Cái chết bí ẩn của Tổng thống Philippines Magsaysay năm 1957

Văn Hòa (theo Historia) Thứ sáu, ngày 27/11/2020 20:30 PM (GMT+7)
Vào lúc 1h17’ ngày 17/3/1957, chỉ sau 17 phút cất cánh từ sân bay Lahung trên đảo Cebu, chiếc máy bay loại Douglas C-47 có tên gọi Mt. Pinatubo, trên có chở Tổng thống Philippines Ramon Magsaysay cùng một phái đoàn gồm 25 quan chức cao cấp của chính phủ, nhà báo, bỗng mất tín hiệu liên lạc với đài không lưu sân bay Lahung.
Bình luận 0

Lập tức, lệnh báo động được phát ra cho các đơn vị không quân, quân đội đóng trên đảo Cebu với yêu cầu sử dụng mọi phương tiện để phát hiện dấu vết của chiếc Mt. Pinatubo. Đến 3h 15’, khi các cuộc tìm kiếm không mang lại kết quả, thông tin về vụ mất tích của chiếc Mt. Pinatubo mới được thông báo cho Dinh Malacanang (Phủ Tổng thống) ở thủ đô Manila.

Ngay trong đêm, tướng San Marcellino, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines, ra lệnh triển khai một cuộc tìm kiếm quy mô khắp đảo Cebu với sự hỗ trợ của Không quân và Hải quân Mỹ.

Phải đến giữa trưa ngày 17/3, xác chiếc Mt. Pinatubo mới được phát hiện nằm trên sườn núi Manunggal, cách thành phố Cebu 30km về phía tây bắc. Khó khăn lắm, các toán cứu nạn mới tiếp cận với địa điểm của chiếc máy bay gặp nạn và chỉ cứu được 1 trong số 28 người có mặt trên máy bay còn sống sót và bị thương khá nặng, đó là nhà báo Nestor Mata, phóng viên báo Philippines Herald, tháp tùng chuyến kinh lý của Tổng thống Magsaysay đến miền Nam.

Cái chết bí ẩn của Tổng thống Philippines Magsaysay năm 1957 - Ảnh 1.

Tổng thống Ramon Magsaysay, nạn nhân của vụ tai nạn hàng không hay của một âm mưu loại bỏ ông ra khỏi chính trường?(trái), và Cựu Tổng thống Elpidio Quirino (phải).

Và phải đợi đến chiều cùng ngày, xác của Tổng thống Magsaysay mới được nhận dạng. Khai báo với các nhân viên điều tra, nhiều nhân chứng là dân chúng sống gần địa điểm chiếc máy bay gặp nạn cho biết có nghe một tiếng nổ trước khi máy bay đâm sầm vào sườn núi.

Thông tin chính thức được phát đi từ Dinh Malacanang về vụ tử nạn của Tổng thống Magsaysay đã khiến dân chúng Philippines rúng động. Phó tổng thống Carlos Garcia phải dừng ngay chuyến công du tại Australia để quay về Philippines tiếp tục điều hành đất nước, tổ chức quốc tang và điều tra vụ tai nạn máy bay.

Trong dư luận Philippines bắt đầu râm ran tin đồn Tổng thống Magsaysay là nạn nhân của một âm mưu muốn loại bỏ ông ra khỏi chính trường bằng việc tổ chức phá hoại chiếc Mt. Pinatubo. Ngay cả một số phương tiện thông tin trong và ngoài nước cũng cho rằng đây là một vụ phá hoại.

Tổng thống Ramon del Fierro Magsaysay sinh ngày 31/8/1907 tại thành phố Iba, tỉnh Zambales. Trong thời gian theo học Đại học Philippines ở thủ đô Manila, ông phải làm đủ mọi công việc để mưu sinh và để có tiền học tiếp đại học.

Năm 1932, sau khi tốt nghiệp cả hai ngành cơ khí và thương mại, ông được nhận vào làm việc tại một cửa hàng bán xe hơi. Khi Chiến tranh thế giới lần thứ II bùng nổ, ông gia nhập quân đội để bảo vệ đất nước. Khi quân Nhật chiếm đảo Bataan vào năm 1942, ông trốn thoát không chịu đầu hàng quân Nhật và bỏ vào rừng để thành lập lực lượng kháng chiến.

Trong suốt nhiều năm liền, đội quân kháng chiến của ông Magsaysay đã gây thiệt hại đáng kể cho quân Nhật bằng những trận đánh xuất quỷ nhập thần, vì vậy quân Nhật đã treo giá cao cho bất cứ ai giết chết hay chỉ điểm cho quân Nhật bắt giữ được ông. Đội quân kháng chiến của ông Magsaysay cũng đóng góp đáng kể  vào công cuộc giải phóng Philippines của quân đồng minh vào ngày 29/1/1945.

Trở thành người hùng của dân tộc, năm 1946, ông Magsaysay được bầu làm đại biểu Quốc hội và liền được bổ nhiệm làm Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng của Quốc hội.

Vào năm 1950, khi phong trào du kích Hukbalahap phát triển mạnh mẽ trên đảo Luzon và có nguy cơ lan nhanh đến các địa phương ở miền Nam Philippines, Tổng thống Elpidio Quirino, một đối thủ chính trị, quyết định bổ nhiệm ông Magsaysay vào chức vụ Bộ trưởng Quốc phòng với nhiệm vụ được giao là phải trấn áp và triệt tiêu quân du kích Hukbalahap.

Là một chỉ huy quân sự giỏi, chẳng bao lâu sau, ông Magsaysay đã thuần phục được đội quân du kích này, buộc phải giải giới mà không bắt giam và xử tội các chỉ huy du kích như yêu cầu của Mỹ và cả của Tổng thống Quirino. Hơn thế, một số chỉ huy du kích còn được tuyển dụng làm việc cho quân đội Philippines. Việc làm này đã khiến uy tín của ông Magsaysay tăng cao nhưng cũng làm khó chịu cho Tổng thống Quirino và Mỹ.

Không gây áp lực được đối với ông Magsaysay, Mỹ quay sang ủng hộ Tổng thống Quirino để đánh bại ông Magsaysay trong kỳ bầu cử tổng thống vào năm 1953. Mặc dù vậy ông Magsaysay vẫn thắng áp đảo đối thủ Quirino và trúng cử vào chức vụ Tổng thống Philippines tại kỳ bầu cử tổ chức vào tháng 11/1953.

Trong nhiệm kỳ đầu tiên, Tổng thống Magsaysay đã tiến hành nhiều cải cách quan trọng mang tính sống còn đối với Philippines như làm cuộc cách mạng trồng trọt trong nông nghiệp, mở rộng giao thương quốc tế, tăng cường đối thoại với các quốc gia Đông Nam Á, nâng cao đời sống của dân chúng.

Dưới thời Tổng thống Magsaysay, Dinh Malacanang trở thành "ngôi nhà của người dân", là nơi mà các tầng lớp dân chúng có thể trực tiếp trao đổi, đối thoại với tổng thống và các thành viên chính phủ. Dư luận cho rằng với uy tín rất cao, Tổng thống Magsaysa sẽ dễ dàng được bầu làm tổng thống Philippines thêm một nhiệm kỳ nữa. Vậy mà đến ngày 17/3/1957, Tổng thống Magsaysay đã tử nạn khi đang có chuyến kinh lý đến các tỉnh miền Nam Philippines.

Theo điều tra của nhà chức trách Philippines, chiếc máy bay chở Tổng thống Magsaysay đã đâm vào sườn núi Manunggal vào lúc 1h 17’ ngày 17/3/1957 và gây tử nạn tức thì cho tất cả những người có mặt trên máy bay, chỉ trừ có nhà báo Nestor Mata là bị thương nặng.

Hầu như toàn bộ các cố vấn, những người thân tín của Tổng thống Magsaysay đã tử nạn cùng ông, trong đó phải kể đến nghị sĩ Quốc hội Tomas Calibi, bạn chiến đấu và là người được dự kiến sẽ thay thế cho Tổng thống Magsaysay để lãnh đạo Philippines sau này, Bộ trưởng Giáo dục Gregorio Hernandez, tướng Benito Ebuen, Tổng tham mưu trưởng quân đội.

Nguyên nhân của vụ tai nạn được xác định là chiếc máy bay đã bị thoái hóa phần kim loại ở cánh do máy bay đã sử dụng quá lâu. Chiếc máy bay đã có dấu hiệu hỏng hóc ở phần cánh trái khi cất cánh từ sân bay Lahung, vì vậy chỉ 17 phút sau đã gặp tai nạn khi đâm sầm vào sườn núi Manunggal.

Tuy nhiên, dư luận Philippines lại cho rằng đây là một vụ phá hoại chứ không phải tai nạn vì các nhân chứng dưới mặt đất khai báo là có nghe một tiếng nổ trước khi máy bay đâm vào sườn núi. Ngay cả nhà báo Nestor Mata, người sống sót duy nhất trong vụ tai nạn cũng đã khai rằng chiếc máy bay đã bị nổ ở cánh trái trước khi đâm vào núi.

Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, các khai báo của dân chúng và nhà báo Mata lại không được nhà chức trách lưu ý. Đây là lý do khiến dân chúng Philippines kiến nghị tân Tổng thống Carlos Garcia cho tái điều tra vụ tai nạn của chiếc Mt. Pinatubo khi cho rằng đây là một vụ phá hoại để loại bỏ Tổng thống Magsaysay ra khỏi chính trường hoặc của cựu Tổng thống Elpidio Quirino, đối thủ chính trị đang nhăm nhe chiếc ghế tổng thống của ông Magsaysay trong kỳ bầu cử tổng thống vào tháng 11/1957 hoặc của Mỹ vì Tổng thống Magsaysay muốn tách Philippines ra khỏi ảnh hưởng của Mỹ hoặc là một âm mưu kết hợp giữa Mỹ và Quirino để loại bỏ ông Magsaysay.

Chỉ từ năm 1957 đến năm 1970, đã có ít nhất 4 cuộc điều tra của chính phủ, Quốc hội, đảng Quốc gia (do Tổng thống Magsaysay thành lập vào năm 1953) và của Hiệp hội báo chí Philippines để làm sáng tỏ sự thật về vụ tử nạn bí ẩn của Tổng thống Magsaysay vào năm 1957. Tuy nhiên, với những kết quả điều tra trái ngược nhau nên cho đến nay vụ tử nạn của Tổng thống Magsaysay vẫn còn là một bí ẩn

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem