Cái lợi của kỳ thi chung là rất rõ ràng

Quốc Hải - Thiên Anh (thực hiện) Thứ hai, ngày 04/08/2014 14:32 PM (GMT+7)
“Cái lợi của một kỳ thi chung quốc gia là rất rõ ràng nhưng đó phải là một kỳ thi có chất lượng cao mới phát huy tác dụng tốt”. 
Bình luận 0

GS-TSKH Lâm Quang Thiệp (ảnh), nguyên Vụ trưởng Vụ Đại học, đã đưa ra góc nhìn riêng đối với các phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia đang được Bộ GDĐT lấy ý kiến khi trao đổi với NTNN.

img

 

Hiện phương án thi 8 môn (4 môn tối thiểu, 4 môn bổ sung để xét tuyển ĐH) và phương án 5 bài thi (3 bài thi bắt buộc, 1 bài thi tổng hợp từ khối Khoa học tự nhiên và 1 bài từ khối Khoa học xã hội) là 2 phương án khả thi có thể được chọn cho kỳ thi quốc gia 2015. GS đánh giá thế nào về hai phương án trên?

- Trong 2 phương án trên thì phương án đầu tiên là phương án “bảo thủ” và chưa khoa học. Phương án thứ hai, theo tôi là khá khoa học và tiến bộ, cần lựa chọn và tích cực chuẩn bị thực hiện. Thật ra ở phương án 2 gọi là “bài thi” thì chưa chính xác, nên gọi là đề thi tổng hợp thì đúng hơn.

Đề thi tổng hợp có hai cách xây dựng: Cách kết nối các đề thi đơn môn thông thường và cách tích hợp kiến thức nhiều môn trong một câu hỏi. Cách thứ nhất có thể thực hiện ngay vì không bị ảnh hưởng gì của việc thay đổi chương trình các môn học; cách thứ hai có bị ảnh hưởng phần nào của chương trình. Trong lộ trình sắp tới, chúng ta nên dùng cách thứ nhất trước, khi nào có sự thay đổi chương trình theo hướng tích hợp và thí sinh đã quen thì chuyển dần sang cách thứ hai.

Thưa GS, đề thi tổng hợp nên ra trắc nghiệm hay tự luận thì mới phát huy được hiệu quả của việc đánh giá thí sinh?

- Về việc ra đề thi cho kỳ thi quốc gia theo tôi nên thực hiện theo các nước tiên tiến trên thế giới là sử dụng phương pháp trắc nghiệm. Thực tế đối với các kỳ thi tiêu chuẩn hóa quy mô lớn, phương pháp trắc nghiệm có ưu thế áp đảo so với phương pháp tự luận. Khi xét từng khía cạnh, mỗi phương pháp có ưu nhược điểm khác nhau, nhưng về tổng thể có thể nói: Chất lượng của kỳ thi bằng đề trắc nghiệm phụ thuộc chủ yếu vào đề thi, còn chất lượng của kỳ thi bằng đề tự luận phụ thuộc chủ yếu vào năng lực người chấm.

Đối với đề thi trắc nghiệm, chúng ta có thể tăng chất lượng nhờ quy trình lâu dài hàng năm để xây dựng, thử nghiệm và chỉnh sửa các câu hỏi trong ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm. Trong khi đó tìm đủ người có năng lực để chấm các bài thi tự luận trong thời gian ngắn cho một kỳ thi rất đông thí sinh là điều không thể.

Thế nhưng liệu đề thi trắc nghiệm có đánh giá hết năng lực của thí sinh?

- Với các môn cần đánh giá khả năng diễn đạt hoặc giải quyết vấn đề như ngữ văn và toán, chúng ta có thể thêm một đề tự luận ngắn, giới hạn thí sinh làm trong khoảng 30 phút, trình bày không quá một trang A4. Đề tự luận ngắn buộc thí sinh phải suy nghĩ cẩn thận trước khi viết để nâng cao chất lượng bài làm và cũng tiết kiệm công chấm bài.

Riêng với các bài thi khác thì khi chúng ta dùng phương pháp trắc nghiệm rất dễ ra các đề tổng hợp kiểu kết nối các đề thi đơn môn. Chẳng hạn, đề tổng hợp 3 môn có thể gồm 60 câu hỏi, mỗi môn chỉ cần 20 câu là đủ.

Thưa GS, không ít người nghi ngờ về khả năng đạt được 2 mục đích của kỳ thi quốc gia, nhất là việc sử dụng kết quả kỳ thi để làm căn cứ xét tuyển ĐH-CĐ. Ông đánh giá gì về vấn đề này?

- Chúng ta có thể sử dụng một kỳ thi cho 2 mục tiêu tốt nghiệp phổ thông và tuyển sinh đại học vì bản chất 2 kỳ thi đều là đánh giá thành quả học tập theo chương trình phổ thông. Tuy nhiên, để phục vụ cho việc tuyển sinh đại học, cần mở rộng đối tượng được phép dự thi, chẳng hạn những người đã thi nhưng được điểm thấp muốn nâng điểm để dự tuyển đại học, hoặc những người tự học, không học phổ thông nhưng muốn có điểm để được xác định trình độ và dự tuyển đại học.

Một kỳ thi quốc gia có tính chất như vậy có thể tổ chức nhiều lần trong năm, xem như tạo cơ hội cho thí sinh nâng dần trình độ để được vào đại học. Có các kỳ thi quốc gia như vậy thì các trường đại học không bị sức ép phải lấy thí sinh có trình độ quá yếu.

Nhưng nếu các trường ĐH, CĐ không tin tưởng vào kết quả kỳ thi quốc gia và tự tổ chức tuyển sinh riêng thì liệu chúng ta có quay lại thời kỳ trước đây với một kỳ thi tốt nghiệp và các đợt thi do các trường ĐH, CĐ tự tổ chức, cũng sẽ rất tốn kém cho xã hội?

- Các trường đại học có quyền “tự chủ tuyển sinh” không có nghĩa là họ có quyền tổ chức kỳ thi tuyển sinh, vì tổ chức một kỳ thi tuyển sinh thật sự có chất lượng là rất khó và rất tốn kém, phần lớn các trường đại học không làm được.

Xin cảm ơn ông!

  Các nước tiên tiến đều có tổ dịch vụ thi chung để các trường đại học dựa vào kết quả đó mà tự chủ tuyển sinh cho nên theo tôi thì Bộ GDĐT không nên thả nổi hoàn toàn cho mọi trường đại học quyết định việc tuyển sinh.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem