Chủ tịch HĐND TP.Hà Nội Ngô Thị Doãn Thanh (phải) tặng hoa chúc mừng các tân binh lên đường nhập ngũ. Ảnh chụp tại lễ giao quân đợt 1 khu vực quận Ba Đình (Hà Nội) sáng 15.2.2014. (Ảnh: Khôi Nguyên)
Việc đa số ý kiến đại biểu ủng hộ chủ trương cho phép sinh viên đang học đại học (hệ chính quy) được tạm hoãn thực hiện nghĩa vụ quân sự cho đến khi ra trường có thể sẽ không khả thi. Không hẳn cứ đi nghĩa vụ quân sự mới là yêu nước. Yêu nước có thể thể hiện bằng nhiều cách, như: Học tập tốt, cống hiến tài năng cho đất nước, làm kinh tế giỏi…
Tôi cho rằng cần phải có một nghiên cứu, điều tra khoa học về vấn đề sinh viên nhập ngũ. Từ đó, đánh giá vấn đề một cách khoa học ở nhiều góc độ: Tâm lý, vấn đề giáo dục, sức khỏe, độ tuổi… mà các em nhập ngũ sẽ cho kết quả huấn luyện tốt nhất. Còn nếu không có căn cứ khoa học để xây dựng luật, thì việc tranh luận dù có đi đến thống nhất cũng sẽ gây nhiều khó khăn cho việc thực hiện sau này.
Thạc sĩ Đỗ Văn Quân (Học viện Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh)
Tôi ủng hộ chủ trương cho phép sinh viên đang học đại học (hệ chính quy) được tạm hoãn thực hiện nghĩa vụ quân sự. Tuy nhiên, nên mở rộng cho phép cả sinh viên hệ chính quy học nghề cũng được hưởng chính sách này. Nền kinh tế hiện nay rất cần lao động có trình độ tay nghề cao. Thực tế chứng minh là học sinh trường nghề ra trường 70-75% có việc làm ngay. Thậm chí một số nghề như công nghệ ô tô, cắt gọt kim loại thì 100% học sinh ra trường có việc làm, nghĩa là các em đóng góp ngay công sức vào nền kinh tế. Nếu các em được hoãn nghĩa vụ quân sự thì các trường nghề mới có sức thu hút học sinh. Cũng như sinh viên đại học, các em sau khi học xong trung cấp, cao đẳng nghề, vẫn có thể đi nghĩa vụ quân sự và sẽ có đóng góp tốt về mặt kỹ thuật.
Ông Hà Minh Phương - Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh - sinh viên, Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐTBXH)
Sinh viên học chính quy, học trường dân lập, trường nghề tổng số có đến hàng triệu. Nếu tạm hoãn tất cả thì chúng ta sẽ thiếu một lượng lớn thanh niên cho quân đội, vì vậy phải điều chỉnh sao cho hợp lý chứ không phải là phân biệt đối xử. Các sinh viên học đại học chính quy sẽ đi nghĩa vụ quân sự sau khi tốt nghiệp. Vấn đề đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước vẫn phải đặt lên hàng đầu. Mong Quốc hội vì nhu cầu lâu dài của quân đội cần quan tâm đến đối tượng tham gia nghĩa vụ quân sự để đào tạo cho đất nước một lực lượng dự bị thật tốt.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước - nguyên Tư lệnh Quân khu 4
Con trai tôi đang học đại học năm 3. Khi giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc xâm phạm lãnh hải của Việt Nam, nó hừng hực khí thế, bày tỏ sẵn sàng lên đường bảo vệ Tổ quốc. Rõ ràng sinh viên sẵn sàng hiến thân vì Tổ quốc. Tuy nhiên, trong tình hình đất nước hiện nay, tôi cho rằng chưa nhất thiết phải huy động các cháu sinh viên nhập ngũ. Nếu nhập ngũ nửa chừng sẽ làm gián đoạn quá trình học tập, tiếp thu kiến thức. Để sau này các cháu ra trường rồi tham gia quân đội vẫn chưa muộn.
Đặng Văn Thiệp (Giao Thủy, Nam Định)
Tôi rất đồng tình với quan điểm của Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh và các đại biểu Quốc hội về việc tạm hoãn nghĩa vụ quân sự đối với sinh viên. Đối với sinh viên khoa ngoại ngữ chúng tôi, hàng ngày luyện nói, luyện nghe, nghỉ hè vài tháng là phát âm đã ngọng líu ngọng lô, phản xạ kém đi rất nhiều. Nếu tham gia nghĩa vụ quân sự, 2 năm sau về học lại chắc là chữ thầy trả thầy hết. Vậy nên tốt nhất để chúng tôi tốt nghiệp rồi nhập ngũ, lúc ấy vẫn chưa muộn.
Lê Trung Nghĩa (sinh viên Trường Đại học Hà Nội)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.