Cần hỗ trợ nhà nông khai báo tai nạn

Thứ tư, ngày 06/11/2013 07:06 AM (GMT+7)
“Tai nạn khi làm việc thì nhiều lắm, nhưng chúng tôi khai báo với ai, khai báo thì được gì? Có thương tích gì, chúng tôi cũng đều phải bán thóc, bán gà lấy tiền đi viện”.
Bình luận 0
Ông Nguyễn Bá Ninh- nông dân ở huyện Quỳnh Phụ (tỉnh Thái Bình), người vừa bị tai nạn gãy tay khi đang tuốt lúa bày tỏ như vậy về vấn đề khai báo tai nạn lao động (TNLĐ) trong nông nghiệp.

Bức màn mờ ảo về tai nạn

Ông Bùi Hữu Khang – Trưởng phòng LĐTBXH huyện Quỳnh Phụ thừa nhận: “Huyện Quỳnh Phụ chưa thống kê được trường hợp TNLĐ trong nông nghiệp trên địa bàn. Tuy nhiên, chúng tôi được biết, tại đây có khá nhiều nông dân bị thương tích khi đang làm việc”.

Máy xay xát là thiết bị gây nhiều tai nạn ở nông thôn.
Máy xay xát là thiết bị gây nhiều tai nạn ở nông thôn.

Ông Nguyễn Bá Ninh cho biết, trong xóm ông hiện đang có ít nhất 4 người nằm nhà như ông vì TNLĐ, có người bị gãy chân do máy cày đè lên, có người bị tổn thương mắt do hạt lúa bắn vào… “Nhưng tất cả tai nạn này, chúng tôi tự đưa nhau đi cấp cứu ở bệnh viện tỉnh, tự bỏ tiền trả viện phí, chẳng khai báo ai cả”- ông Ninh nói.

Theo số liệu điều tra của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), ước tính hàng năm có khoảng 20.000 lượt người bị TNLĐ trong nông nghiệp với 1.500 trường hợp tử vong. Tuy nhiên, cả nước chưa hề có một báo cáo tổng thể về thực trạng TNLĐ trong nông nghiệp và làng nghề để có những cảnh báo cần thiết cho từng loại hình tai nạn.

Bộ Y tế cũng đã “giao nhiệm vụ” cho một số trạm y tế xã thống kê tai nạn thương tích, trong đó có tai nạn tại nơi làm việc của nông dân, nhưng hầu như không trạm y tế nào có số liệu này. Một bác sĩ ở Quỳnh Phụ (Thái Bình) lý giải, khi có tai nạn nặng, nông dân thường chở cấp cứu lên thẳng bệnh viện huyện, tỉnh, không qua trạm y tế xã nên không thể vào sổ theo dõi.

Cần có cơ chế khuyến khích khai báo

“Nông dân được gì khi khai báo tai nạn?” là câu hỏi hết sức hợp lý, và cần được trả lời. Ông Bùi Hữu Khang bày tỏ, hiện nay đã triển khai các bảo hiểm nông nghiệp để hỗ trợ nông dân khi có rủi ro trong sản xuất (thiên tai, mất mùa). Tuy nhiên, tại các khu vực nông thôn, chưa có hình thức bảo hiểm nào khi nông dân bị TNLĐ.

Như vậy, nếu có các hỗ trợ (từ BHYT, bảo hiểm TNLĐ), nông dân sẽ sẵn sàng khai báo để có hưởng các chính sách hỗ trợ ngày nghỉ ốm, hỗ trợ viện phí “như công nhân, cán bộ”… Muốn vậy, cần có thêm những bảo hiểm riêng cho TNLĐ trong nông nghiệp, khuyến khích nông dân tham gia dưới nhiều hình thức.

Ngay cả với bảo hiểm y tế (BHYT), Nhà nước đã có chính sách BHYT tự nguyện dành cho tất cả các đối tượng, và BHYT miễn phí dành cho người nghèo, cận nghèo nhưng nông dân ít quan tâm. Ghi nhận tại huyện Quỳnh Phụ (Thái Bình) cũng cho thấy, BHYT tự nguyện, BHYT cận nghèo có rất ít người tham gia. Ngoài ra, tâm lý chung của hầu hết nông dân là bệnh rồi mới phòng. Do đó, khi xảy ra tai nạn họ mới tìm đến bảo hiểm.

Mới đây nhất, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt triển khai gói bảo hiểm lãi suất vốn vay cho nông dân trị giá 5.000 tỷ đồng, có quy định một trong những đối tượng được bảo hiểm miễn phí lãi suất vốn vay là những nông dân bị TNLĐ nghiêm trọng hoặc tử vong. Như vậy, đây cũng là một “kênh” để tiếp nhận thông tin khai báo tai nạn.

Lê An- Ngô Xuân (Lê An- Ngô Xuân)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem