Cải cách đằng trời

Thứ tư, ngày 15/06/2011 16:21 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Chỉ kiểm tra văn bằng của cán bộ thuộc 2 huyện Thoại Sơn và An Phú của tỉnh An Giang, đã phát hiện có gần 100 người sử dụng bằng giả. Giả bằng gì? Xin lưu ý đó là bằng tốt nghiệp hệ bổ túc trung học.
Bình luận 0

Đây chẳng phải là thông tin mới mẻ, ở các tỉnh thuộc khu vực ĐBSCL như Long An, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau, Cần Thơ đã từng phát hiện hàng trăm cán bộ sử dụng bằng giả.

Điển hình như vụ rà soát hồ sơ cán bộ dự kiến cơ cấu vào cấp ủy Đảng của tỉnh Long An năm trước, phát hiện 90 trường hợp cán bộ chủ chốt sử dụng bằng giả. Ở Cà Mau, Bạc Liêu, người sử dụng bằng giả là giáo viên, cán bộ làm việc trong các cơ quan tố tụng như viện kiểm sát, tòa án. Có người là thẩm phán, có quyền sinh sát sinh mệnh, tài sản của công dân bằng phán quyết của mình.

Dư luận chỉ quan tâm đến bằng giả, nhưng ít ai chú ý tới một điểm, đó là bằng tốt nghiệp bổ túc trung học. Có nghĩa là những người này học trung học chính quy không nổi, chuyển qua học bổ túc cũng không xong, đi thi đường đường chính chính không qua nổi kỳ thi nên phải mua bằng.

Với những người có năng lực trí tuệ hạn chế như vậy, lại làm lãnh đạo, làm thầy, làm người chấp pháp thì đúng là quá nguy cho đất nước. Thế nhưng, số người bị phát hiện chỉ mới một phần, còn nhiều người đã thoát được, đã luồn sâu trèo cao lên những chức vụ khác, mua được bằng cấp, học vị cao hơn.

Nếu như công tâm truy xét đến cùng hồ sơ của cán bộ của cả nước, thì chắc sẽ phát hiện nhiều hơn các loại bằng giả, từ bổ túc trở lên. Tất nhiên, các loại bằng cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ thì thật, nhưng học thì giả.

Cái đau của đất nước không chỉ là chỗ cán bộ sử dụng bằng giả, mà ở chỗ có nhiều người học cao, hiểu rộng, tài đức nhưng không có cơ hội nắm giữ chức vụ trong chính quyền. Nhiều vấn đề tồn tại ở phường xã thuộc các địa phương vùng nông thôn nguyên nhân là do cán bộ yếu năng lực.

Án oan sai, án tồn đọng, thưa kiện vượt cấp nhiều cũng vì còn những cán bộ thiếu khả năng xử lý hoặc giải quyết. Dân tôn trọng và tin tưởng chính quyền nhưng coi thường và không thể tin được một số cán bộ ở trong từng cơ quan nhà nước ở một số địa phương.

Nhiều ý kiến cho rằng, công cuộc cải cách hành chính chưa mang lại hiểu quả như mong muốn vì những bất cập về mặt cơ chế, chính sách, quy định, thủ tục… Nhưng trên thực tế, cản trở lớn nhất của việc cải cách hành chính là con người trong chính quyền. Với một đội ngũ cán bộ sử dụng bằng giả lên đến hàng trăm chỉ ở hai huyện thì cải cách gì cũng không thể thay đổi được chất lượng của cơ quan nhà nước.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem