Cần có một bản Hiến pháp xứng tầm!

Thứ hai, ngày 05/11/2012 15:14 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - “Dịp này là một cơ hội hiếm, cỡ hàng chục năm có một. Vì vậy, chúng ta nên sửa đổi Hiến pháp thật nghiêm túc, triệt để, dân chủ, văn minh", GS-TSKH Phan Xuân Sơn (Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh) khẳng định.
Bình luận 0

Thưa GS, Dự thảo Hiến pháp lần này tăng quyền hơn cho Chủ tịch nước với việc đề nghị bãi miễn các chức danh chủ chốt trong Chính phủ, triệu tập cuộc họp của Chính phủ... Là một người đã nhiều năm nghiên cứu về Hiến pháp của VN, ông bình luận gì về sự thay đổi này?

- Thực ra, so với Điều 103 tại bản Hiến pháp 1992 thì dự thảo lần này không có thay đổi đáng kể về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chế định Chủ tịch nước. Chỉ có một thay đổi trong Điều 96 (sửa đổi bổ sung Điều 105) là “Khi cần thiết, Chủ tịch nước yêu cầu Chính phủ họp bàn về những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước” và Chủ tịch nước có quyền “bãi bỏ văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ trái với lệnh, quyết định của Chủ tịch nước” (Điều 94 - sửa đổi bổ sung Điều 103 Hiến pháp 1992).

img
GS-TSKH Phan Xuân Sơn

Còn quyền hạn của Chủ tịch nước đối với việc bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm các chức vụ trong Chính phủ, Tòa án Nhân dân Tối cao và Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao vẫn như cũ. Kể cả việc quy định Chủ tịch nước là người thống lĩnh các lực lượng vũ trang, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng – An ninh cũng không phải là điểm mới so với bản Hiến pháp 1992. Thế nên, có thể khẳng định, về thực chất trong Dự thảo Hiến pháp lần này, quyền hạn của Chế định Chủ tịch nước vẫn gần như không thay đổi so với trước đây.

Dự thảo Hiến pháp (sửa đổi) cũng quy định tăng thêm quyền cho công dân so với bản Hiến pháp hiện hành. Đây có phải là bước tiến trong Hiến pháp ?

- Về quyền con người và quyền công dân, bản dự thảo có cụ thể hóa một số quyền, xác định rõ hơn vai trò trách nhiệm của Nhà nước và xã hội trong bảo đảm quyền con người, quyền công dân, cách diễn đạt rõ hơn. Tuy nhiên, một điểm quan trọng là quyền phúc quyết của nhân dân, đã từng được thảo luận rất nhiều trong quá trình tổng kết thực hiện Hiến pháp 1992 và sửa đổi Hiến pháp, nhưng vẫn không có bước tiến nào. Việc trưng cầu dân ý vẫn dành cho Quốc hội quyết định, mà không phải là một nguyên tắc hiến định.

Một điểm quan trọng khác là việc thành lập cơ quan bảo hiến. Dự thảo có đề ra 2 phương án (có hoặc không có cơ quan này). Theo quan điểm của ông, nên chọn phương án nào, vì sao?

- Tôi luôn luôn ủng hộ một cơ chế bảo hiến ở nước ta. Và nếu được lựa chọn, tất nhiên tôi sẽ lựa chọn là phải có Chế định của Hiến pháp về bảo vệ Hiến pháp. Trong một quốc gia, Hiến pháp là một trong những vấn đề cơ bản nhất, quan trọng nhất và thiêng liêng nhất. Nếu Hiến pháp không được bảo vệ thì không có gì có thể được bảo vệ, kể cả quyền công dân, kể cả quyền con người.

Tuy nhiên “cơ chế bảo hiến” không đồng nhất và không nhất thiết với việc tổ chức ra một tòa án Hiến pháp hoặc Hội đồng bảo hiến, như một số nước. Nhưng phải quy định rõ “Cơ chế bảo hiến” phải có “Chế định bảo hiến” trong Hiến pháp.

Hiện nay, dự thảo dành “quyền” bảo vệ Hiến pháp cho các cơ quan thực thi Hiến pháp, nghĩa là vẫn trông cậy vào năng lực tự điều chỉnh, trông cậy vào “sự luôn luôn đúng” của các cơ quan này (Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án và Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao…). Nói cách khác, dự thảo vẫn trông cậy vào từng cơ quan mà không hướng cách nhìn đến việc trông cậy vào toàn hệ thống.

“Hiện nay, Dự thảo dành “quyền” bảo vệ Hiến pháp cho các cơ quan thực thi Hiến pháp. Nghĩa là trông cậy vào năng lực tự điều chỉnh, trông cậy vào “sự luôn luôn đúng” của các cơ quan này (Quốc hội, Chính phủ...)”.

Nhiều ý kiến cho rằng dự thảo Hiến pháp (sửa đổi) lần này không có những bước thay đổi đột biến so với trước mà chỉ làm rõ thêm những ý, những nội dung mà Hiến pháp cũ đã nêu?

- Ý kiến này cơ bản là đúng. Nếu đọc Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này, chúng ta thấy như vậy. Bản dự thảo cho thấy, Ban soạn thảo đã khá công phu trong sắp xếp, tu chỉnh, diễn đạt, bố cục lại… để cho nội dung và lời văn của Hiến pháp 1992 có thể được rõ hơn, chặt chẽ hơn; cũng có một số nội dung chi tiết mới thật (như vấn đề môi trường, quyền tiếp cận văn hóa…) nhưng đột phá thì chưa có.

GS có thể cho biết thêm quan điểm cá nhân về dự thảo Hiến pháp (sửa đổi)?

- Với tư cách cá nhân, tôi cũng ít nhiều tham gia vào quá trình sửa đổi Hiến pháp. Các nguyện vọng, mong muốn và quan điểm tôi đã ít nhiều phát biểu ở các hội nghị, hội thảo, trên phương tiện truyền thông... Tôi cho rằng, không phải lúc nào chúng ta cũng có cơ hội đưa Hiến pháp ra để sửa. Dịp này là một cơ hội hiếm, cỡ hàng chục năm có một. Vì vậy, chúng ta nên sửa đổi Hiến pháp thật nghiêm túc, triệt để, dân chủ, văn minh. Đất nước ta, dân tộc ta cũng khác trước nhiều rồi, có một tầm vóc mới, cũng cần có một bản hiến pháp xứng tầm. Năm 1946 chúng ta từng có một bản Hiến pháp tầm vóc như thế trong khu vực Á Đông.

Xin cảm ơn GS!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem