Cân rác tính từ ngày 1/1/2022, theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, chưa thể áp dụng. Theo CITENCO
Cân rác tính tiền từ ngày 1/1/2022, chưa thể áp dụng ngay
Minh Văn
Thứ ba, ngày 04/01/2022 10:26 AM (GMT+7)
Từ ngày 1/1/2022, Luật Bảo vệ môi trường 2020 sẽ chính thức phát huy hiệu lực. Trong đó, có nội dung "giá dịch vụ thu gom vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân được tính dựa trên khối lượng, thể tích chất thải ra", tuy nhiên, chưa thể áp dụng ngay…
Không còn cào bằng, xả rác nhiều tốn tiền nhiều, xả rác ít thì ít tiền
Khoản 1, Điều 79 – Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, về chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt như sau: "Giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân được tính toán theo căn cứ sau đây:
Phù hợp với quy định của pháp luật về giá;dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại; chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế, chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân đã được phân loại riêng thì không phải chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý".
Theo quy định trên, việc cân rác tính ra "khối lượng, "thể tích" rác thải sau khi được phân loại được coi là một yếu tố cấu thành nên giá dịch thu gom rác thải sinh hoạt mà mỗi hộ gia đình, cá nhân phải trả hằng tháng. Hiện nay, mức giá dịch vụ này đang được tính bình quân và "cào bằng", người xả 1kg rác cũng trả phí bằng với người xả 10kg rác.
Theo Luật Bảo vê mội trường năm 2020, từ ngày 1/1/2022 là thời điểm bắt đầu có hiệu lực của luật và áp dụng quy định nêu trên. Tuy nhiên, tại Điều 79 của Luật này cũng quy định tính phí rác thải theo kg có thể được áp dụng ở các thời điểm khác nhau, kể từ ngày 1/1/2022 và chậm nhất là ngày 31/12/2024.
Ngoài ra, từ ngày 1/1/2022, nếu như không phân loại rác thải sinh hoạt theo đúng quy định sẽ bị từ chối thu gom, vận chuyển rác. Cụ thể, tại Khoản 2 Điều 77 của Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định trao quyền cho các cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt như sau:
"Cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt có quyền từ chối thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân không phân loại, không sử dụng bao bì đúng quy định và thông báo cho cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật".
Chưa thể áp dụng ngay, cần hướng dẫn cụ thể
Tại TP.HCM, mỗi ngày, TP thải ra khoảng 9.500 tấn chất thải rắn sinh hoạt, tỷ lệ tăng khối lượng hằng năm 6-10%; khối lượng rác sinh hoạt bình quân đầu người khoảng 0,98kg/người/ngày. Việc tăng nhanh chóng chất thải rắn sinh hoạt đô thị với tính chất, thành phần đa dạng, phức tạp đã trở thành áp lực cho các nhà quản lý và các đơn vị thu gom, vận chuyển và xử lý.
Để giảm áp lực cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt, TP.HCM đã triển khai công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn theo 2 nhóm, gồm: nhóm có khả năng tái sử dụng, tái chế (gồm các loại phế liệu như: Giấy, nhựa, kim loại...) và nhóm còn lại (không bao gồm chất thải nguy hại và các loại chất thải khác phát sinh từ cá nhân, hộ gia đình và chủ nguồn thải).
Theo quy định này, cá nhân, hộ gia đình, chủ nguồn thải chất thải rắn sinh hoạt có thể chuyển giao trực tiếp hoặc để sẵn các thiết bị lưu chứa chất thải rắn sinh hoạt trước nhà chờ chủ thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt đến lấy trong khoảng thời gian quy định.
Ông Huỳnh Minh Nhựt – Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM (CITENCO) cho rằng: "Quy định mới của Luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực ngay đầu năm 2022, nếu người dân không phân loại tốt thì khối lượng rác cần phải xử lý sẽ lớn, chi phí phải bỏ ra nhiều hơn, còn làm tốt công tác phân loại thì lượng rác phải xử lý sẽ giảm đi, giảm chi phí cho người dân".
Tuy nhiên, cũng theo ông Nhựt, thành phố chưa thể áp dụng rộng rãi các quy định mới của Luật Bảo vệ môi trường từ ngày 1/1/2022. Vướng mắc lớn nhất là công cụ cân đo và việc phân loại rác tại nguồn chưa được triển khai triệt để, nên chưa có căn cứ tính khối lượng, thể tích rác thải để thu tiền thu gom, xử lý.
Để phù hợp với thực tiễn của thành phố, nhưng vẫn khuyến khích được người dân phân loại rác từ nguồn, UBND TP.HCM vừa có văn bản chấp thuận chủ trương giữ ổn định giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt sử dụng ngân sách thành phố như mức giá áp dụng trong giai đoạn 2017-2018.
Cụ thể, hộ gia đình nội thành có nhà mặt tiền đường, hộ dân ở chung cư cao cấp, hạng I, hạng II là 22.000 đồng/tháng; hộ gia đình nội thành có nhà trong hẻm, hộ dân ở chung cư hạng III, hạng IV là 16.500 đồng/tháng; hộ gia đình ngoại thành - vùng ven có nhà mặt tiền đường là 16.500 đồng/tháng; hộ gia đình ngoại thành - vùng ven có nhà trong hẻm là 11.000 đồng/tháng.
Ngoài hộ gia đình, đối với nhóm 1 thu gom bằng phương tiện thô sơ, tập kết rác tại điểm hẹn là 66.000 đồng/cơ sở/tháng; nhóm 2 thu gom bằng phương tiện thô sơ, tập kết rác tại điểm hẹn là 121.000 đồng/cơ sở/tháng; nhóm 3 thu gom bằng xe cơ giới, đổ rác tại trạm trung chuyển là 194.480 đồng/m³ hoặc 463.045 đồng/tấn.
"Việc thành phố giữ ổn định quy định mức giá dịch vụ thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt đối với từng khu vực cư dân sinh sống là phù hợp để cùng chia sẻ với những khó khăn cùng với người dân khi dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề 2 năm nay" – ông Nhựt cho biết.
Để làm tốt công tác thu gom, phân loại rác từ hộ gia đình, về lâu dài, thành phố sẽ phải có những giải pháp phù hợp trong việc quy định giá dịch vụ thu gom rác thải sinh hoạt, nhất là đối với những hộ gia đình có nguồn thải lớn dựa trên khối lượng và thể tích thải ra như quy định của Luật Bảo vệ môi trường.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.