Tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt gián tiếp kéo nước Mỹ vào Thế chiến 2.
Lệnh cấm vận thứ 9 do Liên Hợp Quốc nhằm vào Triều Tiên bao gồm cả nghị quyết yêu cầu các nước thành viên hạn chế xuất khẩu dầu mỏ sang Triều Tiên. Mỹ thậm chí còn muốn hoàn toàn cấm Triều Tiên nhập khẩu dầu mỏ.
Trong quá khứ, Mỹ từng áp đặt chính sách cấm vận dầu mỏ đối với Nhật Bản và chỉ sau chưa đầy một năm, Nhật đã mở đợt tấn công Trân Châu Cảng, tuyên chiến với Mỹ.
Theo History, trong giai đoạn trước Thế Chiến 2, căng thẳng Mỹ-Nhật không ngừng gia tăng. Nhật Bản tấn công Trung Quốc, đánh chiếm Đông Dương khiến giới lãnh đạo Mỹ hết sức quan ngại.
Mùa hè năm 1941, Tổng thống Mỹ khi đó là Franklin D.Roosevelt đã ra lệnh phong tỏa tài sản Nhật Bản. Điều đó có nghĩa là Nhật không thể xuất hay nhập khẩu hàng hóa sang Mỹ, bao gồm cả dầu mỏ.
Đây được coi là bước đi chấn động với Nhật Bản vì đế quốc Nhật khi đó phụ thuộc phần lớn vào lượng dầu và sản phẩm từ dầu mỏ nhập khẩu từ Mỹ. Tuy vậy, Roosevelt không muốn gây chiến trực tiếp nên vẫn muốn cấp phép xuất dầu sang Nhật ở một chừng mực nhất định.
Các chuyên gia khi đó nói, Tổng thống Mỹ Roosevelt đã “kề dao vào cổ Nhật, nhưng không muốn ra tay”.
Nhà nghiên cứu Edward S. Miller, chuyên gia về tài chính quốc tế, nhấn mạnh chính sách trừng phạt kinh tế của chính quyền Tổng thống Roosevelt nhằm buộc Nhật phải hạn chế hành động gây hấn ở châu Á.
Ở thời điểm đó, việc tiếp tục ký thỏa thuận xuất dầu sang Nhật vấp phải sự tranh cãi kịch liệt trong nội bộ chính phủ Mỹ. Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách kinh tế Dean Acheson là một trong những người ủng hộ cấm vận triệt để, mạnh mẽ nhất.
Trận tập kích của Nhật Bản ở Trân Châu Cảng đã tạo cú sốc lớn trên khắp nước Mỹ.
Acheson ủng hộ đóng băng mọi hoạt động xuất dầu cho Nhật Bản, tin rằng điều này sẽ không dẫn đến chiến tranh vì “tấn công Mỹ đồng nghĩa với việc Nhật Bản chuốc lấy thảm họa”.
Quá tự tin vào lựa chọn của mình và bác bỏ những quan điểm đối lập, Acheson cuối cùng thuyết phục được Tổng thống Mỹ Roosevelt ngừng giao dịch với Nhật bằng đồng đô la. Điều đó có nghĩa là hoạt động nhập nhẩu dầu và giao dịch của Nhật với Mỹ đã chấm dứt.
Từ đầu tháng 8, dầu mỏ không được xuất khẩu từ Mỹ tới Nhật. Hai tàu chở dầu của Nhật neo lại trên cảng San Pedro, gần Los Angeles mà không nhận được dầu.
Không lâu sau đó, các nước đồng minh của Mỹ đồng loạt tiếp bước. Kết quả là sản lượng hàng hóa nhập khẩu của Nhật Bản sụt giảm tới 75% và lượng dầu mỏ giảm tới 88%.
Cuối năm 1941, Nhật Bản bế tắc trong việc tìm kiếm nguồn năng lượng mới bù đắp. Lượng dầu dự trữ chỉ đủ dùng trong vòng 3 năm, thậm chí ít hơn vì bộ máy công nghiệp, chế tạo vũ khí hoạt động không ngừng nghỉ.
Không có dầu, chính sách bành trướng của Nhật bản không thể tồn tại được lâu. Đó là lúc mà giới quân sự Nhật nghĩ đến chuyện đánh đòn phủ đầu Mỹ.
Trong suốt giai đoạn mùa thu, đội tàu sân bay Nhật đã bí mật diễn tập thả ngư lôi tầm thấp ở Vịnh Kagoshima, mô phỏng Trân Châu Cảng của Mỹ.
Thủ tướng Nhật Bản khi đó là Konoye Fumimaro chủ trương đàm phán hòa bình với Mỹ. Nhưng làn sóng ủng hộ chiến tranh dâng cao trong nội bộ khiến ông bị ám sát hụt và bị lật đổ vào tháng 10.1941.
Đó là lúc các cố vấn quân sự Mỹ tin rằng chính quyền mới ở Nhật sẽ “căm ghét người Mỹ” hơn trước. Không nằm ngoài dự đoán, Tướng Tojo Hideki, lãnh đạo phe quân phiệt và là Bộ trưởng Chiến tranh, trở thành Thủ tướng Nhật.
Thủ tướng Nhật Bản Tojo Hideki, người đưa Nhật chiến tranh với Mỹ.
Phía Mỹ đề phòng bằng cách tăng cường lực lượng không quân ở Philippines và xây thêm sân bay quân sự từ chuỗi đảo Hawaii đến Úc.
Tại Washington, Đại sứ Nhật Bản Nomura được lệnh chuyển tối hậu thư, nhắc đến việc Nhật Bản sẽ ngừng mọi hành động gây hấn ở Đông Dương và rút quân nếu Mỹ hứa không can thiệp vào vấn đề của Nhật với Trung Quốc và khôi phục toàn bộ hoạt động xuất dầu sang Nhật.
Phía Mỹ khi đó hậu thuẫn cho phe chính phủ quốc dân ở Trung Quốc nên bác bỏ đề nghị của Nhật. Ngược lại, Mỹ muốn Nhật rút quân hoàn toàn khỏi Đông Dương và Trung Quốc.
Cho đến những ngày cuối trước trận đánh ở Trân Châu Cảng, Ngoại trưởng Mỹ khi đó là Cordell Hull tỏ ý muốn đạt thỏa thuận với Nhật nếu Tokyo chấp nhận chính quyền mà Mỹ hậu thuẫn ở Trung Quốc.
Trên thực tế, Mỹ khi đó cũng nghi ngờ khả năng Nhật Bản tấn công nhưng Tổng thống Roosevelt vẫn chỉ đạo cho Ngoại trưởng tiếp tục đàm phán.
Ở bên kia chiến tuyến, Thủ tướng Nhật Bản Tojo bác bỏ đề nghị của Mỹ và cũng không cho Đại sứ Nomura có thêm thời gian đàm phán. “Mọi chuyện phải được giải quyết vào ngày 29.11, sau thời điểm đó, quân Nhật sẽ tấn công”, Thủ tướng Tojo nói.
Sau thời hạn 29.1,1 Thủ tướng Tojo xuất hiện trong một cuộc mít tinh ở Tokyo, tuyên bố “Mỹ và Anh vì lòng tham không đáy, đã kìm hãm sự phát triển của khu vực Đông Á”.
“Chúng ta phải loại bỏ điều này, bắt đầu từ một sự báo thù”, Tojo nói. Vì bài phát biểu này mà Tổng thống Roosevelt đã phải vội vàng trở về Washington để họp khẩn.
Cuộc họp kết thúc với sự đồng tình cho rằng, việc Nhật Bản tấn công Mỹ chỉ còn là vấn đề thời gian. Tuy nhiên, ông Roosevelt đã không gia cố sức mạnh hạm đội Mỹ ở Trân Châu Cảng, dẫn đến việc hàng trăm máy bay Nhật giáng đòn phủ đầu vào căn cứ này vào ngày 7.12.1941.
Thế Chiến 2 liệu có rẽ sang hướng khác nếu như Nhật Bản không mở cuộc tấn công nhằm vào hạm đội Mỹ ngày 7.12.1941...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.