Cái chết bí ẩn của ái phi vua Phổ Nghi nhà Thanh

Thanh Xuân Thứ năm, ngày 14/11/2019 18:32 PM (GMT+7)
Phổ Nghi (7/2/1906 –17/10/1967) là Hoàng đế cuối cùng của triều đại Mãn Thanh nói riêng và toàn bộ chế độ quân chủ trong lịch sử Trung Quốc nói chung. Trong số 5 đời vợ của Phổ Nghi, Đàm Ngọc Linh là người duy nhất được ông coi là ý trung nhân, là tri kỉ. Nhưng Đàm Ngọc Linh lại chết trẻ, khi mới 22 tuổi. Và nguyên nhân cái chết của nàng, cho đến giờ vẫn là một bí ẩn lớn không có lời giải đáp chính xác.
Bình luận 0

5 người vợ của Hoàng đế Phổ Nghi

Cuộc đời của Phổ Nghi từ lúc được Từ Hi Thái Hậu chọn lên ngôi Hoàng đế Đại Thanh khi mới hơn 2 tuổi, rồi liên tiếp sắm vai vua bù nhìn thời Viên Thế Khải (sau Cách Mạng Tân Hợi), giai đoạn Quốc Trưởng Mãn Châu Quốc (do Nhật Bản dựng lên) đến lúc bị Hồng quân Liên Xô bắt giam sau Thế Chiến thứ hai, bị ép hồi hương năm 1950, trải qua 10 năm trong trại cải tạo ở Liêu Ninh thời Mao Trạch Đông cho đến lúc qua đời năm 1967 tại Bắc Kinh, là một hành trình dài với nhiều biến cố và tủi nhục.

img

Đàm Ngọc Linh – người vợ Phổ Nghi yêu thương và trân trọng nhất nhưng lại chết trẻ.

Cả đời Phổ Nghi có 5 người vợ. Người vợ đầu là Uyển Dung, cưới năm 1922, trở thành Hoàng hậu Mãn Châu khi Phổ Nghi được đế quốc dựng lên làm Hoàng đế Mãn Châu Quốc năm 1934. Uyển Dung bị phát hiện ngoại tình thậm chí có con riêng với tài xế của Phổ Nghi. Vì sự vụ này mà Uyển Dung bị tống giam. Năm 1945, bà ra tù nhưng qua đời sau đó chỉ 1 năm vì bệnh tật và cơn đói thuốc phiện.

Người vợ thứ hai của Phổ Nghi là Văn Tú. Năm 1922, Văn Tú được chọn làm Phi cho Phổ Nghi (Thục Phi). 9 năm sau, 1931, Văn Tú gắn liền với một trong những scandal vô tiền khoáng hậu trong lịch sử các triều đại quân chủ Trung Quốc khi bà đơn phương yêu cầu được… ly hôn với Phổ Nghi. Để giữ thể diện hoàng thất, ngay sau ngày ký đơn ly hôn, Phổ Nghi ra "chỉ dụ" với nội dung phế bỏ Thục phi Văn Tú làm thứ dân. Bà trở thành giáo viên tiểu học rồi tái giá với Lưu Chấn Đông, một thiếu tá trong quân đội Quốc dân đảng.

Người vợ thứ ba của Phổ Nghi là Đàm Ngọc Linh. Năm 1937, Đàm Ngọc Linh được tuyển làm Phi tần cho Phổ Nghi – hiệu Tường quý Nhân. Nhưng Ngọc Linh chỉ ở với Phổ Nghi được 5 năm thì qua đời, khi mới 22 tuổi. Một năm sau khi Ngọc Linh mất, Lý Ngọc Cầm được nạp làm Phi thế chỗ, trở thành người vợ thứ 4 của Phổ Nghi. Năm 1958, bà ly hôn với phổ Nghi và tái giá với một kỹ thuật viên tên Hoàng Dục Canh và có với ông này 2 người con trai.

Người vợ cuối cùng của Phổ Nghi là Lý Thục Hiền, gốc Hán, quê Hàng Châu, mồ côi cha mẹ từ nhỏ. Bà kết hôn với Phổ Nghi năm 1962, là kế thất của Phổ Nghi, cũng là người phụ nữ ở bên cạnh Phổ Nghi những năm cuối đời của vị Hoàng đế này. Vào những năm đầu thập niên 80, Lý Thục Hiền trở nên giàu có nhờ vào việc cho xuất bản hồi ký của bà về những tháng năm cuối cùng của mình với Phổ Nghi.

img

5 đời vợ của Phổ Nghi – Hoàng đế Trung Quốc cuối cùng.

Đàm Ngọc Linh – ý trung nhân của Phổ Nghi

Đàm Ngọc Linh được sinh ra trong một gia đình Mãn Châu ở Bắc Kinh. Gia tộc của bà tên Tha Tha Lạp thị, nhưng bà đã cải sang họ Đàm - một họ gốc Hán phổ biến, làm vậy là để tránh gặp rắc rối vì các phong trào chống Mãn Thanh dâng cao sau khi nhà Thanh bị lật đổ năm 1911.

Đầu năm 1937, khi Ngọc Linh còn đang học trung học tại Bắc Kinh, được chọn để phối ngẫu với Phổ Nghi và được đưa đến Trường Xuân, thủ đô của Mãn Châu Quốc. Ngày 6 tháng 4 (tức ngày 25 tháng 2 âm lịch) cùng năm, bà thành thân với Phổ Nghi tại Cung điện Trường Xuân và được ban hiệu Tường Quý nhân. Ngọc Linh trở nên rất gần gũi với Phổ Nghi sau đám cưới, vô cùng tâm đầu ý hợp. Trong tất cả các đời vợ của Phổ Nghi, Ngọc Linh là người mà ông yêu thương và trân trọng nhất.

Ngày 14 tháng 8 năm 1942, Đàm Ngọc Linh qua đời chỉ mới 22 tuổi, khi đang được chữa bệnh nhiễm trùng đường tiểu. Đau lòng vì người thương ra đi khi còn trẻ, Phổ Nghi đã ban cho bà thụy hiệu Minh Hiền Quý phi và tổ chức đám tang tại Bàn Nhược Tự ở Trường Xuân. Bà là hậu phi duy nhất trong số tổng 5 đời vợ của Phổ Nghi từng được hưởng lễ truy tặng thụy hiệu cũng như cử hành lễ tang chính thức.

Sau sự sụp đổ của Mãn Châu Quốc năm 1945 khi Nhật Bản đầu hàng vào cuối Thế Chiến II, Phổ Nghi yêu cầu hài cốt của bà được hỏa táng và gửi về cho người thân tại Bắc Kinh. Phổ Nghi trước sau luôn yêu thương nhung nhớ Đàm Ngọc Linh rất nhiều và luôn giữ bên mình tấm ảnh của bà cho đến khi ông mất. Năm 2006, ngày 2 tháng 9, bà được an táng cùng phổ Nghi ở Hoa Long hoàng gia lăng viên thuộc Thanh Tây lăng.

img

Vua Phổ Nghi & ý trung nhân Đàm Ngọc Linh.

Cái chết bí ẩn của người phụ nữ được Phổ Nghi yêu thương nhất

Ngọc Linh là hình mẫu phụ nữ hiện đại thời bấy giờ, với kiến thức Tây học và quan điểm chính trị sâu sắc. Theo những ghi chép lúc đó, tình cảm bền chặt giữa Ngọc Linh và Phổ Nghi, đặc biệt tiếng nói của Ngọc Linh đối với vị quân chủ Mãn Châu Quốc rất có trọng lượng khiến người Nhật coi bà là mối đe dọa. Mà Ngọc Linh, trước mặt Phổ Nghi, thì hiếm khi dành những lời lẽ tốt đẹp cho Đế quốc Nhật Bản.

Trung tướng Nhật Bản Yoshioka Yasunori, cũng là một tùy viên của triều đình Mãn Châu Quốc, đã từng yêu cầu Phổ Nghi kết hôn với một phụ nữ người Nhật nhưng ông đã chọn Ngọc Linh. Yoshioka được cho là rất không hài lòng về việc này trong khi Phổ Nghi cũng từ đó mà gia tăng sự đề phòng với “phe Nhật” trong triều đình.

Trở lại với sự kiện Đàm Ngọc Linh mất vào ngày 14 tháng 8/1942 thì “Sốt thương hàn”, “viêm bàng quang”, “nhiễm trùng tiểu đường” là những nguyên nhân được nhắc đến trong cái chết của bà. Nhưng những thời khắc cuối cùng của cuộc đời Ngọc Linh thì liên quan đến một bác sỹ người Nhật có tên Onoji. Và đáng nói, Onoji nhận lệnh điều trị cho Ngọc Linh từ Yoshioka.

Thoạt đầu Ngọc Linh bị sốt và rất khát nước. Một y sĩ Trung Hoa chẩn bệnh và chích chất glucose cho nàng, nhưng bệnh tình của Ngọc Linh không thuyên giảm. Yoshioka quyết định giao nàng cho bác sĩ Nhật Bản có tên Onoji điều trị. Thoạt đầu Onoji rất tận tâm săn sóc Ngọc Linh và tình trạng của nàng tiến triển khá tốt.

img

Cái chết của Đàm Ngọc Linh, cho đến giờ vẫn là một bí ẩn không lời giải đáp chính xác.

Nhưng sau một buổi đàm luận rất lâu với Yoshioka, vị bác sĩ trở nên thờ ơ, im lặng và không tiếp tục chích thuốc cho Ngọc Linh nữa. Sáng ngày 14/8/1942 thì Ngọc Linh chết, lúc đó nàng mới 22 tuổi. Ngay buổi sáng khi Phổ Nghi vừa nhận được tin Ngọc Linh qua đời, thì Yoshioka mang vòng hoa tới chia buồn. Sự mau lẹ này khiến Phổ Nghi rất đỗi nghi ngờ, nhưng hành động của Yoshioka sau đó đã làm Phổ Nghi tin chắc người Nhật là chủ mưu giết Ngọc Linh.

Ngay sau đám tang Ngọc Linh, Yoshioka đem đến một xấp hình con gái Nhật và yêu cầu Phổ Nghi chọn một người làm vợ. Phổ Nghi từ chối một hành động vô ý thức như vậy trong lúc những vòng hoa tang trên mộ của Ngọc Linh chưa tàn. Thực ra Phổ Nghi quyết tâm không chịu lấy vợ Nhật vì sợ rằng người vợ ấy sẽ là tai mắt dò thám cho Yoshioka. Phổ Nghi tin rằng Yoshioka - vốn rất ghét Ngọc Linh vì nàng hay than phiền sự lộng quyền của người Nhật tại Mãn Châu – chính là người chủ mưu giết ý trung nhân.

Ngày 19/8/1946, trong phiên tòa xét xử tội ác chiến tranh tại Tokyo mà Phổ Nghi làm nhân chứng, vị quân chủ Trung Quốc cuối cùng đã lên tiếng cáo buộc đích danh Yoshioka đứng sau cái chết của Ngọc Linh. Bản thân Phổ Nghi, cho tới khi nhắm mắt xuôi tay, vẫn giữ nguyên quan điểm này.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem