Cần giải pháp tổng thể

Thứ bảy, ngày 14/04/2012 06:44 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - NTNN số 89 phản ánh bức xúc của cựu chiến binh Hà Nội có hồ sơ viêm dây thần kinh ngoại biên nhưng khi giám định lại không được công nhận nạn nhân chất độc da cam. Xung quanh vấn đề này, PV NTNN đã phỏng vấn Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh.
Bình luận 0

Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh cho biết: Vụ việc này, tôi chưa được nghe phản ánh nhưng thực tế giám sát của chúng tôi thì xảy ra ở khá nhiều tỉnh. Năm 2009, Bộ Y tế công bố 17 bệnh được công nhận là do ảnh hưởng của phơi nhiễm chất độc da cam.

img
Cựu chiến binh ở Hà Nội đi giám định bệnh viêm dây thần kinh ngoại biên.

Vì nạn nhân chất độc da cam nhiều nên có quan điểm người nào già cả thì được làm giám định, xác nhận hồ sơ trước, bệnh nào nhiều quá và không rõ ràng về lý do gây bệnh thì chưa làm, như bệnh viêm dây thần kinh ngoại biên, tiểu đường tuýp 2.

Về bệnh học, Bộ Y tế đã xác định rõ nhưng lại chưa đề ra tiêu chí để hướng dẫn khám, giám định cụ thể. Hơn nữa, hồ sơ lại đòi hỏi quá cao: Phải có bệnh án từ chiến tranh tới trước năm 2008, phải chứng minh đã từng ở vùng có chất độc hoá học… Nhiều người không giữ bệnh án, giấy tờ, từ đó nảy sinh ra tiêu cực, phải chạy chọt để làm. Có thể Hà Nội lo ngại lạm dụng nên họ làm quá chặt theo đúng quy trình đó.

Về phía cán bộ giám định, họ cho rằng không có bệnh nào mà sau 40 năm nhiễm chất độc mới phát, Thượng tướng có đồng tình với quan điểm này?

- Họ nói không đúng, chất độc hoá học nhiễm vào người, ai sức đề kháng không tốt thì phát bệnh ngay, nhưng có người khoẻ thì giờ mới phát. Hơn nữa, sau chiến tranh, nhiều cựu chiến binh có suy nghĩ còn sống trở về là mừng rồi, không để ý những cái khác. Giờ Nhà nước có chính sách hỗ trợ (từ 1,2-1,8 triệu đồng/người/tháng- PV), nhiều người nghĩ đó là hình thức tri ân nên họ mới làm, và lúc đó họ mới đi khám, có bệnh án…

Nhưng cái lý của cán bộ giám định là không thể kết luận bệnh viêm dây thần kinh ngoại biên do chất độc hoá học hay do lý do nào khác. Vậy làm thế nào để khi giám định tránh bị lạm dụng mà không bỏ sót nạn nhân thật sự?

- Bộ Y tế đã kết luận 17 bệnh do chất độc da cam gây ra theo các nghiên cứu khoa học của Mỹ. Về bệnh học, việc phát bệnh của nạn nhân chất độc da cam và người thường là như nhau, chủ yếu căn cứ vào thời gian họ tham gia chiến trường.

Thực tế, về tiêu cực, Bộ Y tế, Bộ LĐTBXH nói thế nhưng chưa nơi nào báo cáo được có bao nhiêu người phải chi tiền mới đươc công nhận nạn nhân chất độc da cam. Những nơi chúng tôi giám sát thì 99% số nạn nhân được công nhận từng đi chiến trường, nơi có rải chất độc. Chỉ duy nhất ở Thái Nguyên có bác sĩ nhận tiền của nạn nhân để làm bệnh án giả, người này đã bị xử lý hình sự. Theo tôi tỷ lệ này không cao. Nếu vì nói lạm dụng mà đưa ra “hàng rào” xét duyệt quá chặt, tới mức không ai vượt qua được thì phải xem lại chính sách và cách làm.

“Vừa rồi, chúng tôi có điều tra cỡ mẫu nhỏ ở Ninh Bình, Tây Ninh thì số nạn nhân thực tế cao gấp 5-7 lần số được công nhận”.

Về phía Hội, Thượng tướng có đề nghị gì để tháo gỡ thực trạng này?

- Thực tế thời điểm 2010, Bộ LĐTBXH có công văn dừng giám định một số bệnh do lo ngại lạm dụng chính sách, sau khi Hội có ý kiến, Bộ mới bãi bỏ công văn này. Theo báo cáo của Bộ LĐTBXH, còn hơn 50.000 hồ sơ xác nhận nạn nhân còn tồn đọng, chưa giám định nhưng thực tế còn tồn đọng nhiều hơn. Riêng Bộ Y tế, tiêu chí để giám định nạn nhân chưa xác định được, chức năng là của Bộ Y tế, nhưng họ lại đùn lên Chính phủ.

Vừa rồi, Hội có làm việc với Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, ông đã kết luận Bộ Y tế phải ban hành tiêu chí giám định nạn nhân, Bộ LĐTBXH phải thực hiện tổng điều tra nạn nhân; Bộ Quốc phòng, Bộ Tài nguyên - Môi trường công bố chính xác các vùng bị nhiễm chất độc da cam, giải mã phiên hiệu các đơn vị để có căn cứ xác định giấy tờ của cựu chiến binh tương ứng họ ở vùng nào trong chiến tranh. Đó chính là cách tháo gỡ từ gốc để cựu chiến binh chứng minh thực tế chiến đấu, mắc bệnh của mình.

Xin cảm ơn Thượng tướng!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem