Cận cảnh quăng chài bắt cá kênh nước ở An Giang, mớ cá hủng hỉnh có gì lạ?
Cận cảnh quăng chài bắt cá kênh nước ở An Giang, mớ cá hủng hỉnh có gì lạ?
Chủ nhật, ngày 12/11/2023 19:01 PM (GMT+7)
Ông Trung, xã Vĩnh Phú, huyện Thoại Sơn (tỉnh An Giang) kể, lượng cá tôm giờ chỉ còn chừng 1/10 so với trước, nhưng ông vẫn giữ thói quen xách chài ra khúc kênh gần nhà để vãi. Chủ yếu là để ông hoài niệm về cuộc sống miền quê mình gắn bó hơn nửa đời người. Chứ mớ cá hủng hỉnh chài được, thấm tháp gì đâu!
Một ngày tháng 8, chúng tôi thức sớm, ghé vào xã Vĩnh Phú (huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang), theo chân ông Đoàn Văn Trung (sinh năm 1959) đi chài cá, trải nghiệm thú vui dân dã sông nước miền Tây.
Ông Trung kể, lượng cá tôm giờ chỉ còn chừng 1/10 so với trước, nhưng ông vẫn giữ thói quen xách chài ra khúc kênh gần nhà để vãi. Chủ yếu là để ông hoài niệm về cuộc sống miền quê mình gắn bó hơn nửa đời người. Chứ mớ cá hủng hỉnh chài được, thấm tháp gì đâu!
Từ tờ mờ sáng, ông bắt đầu chuẩn bị mồi. Đó là hỗn hợp lúa và thức ăn gia súc. Tùy theo loại cá muốn chài, người ta sẽ pha trộn phù hợp. Ví dụ như, cá linh thích tỷ lệ thức ăn nhiều hơn lúa, còn cá mè vinh lại thích ăn lúa nhiều hơn thức ăn. Do hiện giờ cá ít hẳn, mới cần sử dụng mồi. Còn xưa kia, nông dân đánh bắt bằng lưới không mà thôi.
Rồi ông chuyển sang kiểm tra lại lưới chài cá, chỉnh sửa mấy chỗ bị hư hỏng, rách sau lần chài trước đó. Chài được làm bằng lưới, chia thành nhiều nếp, miệng chài có thể bung tròn rộng khi quăng chài. Phía trên chài được gom túm lại, buộc vào đó sợi dây chắc chắn. Ở dưới dằn nhiều lòi tói nhỏ, vòng quanh miệng chài.
Nắng lên hườm hườm, ông Trung vác chài lên vai, bắt đầu cuộc “đấu trí” với lũ cá trong kênh. Mồi được quăng xuống nước trước khi chài khoảng 20 – 30 phút.
“Tôi tự học vãi chài từ lúc mười mấy tuổi. Tôi chỉ biết 3 kiểu chài: Chài ba mớ, chài kiểu và chài bộ trên, tùy sở thích từng người. Chài cá kiểu thì để lưới nằm gần sát mặt nước rồi mới hắt rộng ra. Chài bộ trên thì nắm toàn bộ lưới, quăng từ trên xuống. Tôi quen vãi chài ba mớ, tức là nắm chài thành 3 phần trước khi vãi, để có thế bung tròn lưới”.
Sau lần vãi chài đầu tiên, ông Trung thu được kha khá “chiến lợi phẩm”.
Không phải dân chài chuyên nghiệp, mà ông đi xách lưới đi mỗi khi thiếu thức ăn cho bữa cơm gia đình, hoặc đi chài thư giãn. Kết quả không quan trọng, mà quan trọng là tâm tình của chính ông.
Thấy chúng tôi, mấy người dân địa phương xúm nhau đến gần xem gỡ chài. Thậm chí, họ cùng hướng dẫn chúng tôi cách quăng chài, bật cười sảng khoái khi chiếc chài nằm méo mó trên mặt nước.
Trong câu chuyện của những người đàn ông trung niên, đời sống thay đổi chóng mặt ở làng quê, nhưng ký ức về “ngày xưa” vẫn chưa từng mai một trong tâm trí họ. Bữa ăn đơn giản với mớ cá “thập cẩm”, với rau dại quanh nhà chẳng sang trọng đủ đầy, mà lại ăm ắp tình quê.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.