"Câm, điếc" trong tiếng Anh

Phạm Hải Chung Thứ hai, ngày 21/08/2017 16:16 PM (GMT+7)
Chính bởi tâm lý bắt buộc phải nói được giọng Anh Anh hay Anh Mỹ, hay nói sai bị người khác cười, cũng đã tạo ra cả một thế hệ ngại phát âm, dù có thể điền đúng cả một quyển ngữ pháp tiếng Anh.
Bình luận 0

Dân Việt xin giới thiệu với bạn đọc bài viết của TS Phạm Hải Chung, hiện công tác tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Bài viết có những quan điểm riêng khá đáng chú ý của tác giả trong việc dạy và học ngoại ngữ.

Báo chí phương Tây từng bình luận nhiều về người Ấn Độ nói tiếng Anh và đang pha tạp tiếng Anh thành ngôn ngữ khó mà hiểu hết được ở London hay New York. Tuy nhiên, rất nhiều tác phẩm tiếng Anh của các nhà văn Ấn Độ đạt giải thưởng cao quý. Thung lũng Bangalore đang viết phần mềm cho toàn thế giới, chỉ đường và dạy toán cho người Mỹ qua Internet.

Mình có dịp tới thủ đô New Delhi đông đúc vào đầu năm 2014. Nhiều học giả phương Tây phải thừa nhận, người Ấn Độ nói tiếng Anh rất khó nghe và lòng vòng. Dù từng nằm dưới sự cai trị của nữ hoàng Anh, nhưng tiếng Anh đến giờ vẫn là ngôn ngữ của tầng lớp tri thức, doanh nhân và chính trị gia.

A là giáo sư kinh tế tại một trường đại học ở miền trung Ấn Độ, nói rằng lợi thế của Ấn Độ so với tất cả các nền kinh tế đang nổi khác như Trung Quốc, Brazil chính là tiếng Anh. Họ có thể không nói chuẩn giọng Anh Anh hay Anh Mỹ, viết ngữ pháp còn lỗi.

Tuy nhiên họ giao tiếp, đọc sách như ngôn ngữ hàng ngày. Điều đơn giản với họ tiếng Anh chỉ là phương tiện giao tiếp. Và ngôn ngữ bị “địa phương hóa” cũng là điều dễ hiểu. Người xứ Wales nói tiếng Anh theo cách của họ. Người Scotland cũng nói theo cách riêng.

Ngó ngay sang Philippines, hiện có khoảng vài chục nghìn người Hàn Quốc đang tới đất nước này học tiếng Anh. Nói thật là nhiều Tây bản xứ tới Philippines còn chán mới hiểu tiếng Anh ở đây, vậy mà 1/10 dân số đang làm việc ở nước ngoài nhờ biết tiếng Anh, và đóng góp rất lớn cho GDP (khoảng 30 tỷ đô la kiều hối - số liệu năm 2015) nếu thử Google.

Thế hệ 7X và 8X chúng tôi lớn lên sau khi đất nước vừa bước ra khỏi cuộc chiến tranh, những gì ở thế hệ của mình trải qua từ những băng cát xét 60-90 phút như Streamline và rất ít cơ hội tiếp xúc với người bản xứ, không như thời kỳ sau này chúng ta có internet và các phương tiện truyền thông khác.

Chính bởi tâm lý chúng ta bắt buộc phải nói được giọng Anh Anh hay Anh Mỹ, hay nói sai bị người khác cười, cũng đã tạo ra cả một thế hệ ngại phát âm, dù có thể điền đúng cả một quyển ngữ pháp tiếng Anh.

Năm 2013, cầm điều khiển bật các kênh truyền hình Đan Mạch ở thủ đô Copenhagen, và điều dễ hiểu là các chương trình tin tức, phim ảnh nhập ngoại trên các phương tiện truyền thông đại chúng của họ thường để nguyên bản gốc và đặt phụ đề.

Họ quen với sách vở viết bằng tiếng Anh, và kỹ năng nghe hiểu thông qua các phương tiện truyền thông. Người Thụy Điển và Đan Mạch đứng đầu trong chỉ số thành thạo tiếng Anh của tổ chức EF năm 2012. Bí quyết của họ chính là lớn lên cùng các nội dung bằng tiếng Anh qua phim ảnh, sách vở.

Nếu như mục tiêu thi cử chỉ là viết và đọc trên giấy tờ thì biết bao giờ chúng ta mới chữa được “câm điếc” trong tiếng Anh?

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem