Cần có thắng lợi quyết định cho Chiến dịch Đông - Xuân 1967-1968

Thứ ba, ngày 23/01/2018 18:30 PM (GMT+7)
Nghị quyết 13 cũng chỉ rõ rằng, lãnh đạo Đảng đã quyết định áp dụng một chiến lược hỗn hợp nhằm đạt được một thỏa thuận thông qua đàm phán với các điều khoản có lợi cho VNDCCH, nhưng cũng không làm người Mỹ mất mặt.
Bình luận 0

50 năm trước, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân 1968 đã làm rung chuyển miền Nam Việt Nam và cả nước Mỹ. Cú đánh chiến lược của Quân đội Nhân dân Việt Nam khiến cho quân Mỹ phải thay đổi chiến lược chiến tranh tại Việt Nam, từ “tìm và diệt” sang “quét và giữ”, buộc người Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán và góp phần dẫn tới Hiệp định Paris năm 1973, khi người Mỹ chấp nhận rút quân khỏi Việt Nam. 50 năm qua, nhiều nhà nghiên cứu Mỹ đã dày công tìm hiểu về cuộc tấn công chiến lược này. Một trong số đó là cuốn sách “Tiến trình bí ẩn của cuộc tấn công Tết Mậu Thân 1968” của tác giả Merle L. Pribbenow, một nhà báo, được xuất bản tại Mỹ năm 2008. Tạp chí Khám phá trân trọng giới thiệu tới bạn đọc phần trích lược từ cuốn sách này.

Ý tưởng sử dụng chiến lược vừa đánh vừa đàm không phải là điều gì mới mẻ. Tổng bí thư Lê Duẩn từng bàn về ý tưởng này trong một bài phát biểu vào dịp Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng vào tháng Mười hai 1965. Trong bài phát biểu, ông nói rõ rằng có nhiều ý kiến khác nhau ngay trong phía XHCN về việc sử dụng chiến lược “vừa đánh vừa đàm”. Ông cũng chỉ ra các điều kiện cần thiết trước khi một chiến lược như vậy có thể được sử dụng: Trước hết Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải giành được “những thắng lợi to lớn và giòn giã hơn nữa” và phải đạt được sự nhất trí ở mức độ nào đó “trong các đảng, các nước XHCN anh em… về ý tưởng vừa đánh vừa đàm.”

img

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bí thư thứ Nhất Lê Duẩn (thứ 3, từ trái sang) cùng các đồng chí trong Bộ Chính trị họp bàn và ra Nghị quyết về "Tổng công kích - tổng khởi nghĩa" vào dịp Tết Mậu Thân 1968. Ảnh chụp ngày 28.12.1967 tại Hà Nội

Nhiệm vụ tìm kiếm sự đồng thuận với “các nước xã hội chủ nghĩa anh em” thuộc về các nhà ngoại giao và lãnh tụ chính trị của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH). Liên Xô đang mạnh mẽ thúc đẩy giới lãnh đạo VNDCCH bước vào đàm phán, trong khi Trung Quốc kịch liệt phản đối mọi thương thuyết với Mỹ.

Tuy nhiên, trước khi các cuộc đàm phán có thể bắt đầu, trước hết Quân đội Nhân dân Việt Nam (QĐNDVN) cần giành được một thắng lợi quan trọng ở mặt trận nhằm tạo ưu thế cho các nhà ngoại giao trên bàn đàm phán với người Mỹ. Như Bộ trưởng Nguyễn Duy Trinh trình bày trong báo cáo của ông tại Hội nghị Trung ương, “khi chưa giành được thắng lợi đó thì trên bàn hội nghị cũng chưa giành được thắng lợi.”

Để hỗ trợ cho chiến lược vừa đánh vừa đàm, Nghị quyết 13 của Trung ương kêu gọi một “quyết tâm cao độ… để giành thắng lợi quyết định trong thời gian tương đối ngắn”. Một “thắng lợi quyết định” được định nghĩa như là thắng lợi gây ra tổn thất nặng nề cho quân Mỹ, tiêu diệt một lực lượng lớn của quân đội Việt Nam Cộng hòa nhằm làm cho quân đội đó trở nên tê liệt, và tạo ra một cuộc “tổng công kích - tổng khởi nghĩa” tại các thành phố và các vùng nông thôn. Mục đích tối hậu là làm cho chính quyền Việt Nam Cộng hòa sụp đổ và thay thế bằng một chính quyền liên hiệp. Đồng thời kiên quyết đàm phán một thỏa thuận cho phép Mỹ rời khỏi Việt Nam mà không bị mất mặt.

Tuy nhiên, nghị quyết cũng rất rõ ràng ở điểm cuộc tổng công kích - tổng khởi nghĩa sẽ chỉ được tiến hành vào thời điểm cuối của một tiến trình dần dần, từng bước một: “Kết hợp với đấu tranh chính trị, chúng ta phải xây dựng thực lực, từng bước giành quyền làm chủ của ta ở các đô thị, làm yếu sự kiểm soát của địch, đẩy mạnh phong trào đô thị, tạo điều kiện tiến lên tổng tấn công và tổng khởi nghĩa.”

Chưa hề có một ý nghĩ nào về việc tung ra một cuộc tổng công kích - tổng khởi nghĩa một mất một còn tại các thành phố trước khi lực lượng quân sự của kẻ thù bị suy yếu.

img

Lực lượng vũ trang Sài Gòn - Gia Định chuẩn bị bước vào cuộc tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968.

Nghị quyết 13 cũng chỉ rõ rằng, lãnh đạo Đảng đã quyết định áp dụng một chiến lược hỗn hợp quân sự chính trị ngoại giao hướng tới đạt được một thỏa thuận qua đàm phán với các điều khoản thuận lợi cho phía VNDCCH. Nhưng điều này không gây ra một thất bại rõ ràng và không làm người Mỹ mất mặt. Quyết định này mang ý nghĩa lý lẽ “những cuộc chiến lớn” đã chiến thắng, bởi chiến lược mới đòi hỏi một thành công quân sự nhanh chóng và có tầm vóc lớn theo một cách nào đó. Mục đích là mang lại cho các nhà ngoại giao cộng sản lợi thế mà họ cần để đàm phán về một giải pháp chấp nhận được.

Quyết định của đảng có thể dự đoán theo hai nhận định sau đây: (1) Các đánh giá về mặt chính trị trước kỳ bầu cử tổng thống Mỹ năm 1968 có thể khiến cho người Mỹ hướng theo một thỏa thuận như vậy, và (2) nếu không nhanh chóng có động thái, người Mỹ có thể quyết định trước và tiến hành một dạng hành động quân sự lớn nào đó (chẳng hạn tấn công ồ ạt miền Bắc Việt Nam hoặc tấn công sang Lào để cắt đứt đường mòn Hồ Chí Minh) nhằm phá vỡ thế bế tắc và kết thúc chiến tranh với lợi thế thuộc về Mỹ trước kỳ bầu cử.

Tháng Tư năm 1967, lãnh đạo cấp cao của Bộ Tổng Tham mưu gặp nhau để thảo luận về các đường hướng cho một kế hoạch nhằm giành một “thắng lợi quyết định” trong chiến dịch “đông-xuân” 1967-1968. Bộ Tổng Tham mưu nhấn mạnh các mối đe dọa và cho rằng các lực lượng QĐNDVN phải thọc sâu thật nhanh, trong lúc Mỹ vẫn đang xem xét việc thay đổi chiến lược.

(Chính vào lúc này tướng William Westmoreland vừa mới gửi một yêu cầu tới Washington đòi tăng thêm hai trăm nghìn quân, các lực lượng có thể được sử dụng cho các cuộc tấn công trên bộ vào VNDCCH hoặc Lào). Lãnh đạo Bộ Tổng Tham mưu miêu tả tình thế như sau: “Nếu mùa hè 1967 ta không tạo được chuyển biến để giành thắng lợi thì cả hai miền Nam-Bắc sẽ gặp nhiều khó khăn trong năm 1968.”

PV (Khám Phá)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem