Sáng 2.11, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường để nghe trình bày dự thảo và báo cáo thẩm tra 4 dự án luật: Luật Phổ biến giáo dục pháp luật, Luật Tài nguyên nước, Luật Giáo dục đại học, Luật Bảo hiểm tiền gửi và Chương trình xây dựng luật pháp lệnh. Trong số các dự thảo luật được đưa ra trình bày, Dự thảo Luật Giáo dục đại học thu hút được sự quan tâm của hầu hết các đại biểu Quốc hội và đặc biệt là của dư luận trong thời gian qua.
Mặc dù đánh giá khá cao Dự luật này, nhưng báo cáo thẩm tra dự án luật do Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng Đào Trọng Thi trình bày cho rằng: Dự thảo vẫn chưa thể chế hóa rõ ràng một số chủ trương, chính sách lớn, chưa giải quyết triệt để, thấu đáo một số vấn đề quan trọng như phân tầng các cơ sở giáo dục đại học, quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, hội đồng trường, vấn đề lợi nhuận và phi lợi nhuận.
Theo Chủ nhiệm Đào Trọng Thi, dự thảo đã bắt đầu đề cập đến khái niệm lợi nhuận và phi lợi nhuận, nhưng cần rõ ràng, cụ thể hơn nữa. Các nhà đầu tư cũng cần có lợi nhuận mới kêu gọi được xã hội hóa giáo dục, nhưng do đây là lĩnh vực đặc thù nên luật cần quy định rõ về mức độ lợi nhuận hợp lý.
Vấn đề kiểm định chất lượng đào tạo cũng được báo cáo thẩm tra đề cập chi tiết. Ủy ban đề nghị quy định việc tham gia kiểm định chất lượng đào tạo là bắt buộc, đồng thời áp dụng các hình thức kiểm định chất lượng bắt buộc. Tương lai không xa phải ban hành một bộ chuẩn quốc gia về chất lượng giáo dục đại học và yêu cầu chất lượng tối thiểu đối với các chương trình đào tạo đại trà. “Chất lượng đào tạo đại học phải tiến tới chuẩn quốc gia và chuẩn quốc tế” - ông Đào Trọng Thi cho biết.
Phương Hà
Vui lòng nhập nội dung bình luận.