Để mổ xẻ vấn đề này, phóng viên NTNN đã trao đổi với Giáo sư Phạm Song - nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội Y học VN.
Thưa Giáo sư, tại sao việc quản lý giá thuốc lại khó khăn đến như vậy, sự khó khăn thậm chí nhiều người còn mô tả như là sự bất lực?
- Tôi cho rằng mặc dù các cơ quan quản lý đều cho rằng quản lý giá thuốc dù khó khăn, nhưng vẫn quản lý được, thậm chí lãnh đạo Bộ Y tế còn khẳng định giá thuốc tại các nhà thuốc bệnh viện rẻ hơn ngoài thị trường…
|
Giá thuốc chữa bệnh tăng cao khiến nhiều người bệnh phải cân nhắc, lựa chọn. (Ảnh minh họa). |
Nhưng theo tôi, phải nhìn thẳng và công nhận một sự thật là chúng ta chưa đủ sức để quản lý giá thuốc, khiến nó vì cả lý do chủ quan lẫn khách quan đã tăng khó kiểm soát được. Còn nguyên nhân sâu xa hơn khiến chúng ta không quản lý nổi vì chúng ta phải nhập tới 50% thuốc thành phẩm và 90% nguyên liệu và phụ gia để sản xuất thuốc nên khi đầu vào tăng 1, sẽ khiến đầu ra tăng gấp 1,5 đến 2 lần.
Trong đợt tăng giá thuốc vừa qua, các doanh nghiệp đều giải thích do tỷ giá tăng, xăng dầu, cước vận chuyển tăng… Liệu đây có phải là các nguyên nhân hợp lý khiến giá thuốc tăng hay không?
|
Giáo sư Phạm Song - nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội Y học VN |
- Tất nhiên, mọi yếu tố đầu vào tăng sẽ gián tiếp khiến giá thuốc tăng. Tuy nhiên, mình mua thuốc của người ta, thì giá như thế nào mình không có nhiều cơ hội để lựa chọn. Mặc dù hiện nay chúng ta có quy chế đấu thầu để tránh độc quyền nâng giá, nhưng làm rất khó để ngăn cản họ liên kết tăng giá. Và tình hình sẽ không mấy khả quan khi chúng ta hết hạn hàng rào thuế quan.
Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng: Do chưa có quy định cụ thể về mức chênh lệch giữa giá nhập khẩu và giá bán buôn, bán lẻ nên mới có tình trạng mua một giá, nhưng bán giá cao gấp 2-3 lần. Theo giáo sư, việc thành lập Quỹ bình ổn giá thuốc có phải là cơ chế tốt để kiểm soát được giá thuốc không?
- Tôi cho rằng khi chúng ta chưa xây dựng được ngành công nghiệp hóa dược tốt sẽ khó để nói về vấn đề làm sao để quản lý giá thuốc được. Hiện nay, mặc dù Bộ Y tế đã hình thành Quỹ bình ổn giá thuốc đã đi đến giai đoạn 2 và số hoạt chất được dự trữ hiện vào khoảng 204 hoạt chất, sẽ tăng gấp 3 lần nhưng chắc chắn sẽ "đụng" khi chưa có nền công nghiệp hóa dược hoàn chỉnh.
Biện pháp dự trữ nguyên liệu chỉ là biện pháp tình thế, và cần phải điều tra, chọn lựa thích đáng chất cần dự trữ (tránh như trường hợp Tamiflu). Lâu dài chúng ta phải chiết xuất và làm ra thuốc từ nguyên liệu có sẵn trong nước thì mới giải quyết chuyện giá thuốc tận gốc được. Ngoài ra, chưa kể theo thống kê của thế giới thì đầu tư vào lĩnh vực dược sẽ tốn ít vốn nhất mà lại thu lại được lợi nhuận cao nhất.
Hoạt động khuyến mại, quảng cáo thuốc đang được cho là nguyên nhân khiến giá thuốc tăng. Quảng cáo ảnh hưởng thế nào đến giá, thưa Giáo sư?
- Hiện tại việc quảng cáo thuốc chiếm tới 30% giá thành của thuốc. Đôi khi tôi là một người tiêu dùng có am hiểu về thuốc, và lĩnh vực y tế mà còn khó có thể tránh được những thông tin dồn dập do quảng cáo đưa lại.
Bên cạnh đó, việc kê đơn của bác sĩ cũng vô hình chung tiếp tay cho giá thuốc tăng. Ngày xưa tôi đi học, thầy giáo dạy không kê đơn quá 3 loại thuốc, bởi nói nôm na cơ chế của bệnh là tự khỏi. Thế nhưng, nay đơn thuốc có khi lên tới gần 10 loại.
Trong vấn đề kiểm soát giá thuốc, tại sao đã có kê khai, đăng ký nhưng vẫn xảy ra tình trạng loạn giá thuốc, các cơ quan quản lý hầu như không kiểm soát được. Thưa Giáo sư, phải chăng quy định kê khai chỉ là hình thức?
Nguyên nhân sâu xa hơn khiến chúng ta không quản lý nổi vì chúng ta phải nhập tới 50% thuốc thành phẩm và 90% nguyên liệu và phụ gia để sản xuất thuốc nên khi đầu vào tăng 1, sẽ khiến đầu ra tăng gấp 1,5 đến 2 lần.
GS.VS Phạm Song
- Mỗi khi có thông tin tăng giá thuốc, sở y tế các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM… lại tiến hành thanh kiểm tra, nhưng chẳng thể xử phạt được cơ sở nào tăng giá thuốc vì họ đều tăng dưới mức giá kê khai. Thế nên kê khai giá sẽ chỉ là hình thức, là vớ vẩn nếu chúng ta chỉ chăm chăm quản lý phần ngọn.
Tôi cho rằng chỉ khi nào chúng ta đầu tư nặng tay cho ngành dược để sản xuất thuốc như khi chúng ta đầu tư cho điện, cho Vinashin thì khi ấy thuốc sẽ rẻ và sẽ không thể có tình trạng tăng giá bất hợp lý được.
Nếu Nhà nước có chính sách đầu tư hợp lý, thích đáng thì tôi cho rằng chỉ 5 năm thôi chúng ta sẽ có 50% (trong số 180 nhà máy sản xuất thuốc hiện nay) doanh nghiệp sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn GMP-WHO, lúc đó việc bình ổn và kiểm soát giá thuốc sẽ không có gì đáng lo ngại.
Xin cám ơn Giáo sư!
Hương Thủy (thực hiện)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.