Cách ly người về từ vùng dịch Covid-19, dân lo lắng không về được quê ăn Tết
Cách ly người về từ vùng dịch Covid-19, dân lo lắng không về được quê ăn Tết
Diệu Linh
Thứ năm, ngày 04/02/2021 17:22 PM (GMT+7)
Hàng chục tỉnh, thành phố đã có quyết định cách ly người về từ vùng dịch Covid-19, điều này khiến nhiều người dân lo lắng, sợ khó tìm được đường về quê ăn Tết.
Nghe tin Thanh Hóa cách ly người về từ vùng dịch, anh Nguyễn Trung đang sống ở Hà Nội quê ở Thanh Hóa lo lắng: "Tôi sống ở huyện Mê Linh, cũng xa xã Chiến Thắng nơi có ca bệnh Covid-19, nhưng đầu tháng 1/2021 tôi cũng có vài lần đi qua đó.
Do đó, tôi rất lo lắng về việc đưa vợ con về quê ăn Tết nhưng chưa về đến nhà thì đã bị "bế" đi cách ly. Hơn nữa cách ly quá dài tới 21 ngày thì tôi không chỉ mất Tết mà còn có nguy cơ mất khách hàng, mất việc khi vắng mặt lâu như vậy. Mà không về thì tôi lại áy náy, lo lắng cha mẹ ăn Tết một mình. Ông bà cũng đã già lắm rồi…".
Về việc ai sẽ phải cách ly khi về Thanh Hóa trong dịp Tết Nguyên đán này, trước đó, ông Trịnh Hữu Hùng, Giám đốc Sở Y tế Thanh Hóa giải thích, không phải ai cứ về từ Hà Nội, Hải Dương, Quảng Ninh cũng phải cách ly tập trung.
"Chỉ những người từ các điểm dịch mà Bộ Y tế thông báo (52 điểm) mà tiếp xúc với bệnh nhân Covid-19 về Thanh Hóa thì phải cách ly y tế tại các khu cách ly tập trung. Những người ở những vùng có dịch như Chí Linh (Hải Dương) phải khai báo y tế và cách ly tại nhà 14 ngày. Còn những người ở những tỉnh khác về đến Thanh Hóa phải liên hệ với cán bộ y tế khai báo y tế", ông Hùng cho biết.
Theo ông Hùng, Thanh Hóa sẽ thành lập các chốt kiểm soát tại 4 cửa ngõ vào tỉnh. Ở đó sẽ có cán bộ y tế sẽ căn cứ vào dịch tễ của từng người để có hướng dẫn, tư vấn cụ thể, không phải bất kể ai đi về từ Hà Nội hay tỉnh thành có dịch đều bắt buộc phải cách ly.
Ngoài Thanh Hóa, Hải Phòng, Nghệ An, Bắc Giang... đều có các quyết định tương tự, quy định các đối tượng cần cách ly, khai báo y tế khi về từ các tỉnh, thành phố khác, đặc biệt là các vùng có dịch.
Chỉ người về từ vùng dịch Covid-19 mới phải cách ly tập trung
Về quy định cách ly tập trung đối với người từ vùng dịch về, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cấp cao Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (Bộ Y tế) cho biết, điều này đã có quy định rõ ràng.
"Người từ vùng dịch về các địa phương sẽ bị cách ly y tế tập trung 21 ngày. Vùng có dịch được định nghĩa là khu vực được cơ quan có thẩm quyền xác định có dịch. Hiện nay, khu vực có vùng dịch đã được phong tỏa nghiêm ngặt, có chốt chặn, rào chắn cấm người qua lại", PGS Phu cho biết.
Ông Phu cũng khẳng định, hiện nay căn cứ vào tình hình dịch nên chưa cấm việc người dân Hà Nội không nằm trong vùng dịch đi các nơi, điều đó đồng nghĩa không phải cứ người ở Hà Nội đi về các địa phương là phải thực hiện biện pháp cách ly y tế (cách ly tập trung, cách ly tại nhà) trong 21 ngày.
"Chỉ những người từ vùng dịch, ổ dịch về mới phải cách ly tập trung, còn ngoài phạm vi các ổ dịch thì không cấm đi lại, không bắt cách ly tập trung. Dịch còn kéo dài, không thể "ngăn sông cấm chợ", cản trở cuộc sống sinh hoạt của người dân. Chúng ta phải khoanh vùng chặt nhưng nơi có dịch, còn lại phải tạo điều kiện cho người dân sinh hoạt. Thay cho việc đóng cửa, nên nỗ lực nhanh chóng trong khoanh vùng, truy vết để dập dịch", PGS Phu nói.
Tuy nhiên, PGS Phu cũng khuyến cáo, người dân ở các tỉnh nói chúng đều phải thực hiện các biện pháp phòng bệnh. Cụ thể, không đi lại những chỗ không cần thiết, có thể di chuyển bằng phương tiện xe riêng hoặc thuê xe là tốt nhất. Nếu đi bằng các phương tiện công cộng thì phải chấp hành theo quy định của đơn vị vận chuyển (nhà xe, hãng hàng không, bến tàu…) như ngồi giãn cách, đeo khẩu trang, thường xuyên khử khuẩn…
"Người dân khi về quê ăn Tết cũng cần tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng chống dịch như không đến chỗ không cần thiết, tránh tiếp xúc đông người, đeo khẩu trang, khử khuẩn… Hiện nay nguy cơ dịch lây lan trong cộng đồng rất lớn chứ không chỉ từ các ổ dịch đã được phát hiện. Do đó, người dân phải tuân thủ tuyệt đối nhưng quy định về phòng dịch, bảo vệ mình và người thân, đón cái Tết an toàn", PGS Phu khuyến cáo thêm.
Cả nước hiện có hơn 50 điểm được coi là vùng dịch (danh sách này có thể thay đổi theo sự biến động của dịch) và quy mô khác nhau có thể là nhà hàng, có thể là khu phố, có thể là xã phường hoặc lớn hơn là thành phố như Chí Linh, Hạ Long... Các điểm được coi và vùng dịch đa số thuộc Hải Dương, sau đó đến Quảng Ninh.
Còn Hà Nội có 10 điểm thuộc các xã Tiến Thắng (huyện Mê Linh); phường Quan Hoa, phường Dịch Vọng, phường Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy); phường Xuân Phương, phường Mỹ Đình 2 (quận Nam Từ Liêm); xã Uy Nỗ, thị trấn Đông Anh (huyện Đông Anh); phường Phú Diễn (quận Bắc Từ Liêm); phường Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng)...
Tại Gia Lai có 4 điểm thuộc các xã La Trok, Ia Mrơn, Kim Tân, Chư Rcăm thuộc hai huyện La Pa, Krông Pa. Hòa Bình có điểm thuộc xã Đồng Tiến (TP Hòa Bình) và xã Mãn Đức (huyện Tân Lạc); TP HCM có điểm thuộc phường 4, quận 11 (TP HCM); phường Phú Hòa (TP Thủ Dầu Một); Tại Bắc Ninh có điểm thuộc xã Lâm Thao (huyện Lương Tài); Bắc Giang có điểm thuộc xã Cẩm Lý (huyện Lục Nam); Bình Dương có điểm thuộc xã An Bình (huyện Phú Giáo)…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.