Chính vì thế, rất nhiều ý kiến đã đề nghị dự thảo phải tập trung làm rõ sự khác nhau giữa hai quyền này trong phiên thảo luận tại Quốc hội chiều 15.11.
Đại biểu (ĐB) tỉnh Quảng Trị Phạm Đức Châu cho rằng, việc mở rộng thêm nhiều quyền thuộc “quyền con người” đề ra trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp là rất quan trọng.
|
Đại biểu Triệu Là Pham (Hà Giang) phát biểu thảo luận chiều 15.11. |
“Tuy nhiên cần có sự phân biệt về chế độ pháp lý giữa quyền con người và quyền công dân. Theo cá nhân tôi, Nhà nước dân chủ là phải luôn tôn trọng bảo vệ quyền của con người, quyền tự do của con người. Nhưng Nhà nước cũng phải bảo vệ quyền công dân khi quyền này bị vi phạm. Nếu không làm rõ hai quyền này, sẽ có sự nhập nhằng và chồng chéo khi thực hiện luật” - ông Châu nhấn mạnh.
ĐB Nguyễn Doãn Khánh (Phú Thọ) thì cho rằng, việc chưa khẳng định một cách minh bạch sự khác nhau giữa “quyền con người” và “quyền công dân” chính là 1 trong 4 hạn chế của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.
“Từ quyền công dân tới quyền con người, chúng ta thấy có nhiều quy phạm đạo đức được chuyển hóa thành quy phạm pháp luật, nhưng trong dự thảo sửa đổi lại không đề cập đến, không mang tính kế thừa, đó là một hạn chế cần khắc phục. Ngoài ra, dự thảo cũng không đề cập tới trách nhiệm của cơ quan nhà nước về bảo hộ quyền của người VN khi họ định cư ở nước ngoài trong khi Hiến pháp 1992 có quy định rõ điều này” - ĐB Khánh phân tích.
“Đây là lần đầu tiên chúng ta đưa quy định quyền con người vào Hiến pháp, vì thế cần quy định rõ về quyền chính trị, kinh tế nằm trong quyền con người”.
Đại biểu Huỳnh Nghĩa
Đồng quan điểm, ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) cho rằng: “Đây là lần đầu tiên chúng ta đưa quy định quyền con người vào Hiến pháp, vì thế cần quy định rõ về quyền chính trị, kinh tế nằm trong quyền con người”.
ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) cũng chỉ rõ: “Quyền con người phải được Nhà nước bảo vệ bằng Hiến pháp và pháp luật. Còn quyền công dân được quy định trong Hiến pháp và pháp luật thì phải gắn chặt với các nghĩa vụ của công dân”.
ĐB Triệu Là Pham (Hà Giang) đề nghị Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 bổ sung thêm quy định với tài nguyên biển đảo để nâng tầm quan trọng của biển đảo. Ông Pham cũng đề nghị bổ sung chế định bỏ phiếu tín nhiệm với HĐND, các cơ quan dân bầu hàng năm để kiểm soát chất lượng của các cơ quan này.
“Cần bổ sung quy định về Đảng Cộng sản Việt Nam trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992” là đề nghị của ĐB Doãn Thế Cường (Hưng Yên). Cụ thể là “Đảng phải gắn bó với nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân đối với các quyết sách, chủ trương của mình”. Còn ĐB Ya Duck (Lâm Đồng) yêu cầu bổ sung quyền phúc quyết của nhân dân vào Hiến pháp sửa đổi như bản Hiến pháp 1946 đã từng có.
Hải Phong
Vui lòng nhập nội dung bình luận.