Cần làm rõ "lạm thu" hàng tỷ đồng tại Trường tiểu học Quang Minh A

Việt Tùng Thứ hai, ngày 12/10/2015 08:13 AM (GMT+7)
Tổ chức dạy thêm vào thứ Bảy, Chủ nhật, dạy văn hóa ngoài giờ, lạm thu và bỏ ngoài sổ sách nhiều khoản phí như vệ sinh, xã hội hóa, tiền ăn bán trú, biến nhà thể chất gần 5 tỷ đồng thành nhà ăn... Đó là những gì đang xảy ra tại Trường Tiểu học Quang Minh A tại Mê Linh, Hà Nội.
Bình luận 0

Thu sai vẫn không trả lại

Theo đơn phản ánh của các phụ huynh (PH), Trường Tiểu học Quang Minh A có 1.091 học sinh (HS). Hai năm gần đây bà Ngô Thị Hường – Hiệu trưởng nhà trường đã thu nhiều khoản phí như học thêm, trông giữ ngoài giờ, bán trú, xã hội hóa, vệ sinh… dù Bộ, Sở và Phòng Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã có nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn không được thu.

Cụ thể, ngày 10.9.2013 Sở GDĐT Hà Nội ra Công văn 8843 quy định: “Các trường đã học 2 buổi/ngày tổ chức các câu lạc bộ trông trẻ phải được cấp phép; đảm bảo cơ sở vật chất; phù hợp với nhu cầu của PH và học các môn như âm nhạc, mỹ thuật, cờ vua… do giáo viên chuyên môn phụ trách”.

Song, Trường Tiểu học Quang Minh A vẫn tổ chức trông giữ HS (từ 16 giờ 15 đến 16 giờ 35) để dạy văn hóa, rồi thu 60.000 đồng/HS/tháng không đưa vào sổ sách thu chi.

img

Trường Tiểu học Quang Minh A (Mê Linh, Hà Nội). Ảnh: V.T

Sau khi các PH phản ánh, ngày 14.11.2014 Phòng GDĐT Mê Linh  ra Công văn 525 nêu rõ: “Các trường tiểu học trong toàn huyện không được phép thu khoản trông giữ trẻ ngoài giờ. Trường nào đã thu phải trả lại cho cha mẹ học sinh”. Theo đó, trong 9 tháng số tiền trường đã thu gần 600 triệu đồng, hiện vẫn chưa trả lại cho PH học sinh như quy định.

Không chỉ trông giữ ngoài giờ, nhà trường còn tổ chức dạy thêm thứ 7, chủ nhật và thu 800.000 đồng/HS/năm (khoảng 872 triệu đồng/năm). Trao đổi với PV, bà Hường cho biết, việc trông ngoài giờ là có và bà biết các công văn chỉ đạo của Bộ, Sở và Phòng GDĐT đã cấm các trường dạy thêm, trông giữ ngoài giờ. “Nhưng chúng tôi trông giữ ngoài giờ là vì các PH có đơn yêu cầu” – bà Hường lý giải.

Kiểm tra các đơn và danh sách mà bà Hường cho rằng do PH viết,  thì đa số các tên đều cùng một màu mực, nét bút của một người viết. Ông Bùi Văn Công – Trưởng phòng GDĐT huyện Mê Linh cũng thừa nhận: “Không cần giám định, bằng mắt thường cũng có thể khẳng định do một người viết, ký tên cho nhiều PH”.

Bỏ ngoài sổ sách cả tỷ đồng

" Việc để xảy ra dạy thêm, dạy ngoài giờ và thu tràn lan các khoản phí trách nhiệm thuộc Phòng GDĐT huyện. Cô Hường tự ý cải tạo, biến nhà thể chất thành nhà ăn là không được. Huyện sẽ thành lập đoàn kiểm tra làm rõ các khoản thu, chi, vệ sinh an toàn thực phẩm ở bếp ăn bán trú, cương quyết xử lý nghiêm nếu vi phạm”. 
Ông Hoàng Anh Tuấn – Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh 

Khi được hỏi về các giấy tờ, phiếu thu, chi, bà Hường bảo, vì đa số các khoản là do giáo viên chủ nhiệm, hoặc Hội cha mẹ HS thu nên không có phiếu thu. “Các khoản như dạy thêm, trông giữ ngoài giờ thì 70% chi trả cho các giáo viên tham gia dạy, còn lại chi cho công tác quản lý, khấu hao cơ sở vật chất” – bà Hường cho hay.

Bên cạnh đó, rất nhiều PH tỏ ra bức xúc khi nhà trường tự ý biến nhà thể chất được đầu tư gần 5 tỷ đồng thành nhà ăn. Nền nhà cũng đã được lát gạch trơn, thay vì gạch có ma sát như trước đây. “Họ lát lại toàn bộ gạch trơn, nên khi các cháu chạy nhảy, đá cầu rất nguy hiểm, nhiều cháu đã trượt ngã trầy xước, thâm tím chân tay…” - bà Đỗ Thị Hựu, một PH học sinh bức xúc.

Lý giải về vấn đề này, bà Hường cho biết, vì nhà trường chưa có nhà ăn, nên đã cải tạo nhà thể chất để làm nhà ăn bán trú. “Do nền nhà xuống cấp quá, nền bong tróc rất bụi, các giáo viên thể chất cũng phàn nàn bụi quá họ không dạy được, nên trường đã cho công ty Nhật Minh lát lại bằng gạch trơn” - bà Hường giải thích.

 Như vậy, các dấu hiệu sai phạm tại Trường Tiểu học Quang Minh A, cụ thể là của bà Hiệu trưởng là khá rõ; đề nghị ngành chức năng ở Mê Linh sớm vào cuộc, làm rõ. 

Theo nhẩm tính của anh Nguyễn Văn Dũng - một phụ huynh học sinh Trường Quang Minh A, tính cả học phí, đồng phục... mỗi HS phải đóng 4 - 5 triệu đồng/năm. “Nhà có 2 cháu, với thu nhập bấp bênh từ nông nghiệp, đây quả là một gánh nặng, tôi đã phải vay “nóng” để đóng tiền học cho con” - anh Dũng nói.  

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem