn Trung Quốc vỏ bóng đẹp nhưng vị chua. Để phân biệt cam xoàn Việt Nam và cam xoàn Trung Quốc, bạn cần nhận biết những đặc điểm sau để mua được những quả cam xoàn chính gốc:
- Cam xoàn Việt ngon có vỏ bóng, hơi rám.
- Tuy hơi xấu mã nhưng cam xoàn Việt có ruột vàng, ít hạt, vị ngọt thanh, vỏ mỏng và quả mọng nước.
- Dưới đáy quả có màu vàng hoặc xen kẽ vàng – xanh và luôn có dấu tròn như đồng xu và hơi lõm, hình dáng quả cân đối.
- Khi chọn bạn nên chọn quả càng nhỏ thì vị càng ngọt thanh, có mùi thơm nhẹ, chắc múi so với các loại cam sành, cam mật.
- Nên chọn quả cuống, lá, cành xanh tươi không héo là cam mới thu hoạch.
- Mỗi quả cam xoàn có trọng lượng trung bình từ 250-300 gram.
Tùy địa phương mà cam xoàn có giá cả khác nhau nhưng thường dao động từ 55.000-80.000 đồng/kg.
Cách bảo quản
Cam xoàn là loại dễ bảo quản. Nếu để nhiệt độ thường ở nơi khô mát có thể để được 2 tuần. Trong điều kiện công nghiệp để được 2 tháng. Tuy nhiên khi cam chín sẽ bắt đầu chuyển chua, giảm ngọt vì thế nên được sử dụng trong vòng 3 ngày là ngon nhất.
Tùng Anh (Báo Gia đình & Xã hội)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.