Tín dụng nhỏ đến với phụ nữ nghèo

Thứ ba, ngày 11/03/2014 07:01 AM (GMT+7)
Chỉ với 5 - 7 triệu đồng/lượt vay/người, mô hình tín dụng vi mô do Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam (MCNV) tài trợ đã tạo cơ hội để nhiều chị em có công việc, thu nhập tương đối tốt và rất nhiều gia đình ở Bến Tre đã thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Bình luận 0
Chúng tôi đến thăm một mô hình tín dụng tại xã Phú Long (Bình Đại, Bến Tre). Tại căn nhà 1 tầng, gian ngoài cùng là nơi để hạt điều nhận từ các nhà máy chế biến hạt điều về; gian trong, các chị trong nhóm bóc hạt điều đang gọt những chỗ vỏ còn sót lại để hoàn thành thương phẩm.

Tạo nguồn vốn cho hộ nghèo Bình Đại

Bắt đầu làm công việc bóc hạt điều từ năm 2011, trước đây chị Tâm (xã Phú Long, huyện Bình Đại, Bến Tre) phải vay mượn họ hàng để có tiền đặt cọc cho công ty hạt điều mới được nhận 1 tấn hạt/lần về gia công bóc vỏ. Càng ngày càng có nhiều phụ nữ muốn bóc hạt điều để tăng thêm thu nhập, nhưng lại không có vốn ban đầu để đặt cọc. Một số chị đã lập nhóm rồi tìm đến nguồn vốn tín dụng của Ban quản lý dự án tín dụng tiết kiệm huyện Bình Đại (do MCNV tài trợ) để xin vay vốn. Với số vốn được vay từ 5 - 7 triệu đồng/lượt vay/người, các chị góp vào để đặt cọc cho công ty chế biến hạt điều và hiện nay mỗi lần nhóm nhận được 4 tấn hạt điều, tạo công ăn việc làm cho 30 chị em trong vùng.

Cơ sở bóc hạt điều của chị Tâm.
Cơ sở bóc hạt điều của chị Tâm.

Cũng thuộc dự án của MCNV, mô hình may túi của chị em tại Bến Tre cũng đã đưa lại những thay đổi tích cực. Chị Nguyễn Thị Lợp ở ấp 5, xã Lộc Thuận, huyện Bình Đại đón chúng tôi tại xưởng may. Xưởng có 18 máy với 16 thợ may đang làm việc. Rất nhiều mẫu túi tại các chuỗi siêu thị lớn ở Anh, Đức, Hà Lan đều ra đời ở đây.

Từ giữa năm 2012, một số chị em muốn tham gia vào xưởng may của chị, đã lập nhóm xin vay tiền từ Quỹ Tín dụng tiết kiệm huyện Bình Đại (do MCNV hỗ trợ). Với số tiền được vay của các chị em, chị Lợp mua thêm 6 máy may và thuê thêm 4 thợ... Trao đổi với chị Thúy - người đảm nhiệm gấp túi trong dây chuyền sản xuất, chị cho biết thu nhập của chị được gần 3 triệu đồng/tháng.

Mô hình cần nhân rộng

Lãnh đạo Hội Phụ nữ huyện Bình Đại chia sẻ: Cùng với Ngân hàng Chính sách xã hội, các tổ chức phi chính phủ đã góp phần làm cuộc sống của người dân ở Bình Đại thay da đổi thịt. Các chương trình, dự án tài chính vi mô đã hỗ trợ trực tiếp cho nhiều phụ nữ nghèo, không có điều kiện phát triển kinh tế.

Ở Bến Tre, dự án tín dụng vi mô được thực hiện từ tháng 5.2009. MCNV đã và đang thực hiện dự án thông qua quỹ phát triển tín dụng ở huyện Bình Đại. Dự án đã giúp hơn 700 lượt phụ nữ thuộc hộ nghèo có thể tiếp cận với nguồn vốn. MCNV tham gia hướng dẫn bà con về sinh kế để có thể quay vòng số vốn, trả lãi đúng hạn và phát triển kinh tế hộ gia đình.

Thời gian đầu chỉ mới có 2 xã tham gia. Do dự án hoạt động có hiệu quả, được sự tín nhiệm của nhà tài trợ, đến nay dự án đã mở rộng ra 7 xã. Qua gần 4 năm hoạt động, dự án đem lại hiệu quả thiết thực, cán bộ được nâng cao kỹ năng quản lý, hộ vay được trang bị kiến thức về quản lý tài chính gia đình. Hiện tại, có 856 lượt vay với 480 hộ vay vốn của dự án, có 349 hộ làm ăn có hiệu quả, đời sống cải thiện hơn. Cuối năm 2012 có 17 hộ vay vốn của dự án thoát nghèo và chuyển loại nghèo, nhân rộng 20 mô hình, có 14 hộ làm ăn có hiệu quả trả vốn không vay lại. Dự án cũng đã giúp xây một nhà tình thương năm 2013 từ quỹ xã hội của dự án trị giá 20 triệu đồng.

Hà Việt (Hà Việt)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem