Càn Long vừa đăng cơ, nhân vật nào lập tức bị xử tử?

Thứ tư, ngày 18/08/2021 06:30 AM (GMT+7)
Vì sao Càn Long lại làm trái ý định của Ung Chính, khép ngay 1 nhân vật vào tội chết?
Bình luận 0

Sự phân cấp thứ bậc rất được coi trọng trong xã hội phong kiến xưa, và có một tội danh được gọi là "tội ác tày trời" khiến cho bất cứ triều đại nào cũng phải lưu tâm đến, đó là tội mưu phản.

Nếu như phạm phải tội tày đình này, toàn gia đình thậm chí là toàn gia tộc của người đó sẽ bị liên lụy, tru di tam tộc, cửu tộc là chuyện không hiếm thấy.

Tội mưu phản có tính nghiêm trọng đến như vậy nên có một câu chuyện xảy ra vào thời Ung Chính đã khiến không ít người ngạc nhiên đến không lý giải nổi: Đương triều có một tú tài liên quan đến tội mưu phản, ấy vậy mà Ung Chính không những giữ lại vị tú tài này không giết, mà còn hứa với tú tài: "Chỉ cần ta còn sống 1 ngày sẽ không ai dám động đến ngươi".

Lời hứa của Hoàng đế đáng giá ngàn vàng. Vậy nhưng khi Ung Chính chết đi, Càn Long vừa lên ngôi, vị tú tài đã bị xử tử.

Thư sinh nung nấu ý đồ mưu phản

Vị tú tài được nhắc đến là một thư sinh tên Tằng Tĩnh. Nhìn vào chuyện kinh thiên động địa là mưu phản mà Tằng Tĩnh làm không ai nghĩ người này lại là một thư sinh, đã thi được tú tài ở thời Ung Chính.

Đừng nhìn vào bộ dạng "chân yếu tay mềm" của thư sinh mà coi thường họ, họ được đọc sách được học hành nên thế giới của họ cũng được mở mang ra rất nhiều, do đó việc họ nảy sinh suy nghĩ "cải cách" là điều tất yếu sẽ xảy ra.

Điểm hữu dụng lớn trong chế độ thi cử của xã hội xưa là ổn định được những nhóm trí thức, để cho họ vào triều làm quan, như thế sẽ tránh được việc họ suy nghĩ ngông cuồng, làm xằng làm bậy.

Thế nhưng trong thực tế lịch sử phong kiến Trung Quốc, vẫn có không ít trường hợp các thư sinh này mang trong mình tư tưởng vùng lên, đối đầu với chính quyền đương thời.

Việc thư sinh làm "náo loạn" trốn cung đình phải kể đến như thư sinh Hoàng Sào thời Đại Đường, Hồng Tú Toàn thời mãn Thanh, và thời của Ung Chính là Tằng Tĩnh.

Càn Long vừa đăng cơ, nhân vật nào lập tức bị xử tử? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Vì bản thân luôn ở trong trạng thái chán ghét thời cuộc nên chỉ vì một bài văn, ngọn lửa nổi dậy đã nhen nhóm lên trong đầu Tằng Tĩnh. Bài văn này đã có rất nhiều đánh giá về Hoàng đế đương triều là Ung Chính. Tác giả của bài văn là Lã Lưu Lượng.

Lã Lưu Lượng sống trong khoảng thời gian cuối nhà Minh đầu nhà Thanh, do đó đã chứng kiến rất rõ sự diệt vong của nhà Minh, ông ta luôn tự cho rằng bản thân là một con dân Đại Minh còn sót lại.

Lã Lưu Lượng cũng đã từng tổ chức nghĩa quân chống lại nhà Thanh và bài văn này cũng là sự tiếp diễn trong dòng tư tưởng và quan điểm của ông ta.

Lã Lưu Lượng cho rằng kẻ thống trị Đại Thanh là một kẻ xâm lược man rợ, nội dung bài văn được viết lên bằng những chứng cứ luận điểm rõ ràng, câu chữ lưu loát phong phú, những câu chữ đầy ý phê phán đó đã làm cho nhà Thanh trong mắt người đời trở nên xấu xa, tồi tệ.

Sau khi xem xong bài văn của Lã Lưu Lượng,Tằng Tình đã đột ngột hiểu ra vấn đề và càng ngẫm lại càng cảm thấy thú vị.

Do đó, người này đã cử người của mình đến Lã gia ở Chiết Giang để tìm hỏi về sách của Lã Lưu Lượng. Khi đó Lã Lưu Lượng đã chết, con trai của họ Lã đã đem tác phẩm của cha mình truyền ra bên ngoài.

Càn Long vừa đăng cơ, nhân vật nào lập tức bị xử tử? - Ảnh 2.

Chân dung Lã Lưu Lượng.

Sau khi đọc xong một lượt tác phẩm của Lã Lưu Lượng, Tằng Tĩnh càng kiên định hơn với niềm tin "phản Thanh phục Minh" của mình và dự định sẽ thừa kế thực hiện tiếp những ý định, mong muốn của Lã Lưu Lượng khi còn sống, để hoàn thành mục tiêu đuổi cổ nhà Thanh man rợ ra khỏi Trung Nguyên.

Niềm tin của Tằng Tĩnh vô cùng kiên định, nhưng có một sự thực mà Tằng Tĩnh không thể không đối mặt, đó là trong tay Tằng Tĩnh không có binh để điều động, trong mặt trận tư tưởng văn hóa, tác dụng của cây bút trong tay những thư sinh như Tằng Tĩnh là vô cùng vô tận nhưng khi đến thực tế để thực hiện được ý đồ đảo chính, thì sức mạnh của những "bút lực" đó là không đủ.

Bí mật bị tiết lộ

Sau khi Ung Chính lên ngôi và đã ngồi chắc ở vị trí ngai vàng, ông liền bắt đầu tính toán thanh trừng, đầu tiên là giam lỏng em trai Dận Lễ, tiếp đến là bắt những đồng đảng của Dận Lễ đi khổ sai ở tỉnh Quảng Tây ngày nay.

Trên đường lưu đày, những người này có đi qua quê hương Hồ Nam của Tằng Tĩnh. Chính họ đã rêu rao những lời nhận xét rất khó nghe, rằng Ung Chính giành ngôi bằng thủ đoạn không quang minh chính đại.

Xã hội cổ đại rất coi trọng "Danh chính ngôn thuận", một hoàng đế thừa hưởng ngôi vua mà danh không chính ngôn không thuận, xã hội lại đang trong tình thế rối ren loạn lạc, rất dễ xảy ra biến động.

Tằng Tĩnh tin theo lời đồn, đồng thời cũng tự cảm thấy đại hạn của Đại Thanh đã đến, liền lập tức chuẩn bị kế hoạch "phản Thanh phục Minh".

Và vấn đề đã được nhắc đến ở trên lại xuất hiện: Lực lượng binh quyền. Để giải quyết vấn đề này, Tằng Tĩnh đã nhắm đến một "đối tác" trong kế hoạch lần này: Tổng đốc Tứ Xuyên – Thiểm Tây Nhạc Chung Kì.

Về Nhạc Chung Kì, tổ tiên của vị tướng này là Nhạc Phi. Nhạc Phi là một danh tướng đánh quân Kim thời Nam Tống vô cùng lừng lẫy, cả cuộc đời ông chống trả người Kim.

Càn Long vừa đăng cơ, nhân vật nào lập tức bị xử tử? - Ảnh 3.

Đáng tiếc thay mọi chuyện trên đời đều có những biến động không thể ngờ đến. Người gia nhập Trung Nguyên, lập lên nhà Thanh lại là người dân tộc Nữ Chân – thuộc người Kim! Do đó, trong mắt của Hoàng đế nhà Thanh, nền tảng chính trị của Nhạc Chung Kì có vấn đề.

Những lời đồn về Nhạc Chung Kì mà Tằng Tĩnh nghe được là: Nhạc Chung Kì dẫn đầu đội quân Tứ Xuyên – Thiểm Tây tạo phản, nhưng Tằng Tĩnh đã không biết hoặc có thể là đã xem nhẹ một chuyện, đó là lời đồn này vừa truyền ra, Nhạc Chung Kì đã lập tức trình công văn thanh minh cho bản thân lên Hoàng đế Ung Chính.

Cũng từ đó về sau, Nhạc Chung Kì càng chú trọng cẩn thận hơn với nhất cử nhất động của bản thân.

Tằng Tĩnh cho rằng hợp tác với Nhạc Chung Kì là một cơ hội lớn hiếm có, do đó đã phái người gửi cho Nhạc Chung Kì một bức thư, trong thư Tằng Tĩnh liệt kê ra vô số những tội trạng của Ung Chính nhằm thuyết phục Nhạc Chung Kì cùng hợp tác thực hiện kế hoạch "phản Thanh phục Minh".

Sau khi nhận được thư của Tằng Tĩnh, Nhạc Chung Kì đã cấp tốc đem chuyện muốn tạo phản của Tằng Tĩnh tâu lên Ung Chính.

Quyết định không ai ngờ đến của Ung Chính

Đối với chuyện Tằng Tĩnh muốn tạo phản, Ung Chính vô cùng để tâm, không lâu sau đó liền phái người đi bắt Tằng Tĩnh. Tằng Tĩnh không hề e ngại mà nhận ngay tội trạng và đã bị áp giải đến trước mặt Hoàng đế.

Càn Long vừa đăng cơ, nhân vật nào lập tức bị xử tử? - Ảnh 4.

Chân dung hoàng đế Ung Chính

Ung Chính đã đưa ra một quyết định nằm ngoài dự đoán của tất cả mọi người, đó là giữ lại mạng sống cho Tằng Tĩnh, thậm chí còn đưa ra một lời hứa với tội đồ mưu phản: "Chỉ cần ta còn sống 1 ngày sẽ không ai dám động đến ngươi".

Ung Chính đưa ra quyết định này thực ra không phải là đột ngột muốn nhẹ tay với kẻ có ý đồ phản trắc mà là vì muốn bảo toàn cục diện.

Bài văn mà Lã Lưu Lương truyền bá có chứa tư tưởng Hoa Di (một nét văn hóa chính trị truyền thống của Trung Quốc), cùng hàng loạt những lời đồn liên quan đến chuyện Ung Chính giành ngôi không quang minh chính đại. Lời đồn đã được truyền đi rộng khắp, "dư chấn" của những lời đồn đó để lại là rất sâu sắc.

Nếu giết Tằng Tĩnh, nhìn qua có vẻ mọi chuyện sẽ đều theo đó mà kết thúc, sẽ tạm thời được giải quyết ổn thỏa, nhưng trên thực tế, việc giết Tằng Tĩnh sẽ vô tình để Tằng Tĩnh trở thành một anh hùng phản Thanh không sợ chết, không hay một chút nào.

"Muốn cởi chuông ắt phải tìm người buộc chuông", muốn loại bỏ, bài trừ những lời đồn ắt phải để "tác giả" của những lời đồn đó đích thân giải thích.

Do đó, vào năm Ung Chính thứ 7, cuộc trao đổi giữa Ung Chính và Tằng Tĩnh đã được cải biên thành cuốn "Đại nghĩa giác mê lục".

Càn Long vừa đăng cơ, nhân vật nào lập tức bị xử tử? - Ảnh 5.

Ung Chính còn phái quan viên triều đình dẫn dắt Tằng Tĩnh đến Giang Ninh, Hàng Châu, Tô Châu và một số nơi khác để nói về chuyện này và lập tức tiến hành bác bỏ những bàn luận không có căn cứ.

Lã Lưu Lượng và con trai tuy rằng đã chết nhưng vẫn gặp phải sự báo thù đến từ Ung Chính đế. Họ đã bị bêu đầu thị chúng, những người có dính dáng đến họ cũng đều bị đày vào tù ngục. Chuyện này đã trở thành một trong những vụ án có liên quan đến thành phần trí thức của triều Thanh.

Về phía Tằng Tĩnh, vận may của ông ta cũng nhanh chóng kết thúc. Ung Chính kết thúc 13 năm trị vì, Càn Long lên ngôi đã khẩn cấp tuyên án cho Tằng Tĩnh hình phạt lăng trì đến chết.

Lời kết

Cuộc chiến giành ngôi vàng của 9 hoàng tử thời Khang Hi vô cùng khốc liệt và thực tế đã chứng minh, Ung Chính đã dựa vào thực lực của chính mình để bước ra khỏi trận chiến mưa máu gió tanh đó.

Vào thời điểm vừa đăng cơ, vì chưa ngồi vững trên ngai vàng nên Ung Chính không thể không xem trọng tới sự nguy hại của những lời đồn đại. Và quyết định tha chết cho kẻ mưu phản Tằng Tĩnh là bởi ông đang nhìn từ tổng thể đại cục mà cân nhắc.

Đến thời Càn Long, ắt hẳn là vua nào triều thần ấy, đại cục đã định, không ai còn thắc mắc Ung Chính lên ngôi có danh chính ngôn thuận hay không nữa.

Mất đi giá trị chính trị, Tằng Tĩnh không tránh khỏi kết cục phải trả giá đắt cho hành động bồng bột của mình trước đây.


Quỳnh Mai (Theo Tổ Quốc)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem