Dự thảo Hiến pháp 1992 (sửa đổi): Tăng quyền cho Chủ tịch nước

Thứ ba, ngày 30/10/2012 06:45 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Không chỉ riêng Chủ tịch nước (CTN) mà từng nhánh quyền lực trong bộ máy nhà nước cũng được thể hiện rõ nét hơn.
Bình luận 0

Chiều 29.10, trao đổi với PV NTNN về một số đổi mới trong Dự thảo Hiến pháp 1992 (sửa đổi), TS Đinh Xuân Thảo - Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội khẳng định như trên.

Thưa ông, theo Dự thảo Hiến pháp 1992 (sửa đổi) vừa được trình trước Quốc hội, có một số thay đổi rõ rệt, đặc biệt là trong quyền hạn và trách nhiệm của CTN. Ông bình luận gì về những thay đổi này?

- Bộ máy nhà nước của chúng ta lâu nay không theo mô hình tổ chức nhà nước phân quyền, nhưng lại có sự phân công cụ thể giữa 3 nhánh quyền lực là lập pháp, hành pháp và tư pháp, tương đương với 3 cơ quan là Quốc hội, Chính phủ và Tòa án. Tuy CTN không thuộc 1 trong 3 nhánh quyền lực trên, nhưng lại có thẩm quyền đối với cả 3 nhánh đó.

img
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trong một chuyến thăm Ấn Độ gần đây.

CTN của ta được xác định là người đứng đầu Nhà nước về mặt đối nội, đối ngoại, nhưng không phải như mô hình nguyên thủ quốc gia một số nước bởi CTN là do Quốc hội bầu, không phải do cử tri bầu. Còn với Dự thảo Hiến pháp 1992 (sửa đổi), đặc biệt là với Chương VI quy định về CTN thì tinh thần của chương này vẫn như cũ, kể cả tên gọi. Nhưng về nội dung có những điều được làm cho rõ hơn, sâu sắc hơn.

Cụ thể như quy định vai trò của CTN là thống lĩnh các lực lượng vũ trang, Chủ tịch Hội đồng quốc phòng – an ninh. Nội hàm của quyền này trước đây chưa được làm rõ thì nay Hiến pháp sửa đổi đã làm rõ hơn, ví dụ như “thống lĩnh lực lượng vũ trang” có nghĩa là nắm lực lượng vũ trang, liên quan tới việc phong hàm tướng lĩnh.

Trước đây, Hiến pháp cũng quy định như thế, nhưng trong việc thực hiện thì phân cấp cho Chính phủ (Thủ tướng) nên CTN chỉ phong hàm từ mức thượng tướng, đại tướng trở lên. Nay thì sĩ quan cấp cao (từ cấp tướng trở lên) đều do CTN phong hết.

Theo Dự thảo Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi), được Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày tại Quốc hội sáng ngày 29.10, tại Điều 94 sửa đổi, bổ sung Điều 103 quy định CTN có những nhiệm vụ và quyền hạn: Đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Phó CTN, Thủ tướng Chính phủ; căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ; bãi bỏ văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ trái với lệnh, quyết định của CTN.

Đáng chú ý, cũng theo điều này, CTN có nhiệm vụ và quyền hạn: Thống lĩnh các lực lượng vũ trang nhân dân và giữ chức Chủ tịch Hội đồng quốc phòng và an ninh; quyết định phong hàm, cấp sĩ quan cấp tướng, đô đốc, phó đô đốc, chuẩn đô đốc hải quân; bổ nhiệm tổng tham mưu trưởng, chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam; Căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội hoặc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), công bố quyết định tuyên bố tình trạng chiến tranh. Căn cứ vào nghị quyết của UBTVQH, ra lệnh tổng động viên hoặc động viên cục bộ, công bố tình trạng khẩn cấp; trong trường hợp UBTVQH không thể họp được, công bố tình trạng khẩn cấp trong cả nước hoặc ở từng địa phương; Đặc biệt, CTN có quyền tham dự các phiên họp của UBTVQH và Chính phủ...

Vậy còn việc quy định CTN có quyền bãi miễn Thủ tướng hay có quyền yêu cầu Chính phủ họp về những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của CTN cũng là thay đổi đáng kể so với trước đây, thưa ông?

- Về mặt nguyên tắc, Thủ tướng là do ông CTN đề nghị Quốc hội bầu. Và như vậy có thể hiểu vị trí của ông CTN cao hơn ông Thủ tướng. Và khi ông CTN có quyền đề nghị bầu Thủ tướng thì đương nhiên có quyền đề nghị bãi nhiệm chức danh đó. Mà không chỉ thế, trong quá trình hoạt động, nếu CTN thấy Thủ tướng làm không tốt thì có quyền chỉ đạo, uốn nắn, phê bình để anh làm tốt hơn. Thế nhưng, việc quy định và phân công quyền hạn giữa hai chức danh này ở ta không rõ.

Ví như ông CTN có quyền đến dự cuộc họp của Chính phủ hay không, đến dự thì với tư cách nào? Như ở các nước, tổng thống tới dự cuộc họp của nội các chính phủ thì phải có ghế ngồi hẳn hoi và ở vị trí chủ tọa, trên cao. Còn ở mình thì không như vậy. Chỉ là cái ghế ngồi, nhưng đã thể hiện sự không rạch ròi trong phân quyền giữa CTN và Thủ tướng, chứ chưa nói đến chuyện công việc.

Như vậy, rõ ràng qua Dự thảo Hiến pháp (sửa đổi), quyền hạn của CTN được tăng lên nhiều?

- Tôi cho rằng, không chỉ riêng CTN mà từng nhánh quyền lực cũng được thể hiện rõ nét hơn. Ví dụ như với quyền lập pháp, vai trò của Quốc hội cũng được thể hiện sắc nét hơn.

Hay như Thủ tướng đứng đầu cơ quan hành pháp, không phải như trước đây thụ động chờ Quốc hội quyết nữa mà bây giờ được giao quyền chủ động đề xuất chính sách, như vậy là quyền đã mạnh hơn rồi. Tất cả các nhánh quyền lực đều mạnh hơn, tự khắc sẽ tạo thành sức mạnh tổng hợp của cả bộ máy chính trị.

Người ta thường nói: “Chỉ có phân công một cách rõ ràng, rạch ròi chức năng nhiệm vụ của từng người, từng bộ phận thì việc giám sát lẫn nhau mới có thể thực hiện một cách tốt nhất”. Chứ không rạch ròi thì không biết trách nhiệm của ai, cuối cùng hòa cả làng!

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem