Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Kỳ thi chung chưa chuẩn sẽ tốn kém gấp nhiều lần

Tùng Anh Thứ ba, ngày 29/07/2014 15:30 PM (GMT+7)
"Nói kỳ thi quốc gia chung giảm tốn kém là chưa chuẩn nếu ta không làm tốt, các trường ĐH CĐ không tin tưởng vào kết quả của kỳ thi mà vẫn phải thi riêng, kiểm tra ngoài để lấy được người học đủ điều kiện thì sẽ gây tốn kém gấp nhiều lần”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.
Bình luận 0

Góp ý cho các phương án về một kỳ thi quốc gia chung được Bộ GD ĐT đưa ra sáng 29.7 tại Hội nghị Tổng kết năm học 2013 – 2014, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng: “Mục đích của 1 kỳ thi chung là giảm tốn kém nhưng nếu chúng ta làm không tốt, các trường ĐH CĐ không tin tưởng vào kết quả này mà vẫn thi riêng để chọn được đúng người thì sẽ gây tốn kém gấp nhiều lần”.

Làm ngay năm 2015 có vội?

 Đánh giá về 3 phương án thi, lãnh đạo nhiều Sở GD ĐT tạo cho rằng phương án 1 khả thi hơn nếu muốn áp dụng ngay trong năm 2015.

Ông Bùi Đức Cường – Giám đốc Sở GD ĐT Thái Nguyên cho rằng: “Các phương án thi 2, 3 đòi hỏi giáo viên, học sinh phải có một quá trình thay đổi về cách dạy học, thi theo phương thức tích hợp, không thể làm ngay trong năm 2015.

Phương án 1 sẽ giảm áp lực, giảm xáo trộn cho học sinh giúp các em thích nghi dần dần, ít nhất phải cho các em một năm để chuẩn bị”. Cũng theo ông Cường có thể thi theo phương án 1 trong năm 2015, năm 2016 thi theo phương án 2 hoặc 3.

img

 Năm 2015 sẽ tổ chức kỳ thi quốc gia chung (minh họa, thí sinh dự thi tốt nghiệp năm 2014)

Đồng tình với phươn án 1, Ông Lê Hồng Sơn – Giám đốc Sở GD ĐT TP.HCM cho rằng: “Việc chấm thi cần phải được thực hiện chặt chẽ hơn nếu giao hoàn toàn về các cụm thi. Nên có chấm chéo các cụm để tránh tiêu cực”.

Trong khi đó TS Nguyễn Văn Minh – Hiệu trưởng trường ĐH Sư Phạm Hà Nội lại cho rằng, phương án 2 là hợp lý, vừa gọn nhẹ (thi trong 2,5 ngày) mức độ tổng hợp, tích hợp các bài thi mạnh đáp ứng được nhu cầu đổi mới giáo dục. Tuy nhiên, ông Minh cũng cho rằng: “Cần phải tích hợp môn tin học trong bài thi Khoa học tự nhiên để đáp ứng nhu cầu của thời đại. Ngoài ra bài thi Khoa học xã hội cần có thêm môn giáo dục công dân”.

Ông Trần Thanh Đức – Phó chủ tịch UBND Tỉnh Tiền Giang thì cho rằng, trước mắt nên thực hiện phương án 1. Mục đích thực hiện đổi mới kỳ thi quốc gia tốt ta cần phải có những điều chỉnh mạnh ở tuyển sinh ĐH CĐ xóa bỏ việc thi theo khối: “Với phương án 1 thì mục đích này vẫn có thể thực hiện được ngay trong năm sau mà không cần gây xáo trộn cho học sinh, giáo viên”

Còn GD Sở GD ĐT Kiên Giang, bà Nguyễn Thị Minh Giang thì cho rằng, không nên bắt buộc thi ngoại ngữ vì đối với những vùng miền núi, nông thôn nghèo khoảng cách ngoại ngữ quá xa vời với các thành phố lớn.

Không làm cẩn thận sẽ hỏng

Đánh giá 3 phương án thi, Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng, thực chất phương án 1 và phương án 2 chỉ là một phương án đó là không bắt học sinh học tất cả các môn, còn phương án 3 là phương án…“học gì thi nấy”: “Bộ GD ĐT nên quan tâm đến việc các trường ĐH, CĐ cần gì ở kỳ thi quốc gia chung này?

Nói kỳ thi quốc gia chung giảm tốn kém là chưa chuẩn nếu ta không làm tốt, các trường ĐH CĐ không tin tưởng vào kết quả của kỳ thi mà vẫn phải thi riêng, kiểm tra ngoài để lấy được người học đủ điều kiện thì sẽ gây tốn kém gấp nhiều lần”.

img

 Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam

Phó thủ tướng yêu cầu đổi mới thi cử phải gắn với đổi mới chương trình SGK trong tương lai: “Kỳ thi quốc gia chung phải thể hiện được số đo chính xác của một học sinh.

Số đo này sẽ giúp một học sinh có kể cả ở vùng nông thôn nghèo, không được người lớn định hướng cũng có thể chọn được trường và ngành học thích hợp cũng như giúp cho trường chọn được người học phù hợp nhất với trình độ đào tạo của mình. Tức là số đo ấy nhất khoát phải chính xác. Bộ GD ĐT phải làm thế nào để tạo được lòng tin của các trường, phụ huynh, học sinh và toàn xã hội”.

Cũng theo Phó thủ tướng, Bộ GD ĐT cần thận trọng, lắng nghe ý kiến rộng rãi, có thể sẽ không chỉ có 3 phương án đã đề xuất mà còn có thể có những phương án khác, hợp lý hơn, khả thi hơn”.

Phó thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GD ĐT sớm lấy ý kiến thống nhất phương án thi để công bố với dư luận vào đầu tháng 9, trước khi năm học mới bắt đầu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem