Cán bộ lãnh đạo không để "hơi lạnh" của đồng tiền truyền qua người, không để vật chất đánh bại
Cán bộ lãnh đạo không để "hơi lạnh" của đồng tiền truyền qua người, không để vật chất đánh bại
Quỳnh Nguyễn
Thứ ba, ngày 27/08/2024 13:06 PM (GMT+7)
Vụ trưởng Vụ Địa phương I, Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Xuân Trường nhấn mạnh điều này khi nói về sự gương mẫu, quyết liệt, nói đi đôi với làm của người đứng đầu trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Sáng 27/8, tại Hà Nội, Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương tổ chức Hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến thông tin chuyên đề về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực và giáo dục liêm chính; quán triệt, triển khai Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở trong Đảng bộ Khối.
Thực hành dân chủ ở cơ sở để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Tại Hội nghị, Bí thư Đảng ủy Khối Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh, trong thời gian qua, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương tăng cường chỉ đạo công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi và xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" và tiếp tục đẩy mạnh công tác PCTN, tiêu cực.
Do đó, các cấp ủy trong Đảng bộ Khối cần tiếp tục đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền sâu rộng các mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp, quy định của Đảng và Nhà nước về PCTN, tiêu cực; sự nguy hại của tham nhũng, tiêu cực; thúc đẩy sự tự giác, thống nhất cao về nhận thức và hành động trong cán bộ, đảng viên về PCTN, tiêu cực.
Đồng thời, nêu cao tinh thần gương mẫu của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, tổ chức, đơn vị; kiên trì, thường xuyên giáo dục, rèn luyện đức tính liêm khiết, trung thực, xây dựng văn hóa, tiết kiệm, chống lãng phí trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động.
Khái quát nội dung chính của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Bí thư Đảng ủy Khối nêu rõ, Luật quy định về nội dung, cách thức thực hiện, phát huy dân chủ ở cơ sở, quyền và nghĩa vụ của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong thực hiện dân chủ ở cơ sở và trách nhiệm của thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong việc bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở. Luật đã cụ thể hóa đầy đủ phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng".
"Việc thực hành dân chủ ở cơ sở là một trong những giải pháp quan trọng nhằm thực hành PCTN, tiêu cực, giúp công tác này đi vào thực chất, quyết liệt và hiệu quả hơn", Bí thư Đảng ủy Khối nhấn mạnh.
Trên cơ sở các nội dung quán triệt tại Hội nghị, Bí thư Đảng ủy Khối đề nghị các cấp ủy, tổ chức Đảng trong toàn Đảng bộ quán triệt, thông tin đầy đủ đến cán bộ, đảng viên nhằm giúp cán bộ, đảng viên nắm bắt kịp thời, hiểu đúng, đầy đủ và tham gia thực hiện hiệu quả Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền về PCTN, lãng phí, tiêu cực; giáo dục liêm chính, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các quy định về phòng ngừa tham nhũng.
Bên cạnh đó, thực hiện nghiêm việc công khai tài sản, thu nhập của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; công khai, minh bạch về tài chính, tài sản cơ quan hằng năm theo đúng quy định...
Tham nhũng đang từng bước được kiềm chế, ngăn chặn
Tại hội nghị, TS Nguyễn Xuân Trường, Vụ trưởng Vụ Địa phương I, Ban Nội chính Trung ương trình bày chuyên đề: Một số kết quả nổi bật trong công tác đấu tranh PCTN, tiêu cực thời gian qua, nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới. Công tác giáo dục liêm chính để PCTN, tiêu cực.
Theo đó, thời gian qua, công tác đấu tranh PCTN, tiêu cực được lãnh đạo, chỉ đạo ráo riết, quyết liệt, có bước đột phá, toàn diện, rõ rệt, đạt nhiều kết quả rất quan trọng. Tham nhũng đang từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi và có chiều hướng thuyên giảm, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
"Điều này thể hiện trên các mặt công tác, như phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực được tập trung quyết liệt, kết hợp giữa xử lý hành chính, kỷ luật của Đảng, của Nhà nước, của đoàn thể với xử lý hình sự, rất nghiêm khắc, nhưng cũng rất nhân văn, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai. Đây là bước đột phá trong công tác PCTN, tiêu cực", ông Nguyễn Xuân Trường nhấn mạnh.
Nêu giải pháp trong thời gian tới, TS Nguyễn Xuân Trường cho biết, thứ nhất là phòng, chống TNTC với phương châm sự sớm, từ xa, ngay từ ban đầu, từ cơ sở.
Kiên trì xây dựng văn hoá liêm chính, đẩy mạnh giáo dục liêm chính. Đề cao sự gương mẫu, quyết liệt, nói đi đôi với làm và làm đi đôi với nói, đã nói là làm của người đứng đầu trong PCTN, tiêu cực.
"Phải cảnh giác như "đi trên băng mỏng", như "đứng trước vực sâu" mới có thể vượt qua sự trói buộc của công danh, lợi lộc, để không hành động vì quyền lực, không bị ham muốn dụ dỗ. Không để "hơi lạnh" của đồng tiền truyền qua người, mãi mãi không bao giờ bị vật chất đánh bại", ông Trường nói.
Bên cạnh đó, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế và nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện thể chế để "không thể tham nhũng, tiêu cực". Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh, đồng bộ các hành vi tham nhũng, tiêu cực, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không chịu tác động không trong sáng của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào.
Đồng thời, đẩy mạnh kiểm soát quyền lực, chống tham nhũng ngay trong các cơ quan có chức năng chống tham nhũng; kiểm soát xung đột lợi ích. Khắc phục những biểu hiện đùn đẩy, né tránh, làm việc cầm chừng, sợ sai; siết chặt kỷ luật, giám sát cán bộ, đảng viên.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.