Cải tạo nhà xưởng với chi phí rẻ cho hiệu quả lớn

Minh Nguyệt Thứ tư, ngày 15/10/2014 15:24 PM (GMT+7)
Chỉ với 20 triệu đồng, bằng những vật liệu có sẵn, chủ các cơ sở sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ ở xã Hiền Giang (Thường Tín, Hà Nội) đã cải thiện được hệ thống nhà xưởng, góp phần đảm bảo an toàn lao động sản xuất, giảm tiếng ồn, bụi bẩn… và tăng năng suất lao động. 
Bình luận 0

Bố trí nhà xưởng khoa học

Có mặt tại cơ sở sản xuất của gia đình ông Nguyễn Văn Đích (thôn Hưng Hiền, xã Hiền Giang) giữa trưa nắng nhưng chúng tôi vẫn cảm nhận được không khí khá mát mẻ, thoáng đãng. Xưởng sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ của ông Đích rộng chừng 70m2, với quy mô 2 máy xẻ và 2 máy mài, hơn 10 nhân công làm công việc đục, đẽo tay.

Trước đây, khi chưa áp dụng mô hình cải thiện an toàn lao động (theo dự án của Tổ chức Lao động quốc tế ILO) thì xưởng lúc nào cũng la liệt đồ nghề, sản phẩm, bụi bặm khắp nơi, ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe của lao động. Cuối năm 2012, ông Đích áp dụng mô hình cải tiến nhà xưởng thì môi trường lao động tại xưởng trở nên trong lành, ít bụi bẩn và tiếng ồn giảm hẳn.

Theo quan sát của phóng viên, mặc dù xưởng khá chật nhưng việc sắp xếp bố trí cũng như lắp đặt máy móc rất khoa học. Ngay phía ngoài sân rộng chừng 50m2 là xưởng chế tác bằng tay, nơi làm việc của 7 lao động. Phía trên lợp mái tôn, phía dưới ông Đích cho lót xốp chống nóng và treo 2 quạt trần để làm mát cho xưởng. Ngay bên tường là hệ thống đường ống điện được lắp cao trên 1m sát tường, có ốp ống nhựa. Bên trong nhà xẻ gỗ được lắp 2 quạt tường, hệ thống đèn chiếu sáng, mở thêm cửa kính tận dụng ánh sáng trời. Phía cuối của nhà xưởng được mở thêm một cửa thoát hiểm. Tại nhiều điểm có đường dây điện, ông Đích lắp Aptomat và bình xịt chữa cháy. Tại 2 máy mài, ông xây hầm hút bụi để hút toàn bộ bụi. Ngay cạnh nhà kho là hệ thống hút mùi, chống ẩm, tủ đựng thuốc và dụng cụ cấp cứu...

Lao động Nguyễn Thị Tuyết (50 tuổi, ở thôn Hưng Hiền) chia sẻ: “Tôi làm nghề mộc được 30 năm rồi, công việc là ngồi máy mài. Từ ngày xưởng có cái hầm hút bụi và thợ được trang bị kính, khẩu trang, bông tai chống ồn… tôi đỡ mệt hơn. Trước đây thì cứ đi làm được dăm hôm là lại ốm đau, đi viện suốt”.

Chị Nguyễn Thị Vân Anh - con dâu ông Đích cũng bày tỏ: “Sau gần 2 năm áp dụng mô hình đảm bảo an toàn lao động, gia đình tôi đã yên tâm sống ngay tại xưởng, vừa làm việc vừa quản lý công việc. Tiếng ồn khi xẻ gỗ, bụi bẩn cũng được hạn chế, hàng xóm cũng không còn phản ứng như trước đây”.

Chi phí cực rẻ

Đưa chúng tôi đi một vòng quanh xưởng, ông Đích chỉ cho phóng viên từng ngõ ngách của nhà xưởng. “Ngoài việc xây dựng hầm hút bụi, mua bình cứu hỏa, lắp thêm quạt, làm trần chống nóng, quạt thông gió, tủ đựng thuốc, mua thiết bị bảo hộ như găng tay, kính mắt… mất khoảng gần 20 triệu đồng (ILO tài trợ 10 triệu đồng), thì gia đình có thể tự dùng những vật liệu giá rẻ như vỏ xốp để chống nóng, thanh gỗ để làm trần ép xốp” – ông Đích nói.

Theo ông Đích, việc được ILO tư vấn bố trí, sắp xếp lại nhà xưởng và lắp đặt máy móc có chi phí rẻ hơn 1 nửa so với các mô hình khác (chi phí từ 50-70 triệu đồng tùy vào quy mô). Không chỉ rẻ, việc cải thiện nhà xưởng (không cần đập đi xây lại) giúp tiết kiệm chi phí xây mới, hoạt động sản xuất không bị gián đoạn.

Ông Lê Văn Tạo – Bí thư Đảng ủy xã Hiền Giang đánh giá đây là mô hình có tính ứng dụng cao. Sau gần 2 năm triển khai mô hình “điểm” thành công tại hai cơ sở mỹ nghệ của 2 chủ hộ Nguyễn Văn Đích và Nguyễn Minh Phú, xã đã mở hội thảo chia sẻ kinh nghiệm thực hiện, nhân rộng mô hình tại các cơ sở làm nghề khác trong toàn xã. Thực tế, có 5 cơ sở khác đã học tập và bước đầu ứng dụng vào thiết kế lại xưởng sản xuất của gia đình.

Cũng theo ông Tạo, toàn xã có khoảng 20 cơ sở sản xuất có quy mô trung bình, mỗi xưởng khoảng từ 8-12 lao động. Nguồn thu từ làng nghề mang lại chiếm 2/3 tổng thu của toàn xã. “Vì vậy, đảm bảo an toàn lao động trong làng nghề không chỉ góp phần giảm số vụ tai nạn lao động, hạn chế tiếng ồn và bụi bẩn, mà còn góp phần đẩy mạnh hoạt động sản xuất, tăng năng suất lao động một cách bền vững” – ông Tạo khẳng định.

  Theo số liệu thống kê của Sở KHCN Hà Nội thì hiện thành phố có 1.350 làng nghề, với 224 làng nghề truyền thống. Tuy dẫn đầu cả nước về số làng nghề, nhưng đến nay vấn đề ô nhiễm làng nghề cũng như đảm bảo an toàn lao động, thúc đẩy xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại… trong làng nghề ở Thủ đô vẫn chưa được quan tâm đúng mức. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem