Cách duy nhất để Mỹ vô hiệu hóa tên lửa cực mạnh Triều Tiên

Phương Đăng (theo Washington Post) Thứ sáu, ngày 01/12/2017 18:55 PM (GMT+7)
Triều Tiên vừa phóng tên lửa đạn đạo Hwasong-15 mạnh nhất từ trước tới nay để chứng minh rằng, nước này có khả năng đánh bất cứ mục tiêu nào bên trong lục địa Mỹ. Vụ phóng đặt ra câu hỏi liệu Washington có đủ sức vô hiệu hóa tên lửa mới cực mạnh của Triều Tiên?
Bình luận 0

img

Tên lửa Hwasong-15 của Triều Tiên rời bệ phóng.

Rạng sáng 29.11, Triều Tiên đã phóng một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có khả năng vươn tới lục địa Mỹ được gọi là Hwasong-15, có nghĩa là "sao Hỏa" theo tiếng Triều Tiên. 

Hwasong-15 bay trong không trung 50 phút trước khi rơi xuống biển Nhật Bản, lâu hơn 8 phút so với các vụ phóng trước đó của Triều Tiên. Các nhà phân tích tin rằng, tầm bắn của Hwasong-15 lên tới 13.000 km, đủ sức đánh bất cứ mục tiêu nào bên trong lục địa Mỹ. 

Phân tích những bức ảnh Triều Tiên công bố về Hwasong-15, giới phân tích nhận định, tên lửa của Triều Tiên có nhiều điểm mới so với những phiên bản trước.

Một là, Triều Tiên tiết lộ xe phóng tên lửa - phương tiện được sử dụng để vận chuyển tên lửa - có thêm 1 trục so với phiên bản trước. Các nhà phân tích tin rằng, đây là xe tải Trung Quốc được cải tiến.

Hai là phần mũi của tên lửa dầy hơn các phiên bản trước, cho thấy, tên lửa được thiết kế để bay chậm lại và bảo vệ đầu đạn. 

Ba là, tên lửa có khả năng mang một tải trọng nhỏ, cho phép nó bay xa hơn. Nếu mang theo tải trọng tiêu chuẩn, tên lửa có thể vươn tới Seattle.

Bốn là, Hwasong-15 có thể được trang bị thêm 2 động cơ giúp tên lửa bay cao hơn.

Nhìn chung, vụ phóng được cho là đánh dấu một bước tiến quan trọng trong sự phát triển tên lửa của Triều Tiên.

Sau vụ phóng, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gọi điện cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để thảo luận về vấn đề Triều Tiên và tuyên bố sẽ áp dụng thêm các biện pháp trừng phạt đối với Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, Triều Tiên đã thách thức tất các biện pháp trừng phạt trước đó và tiến hành 20 vụ thử tên lửa trong năm nay. 

Hôm qua (30.11), một ngày sau vụ phóng tên lửa Hwasong-15, Tổng thống Trump chỉ trích đặc phái viên Trung Quốc tại Triều Tiên "không có bất cứ ảnh hưởng gì đối với Người đàn ông tên lửa (nhà lãnh đạo Kim Jong-un)". Ông tuyên bố sẽ xử lý việc này. 

Trong khi các chuyên gia Triều Tiên cảnh báo, bất cứ lựa chọn quân sự nào cũng sẽ gây ra thương vong rất lớn, khó có thể lường trước được, một câu hỏi đặt ra là liệu Washington có đủ sức vô hiệu hóa tên lửa mới cực mạnh của Triều Tiên?  

Theo Washington Post, Mỹ có một vài lựa chọn, nhưng cách hiệu quả hơn cả vẫn là dựa vào Hệ thống phòng thủ giai đoạn giữa trên mặt đất (GMD).

img

Hệ thống phòng thủ tên lửa GMD của Mỹ. Nguồn: National Interest

Ông Trump từng tuyên bố rằng, hệ thống có thể loại bỏ một tên lửa đạn đạo liên lục địa với tỷ lệ thành công là 97%. Tuy nhiên, trong khi thử nghiệm hệ thống này, Lầu Năm góc đã phải thừa nhận rằng, GMD chỉ có khả năng phòng thủ rất hạn chế. Trước lần bắn rơi được một tên lửa đạn đạo liên lục địa mô phỏng trên Thái Bình Dương trong năm nay, GMD đã thất bại trong 17 lần thử nghiệm trước đó. 

Người đứng đầu cơ quan phòng thủ tên lửa Mỹ cho biết, vụ thử nghiệm khả năng đánh chặn của GMD trên Thái Bình Dương đã chứng minh rằng, hệ thống đã làm việc hiệu quả trong một cuộc kiểm tra thực tiễn. Các tướng lĩnh Mỹ khẳng định GMD vẫn đang phát triển theo quá trình hình thành của mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo Triều Tiên và tuyên bố đây sẽ là lá chắn hữu hiệu nhất bảo vệ nước Mỹ trước bất cứ vụ tấn công bằng tên lửa đạn đạo nào.

Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn nghi ngờ về khả năng của GMD và nhấn mạnh rằng, vụ thử nghiệm đã diễn ra trong một môi trường có kiểm soát. 

Theo cấu hình, Hệ thống phòng thủ giai đoạn giữa trên mặt đất (GMD) là hệ thống bệ phóng tên lửa cố định, các tên lửa phòng không có nhiệm vụ đánh chặn các tên lửa đạn đạo trong vũ trụ. Các bệ phóng tên lửa được lắp đặt trong các hầm ngầm, khi phóng đạn, tên lửa đẩy đạt vận tốc 10 km/s mang theo đầu đạn nặng 64 kg có khả năng cơ động rất cao và tấn công theo phương pháp sử dụng động năng va chạm "Kamikaze". Đầu đạn có nhiệm vụ tiêu diệt các tên lửa đạn đạo khi tên lửa bay ở giai đoạn giữa của quỹ đạo tên lửa.

Hệ thống phòng thủ tên lửa bao gồm có các thành phần cơ bản như sau: GBI (Ground-based interseptor) là Thiết bị bay và đầu đạn đánh chặn Raytheon; tên lửa đẩy mang thiết bị bay đánh chặn và đầu đạn đánh chặn bằng va chạm, được phóng lên từ những hầm phóng dưới mặt đất (Hệ thống GBI - Peace Sayent). Trung tâm chỉ huy, điều hành tác chiến, kiểm soát phóng đạn và liên kết phối hơp (BMC3), bao gồm có hệ thống BMC2 và hệ thống liên kết truyền thống đầu đạn đánh chặn (IFCS).

Radar cảnh báo sớm bao gồm cả các radar trên các tầu trinh sát, cảnh giới (UEWR). Hệ thống cung cấp thông tin tình báo trên các vệ tinh trinh sát quân sự (SBIRS).

GMD hiện sở hữu 36 tên lửa đánh chặn, trong đó 32 quả đặt ở căn cứ Greely, Alaska, 4 quả còn lại bảo vệ căn cứ không quân Vandenberg, California. Lầu Năm Góc dự kiến tăng số lượng tổ hợp đánh chặn của GMD lên 44 vào cuối năm nay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem