Cải thiện sinh kế cho phụ nữ: Không chỉ thiếu "cá" mà thiếu cả "cách câu cá"

Bạch Dương Thứ ba, ngày 24/11/2020 20:43 PM (GMT+7)
Theo Tổ chức phụ nữ Liên hợp quốc (UN Women), biến đổi khí hậu gây ra hậu quả nghiêm trọng đến các nhóm dân cư nghèo khó, 70% trong số này là phụ nữ.
Bình luận 0
Cải thiện sinh kế cho phụ nữ: Không chỉ thiếu "cá" mà thiếu cả "cách câu cá" - Ảnh 1.

Chị Thạch Thị Chal Thi đang lấy mật hoa dừa.

Vấn đề này đã được đặt ra tại hội thảo "Cải thiện sinh kế cho phụ nữ trong bối cảnh biến đổi khí hậu và rủi ro thiên tai" diễn ra ngày 24/11 tại TP.HCM.

Hội thảo do Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Sở Lao động Thương binh Xã hội TP.HCM tổ chức, tập trung vào nhóm đối tượng bị tổn thương nhiều nhất trong các thảm họa thiên nhiên.

Theo bà Trần Thị Thúy Anh, đại diện UN Women tại Việt Nam, phụ nữ và trẻ em là những người dễ bị tổn thương gấp 14 lần so với nam giới trong các thảm họa thiên nhiên. Phụ nữ cũng rất dễ bị tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu với sản xuất nông nghiệp nhưng lại thường bị bỏ quên. Nghiêm trọng hơn, tại nhiều quốc gia, khi xảy ra nghèo đói do thiên tai, phụ nữ thường rơi vào tình trạng không an toàn, bị bạo lực, cưỡng bức, tảo hôn, thậm chí bị buôn bán, trao đổi lấy tiền và thực phẩm.

Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Giám đốc Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương và bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu và rủi ro thiên tai. Những năm gần đây, biến đổi khí hậu đã tạo nên những thảm họa lớn như lũ lụt, lốc xoáy, hạn hán, nắng nóng nghiêm trọng. Tại Việt Nam, 65% lao động trong lĩnh vực nông nghiệp là phụ nữ nhưng họ lại có rất ít cơ hội được tham gia vào thị trường lao động, khó khăn khi tiếp cận thông tin, nguồn lực, tín dụng, các chương trình đào tạo nghề và dịch vụ dẫn đến hạn chế năng lực thích ứng và chống chịu với biến đổi khí hậu cũng như rủi ro thiên tai.

Theo đại diện Tổ chức Seed to Table (Nhật Bản), từ kinh nghiệm thực hiện dự án cải thiện sinh kế cho phụ nữ khó khăn tại tỉnh Bến Tre cho thấy, nhiều dự án phát triển, xóa đói giảm nghèo không đạt hiệu quả cao như mong muốn vì người thực hiện dự án không nhìn thấy tình hình thực tế của người nghèo. Bà Ino Mayu, Giám đốc Seed to Table cho biết, sở dĩ có tình trạng đó vì khi lập kế hoạch, dự án thường thuê các công ty tư vấn điều tra chứ không trực tiếp đi thực địa để kiểm tra tình hình. Khi đi giám sát chỉ nghe ý kiến của một số nhóm địa phương (thường là hộ khá giả) hoặc lãnh đạo.

Bà Ino Mayu nhận định, hộ nghèo cần vốn để phát triển kinh tế gia đình nhưng nếu hỗ trợ nhiều tiền một lúc, họ sẽ sử dụng theo nhu cầu hàng ngày của họ. Vì thế, những hộ nghèo không chỉ thiếu "cá" mà thiếu cả "cách câu cá" và thiếu tự tin khi được tiếp cận, phải trao đổi, hướng dẫn, động viên họ nhiều lần họ mới hiểu và áp dụng được. Các chị em của hộ nghèo tại Bến Tre chưa có kiến thức, vốn để bắt đầu làm kinh doanh nhỏ tại địa phương, cùng với đó là việc kiếm nước ngọt ngày càng khó khăn. Từ thực tế đó, dự án đã cung cấp kiến thức qua các buổi tập huấn về nông nghiệp bền vững như cách nuôi gà, heo, vịt, bò; hướng dẫn chị em từ cách ghi chép sổ sách đến hỗ trợ hồ chứa nước tròn; ngân hàng gà vịt, heo, bò cho họ mượn vốn đồng thời thành lập ban cộng đồng tại các xã.

Bà Hồ Thị Quý, Trưởng ban hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế (Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) cho biết, từ tháng 9/2013, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn khẩn cấp, vì thế Hội có nhiều điều kiện để giúp đỡ phụ nữ trong việc thích ứng biến đổi khí hậu và giảm thiểu rủi ro thiên tai. Ngoài việc tổ chức các lớp tập huấn cho chị em, Hội còn tập huấn bơi, sơ cấp cứu cho phụ nữ và trẻ em, hỗ trợ triển khai một số mô hình sinh kế thích ứng với thiên tai và biến đổi khí hậu như mô hình khởi nghiệp từ mật hoa dừa của gia đình chị Thạch Chị Chal Thi (Trà Vinh) có giá trị dinh dưỡng tương đương mật ong nhưng lại có chỉ số đường thấp; mô hình sản xuất cua lột theo chuỗi liên kết bền vững tại Phú Yên; mô hình chuối sấy trong nhà kính tại Bến Tre; mô hình sản xuất tôm khô thương phẩm bằng hệ thống sấy năng lượng mặt trời tại Cà Mau…

Bà Quý cho biết, 90% đề án được hỗ trợ thuộc lĩnh vực nông nghiệp, có tính đổi mới, áp dụng công nghệ nhằm thích ứng biến đổi khí hậu như tiết kiệm nước, sử dụng năng lượng tự nhiên, hạn chế không dùng hóa chất, sử dụng lao động dôi dư…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem